Bệnh viện ‘hụt hơi’, tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công tự chủ tài chính thấp, hai ‘tư lệnh’ ngành lý giải ra sao?

09/06/2023 04:04

Việc tự chủ tài chính tập trung ở lĩnh vực giáo dục, y tế đang được nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, trong bối cảnh mới đây, 2 trong 4 bệnh viện Trung ương là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đã xin dừng thí điểm tự chủ hoàn toàn.

Chú thích ảnh Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Chưa hoàn thiện quy định về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 5/11, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ vì sao việc thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập hiện thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra? 

Hiện, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên mới chỉ đạt 6,6%. 

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: “Thời gian qua, tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập đã giúp thay đổi tư duy để hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách. Đến nay, số đơn vị tự chủ toàn phần đạt 18,7% trên 47.000 đơn vị sự nghiệp công lập nhưng chưa đạt mục tiêu tinh thần Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương (mục tiêu phải đảm bảo tự chủ hoàn toàn 100%).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận: “Tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực y tế còn nhiều khó khăn do hệ thống thể chế chưa đồng bộ. Quy định về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế cũng chưa hoàn thiện, đặc biệt ngành y trong năm qua bị ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch”.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ để tổ chức Hội nghị đánh giá căn cơ, sơ kết 5 năm tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là dịp quan trọng để Thủ tướng chỉ đạo toàn diện bộ, ngành quan tâm đến tự chủ. Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu để tham mưu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật có liên quan, đảm bảo thực hiện tốt việc tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Chú thích ảnh Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các ĐBQH trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Giáo dục và y tế là hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay. Người dân được nhờ từ 2 lĩnh vực này, nếu phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, sức khoẻ và tình hình học tập của người dân.

"Vì vậy, khi thực hiện cơ chế về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong 2 lĩnh vực này cần phải rất thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, tránh việc làm theo phong trào", Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Trước thực trạng một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần vừa qua như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Hiện huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn như: Nguồn thu khó khăn, không liên doanh, liên kết… nên các đơn vị xin không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin thực hiện tự chủ một phần”. Theo đó, bệnh viện sẽ tự chủ phần chi thường xuyên, còn chi đầu tư, ví dụ mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới…, ngân sách Nhà nước phải đảm bảo

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, điều này là hợp lý, miễn sao phục vụ người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị ngày càng phát triển nhất. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì sẽ tự chủ toàn bộ. 

“Hiến kế” để bệnh viện không…“hụt hơi”

Chú thích ảnh Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị Bộ Y tế có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để tìm phương án tháo gỡ cho phép bệnh viện sử dụng các máy xã hội hoá, liên doanh liên kết để kịp thời phục vụ người bệnh. Ảnh: TTXVN

Nghị quyết 33 của Chính phủ năm 2019 đã quyết định 4 bệnh viện thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện là: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, chỉ có Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai xây dựng đề án trình Chính phủ thực hiện tự chủ toàn diện. 

Tuy nhiên, sau 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện cho thấy bệnh viện "hụt hơi" và gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính - đây là một trong những nguyên nhân khiến Bệnh viện Bạch Mai xin rút chưa thực hiện tự chủ toàn diện trong thời điểm này.

Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ, chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối do đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị bệnh nhân nhiều nhất trong cả nước. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của Bộ Y tế mới tính trên cơ sở 4/7 yếu tố cấu thành giá. Nếu tự chủ, mức giá phí dịch vụ sẽ điều chỉnh tăng, sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.

“Dịch COVID-19 khiến nguồn thu của bệnh viện giảm khoảng 4.000 tỷ đồng trong hai năm 2020-2021 so với năm 2019. Bệnh viện không được thực hiện quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu; chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ để thực hiện được việc xác định quỹ lương trên doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 5/11, bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga) cho rằng: Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, việc thiếu những quy định pháp lý cụ thể cũng là nguyên nhân khiến các bệnh viện dù mang tiếng là tự chủ toàn diện nhưng lại hầu như không được tự chủ thực sự: Từ nhân sự, tài chính cho đến đầu tư, mua sắm trang thiết bị.

“Để chính sách tự chủ trong các bệnh viện và cơ sở y tế công lập thực sự phát huy hiệu quả, cần xây dựng cơ chế tổ chức quản lý tốt, tránh nguy cơ lạm quyền trong công tác nhân sự và phân chia lợi nhuận; lạm dụng chỉ định, kê đơn và gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong khám chữa bệnh; mua sắm và sử dụng thuốc, trang thiết bị không hợp lý, không cần thiết vì mục tiêu tăng lợi nhuận; tạo ra lợi thế quá lớn của bệnh viện tự chủ so với bệnh viện tư, bóp nghẹt sự phát triển của y tế tư nhân; tạo ra sự chênh lệch lớn về cơ hội, thu nhập… giữa các bộ phận trong cùng một bệnh viện, giữa bệnh viện tuyến Trung ương với tuyến tỉnh, tuyến huyện”, bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng cho biết.

Theo bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng, đầu tiên, cần xác định một lộ trình thống nhất: Xây dựng lộ trình triển khai tự chủ cụ thể cho từng loại bệnh viện theo từng tuyến; xây dựng tiêu chí và điều kiện cụ thể tự chủ bệnh viện cho từng đơn vị ở các tuyến. Bên cạnh đó là phải nâng cao năng lực quản lý, điều hành kinh tế, tài chính, quản trị cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt.

Vấn đề cấp thiết theo bác sỹ Hoàng là phải hoàn thiện, đồng bộ về cơ chế chính sách. Trong Luật khám chữa bệnh sửa đổi cần phải có các chương, các điều khoản quy định cụ thể các nội dung tự chủ về tổ chức biên chế, tài chính… Theo đó, cần tính đúng, tính đủ giá viện phí theo bảo hiểm y tế với đủ bảy yếu tố cấu thành, bảo đảm nguồn thu cho bệnh viện để đầu tư trang thiết bị, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất…bảo đảm công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đơn giản và thiết thực nhất là quy định tỷ lệ ăn chia đối với hình thức thuê hoặc đặt máy móc, trang bị của tư nhân tại bệnh viện công.

“Mục tiêu của tự chủ bệnh viện vẫn là nâng cao quyền lợi của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, người không có thẻ bảo hiểm y tế và nhóm xã hội yếu thế. Do đó cần phải rõ ràng, minh bạch trong quản lý tài chính, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát; cần xây dựng các quy trình và các bộ chỉ số thống nhất, ví dụ như số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh, mức độ hài lòng của người bệnh sau khi được điều trị, số lượng, chất lượng nhân sự nghỉ việc và tuyển mới… để so sánh với thời điểm trước tự chủ, so sánh giữa các bệnh viện với nhau hoặc với các bệnh viện tư nhân”, bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng đề xuất.

Bạn đang đọc bài viết "Bệnh viện ‘hụt hơi’, tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công tự chủ tài chính thấp, hai ‘tư lệnh’ ngành lý giải ra sao?" tại chuyên mục Y tế - Sức khỏe. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).