Phiên họp đánh dấu một dấu mốc quan trọng khi đây là cuộc họp mở rộng đầu tiên của chính quyền TP HCM sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Chủ tịch Nguyễn Văn Được nhận định đây là giai đoạn "lửa thử vàng, gian nan thử sức" với TP HCM, khi phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng: vừa lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội với kịch bản tăng trưởng cao, vừa tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính sao cho hệ thống chính quyền địa phương hai cấp hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt cho người dân.

Tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Becamex IDC đã trình bày về tiềm năng mà doanh nghiệp này mang lại cho TP HCM. Theo đó, hệ thống doanh nghiệp thuộc tập đoàn có tổng cộng 35 thành viên với tổng tài sản khoảng 160.000 tỷ đồng, trong đó Becamex nắm giữ 95,44% cổ phần.
"Đây là nguồn lực lớn mà TP cần khai thác hiệu quả, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, doanh nghiệp Nhà nước gặp khó khăn về vốn. Nếu thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, minh bạch thì TP hoàn toàn có thể huy động hiệu quả nguồn lực này để tạo ra đột phá phát triển", ông Hùng khẳng định.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Becamex đã tham gia xây dựng khoảng 200km đường lớn tại TP HCM (khu vực tỉnh Bình Dương trước đây) với tổng vốn 60.000 tỷ đồng, cùng nhiều công trình khác. Điều này cho thấy năng lực triển khai dự án lớn của tập đoàn.
Hiện TP HCM đặt mục tiêu phát triển 7 tuyến metro, trong đó đã có 4-5 doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tham gia nghiên cứu đầu tư. Chủ tịch Nguyễn Văn Được đã đề xuất Becamex nghiên cứu tham gia một số tuyến còn lại.
"Đây là cách để tận dụng nội lực, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời hình thành những 'thế lực mới' trong phát triển", ông Được nhấn mạnh. Lãnh đạo TP HCM cũng gợi ý Becamex đề xuất tham gia thực hiện các dự án giao thông lớn khác như Quốc lộ 1A, đường dẫn cao tốc TP HCM - Trung Lương, và đường Nguyễn Văn Linh nối dài.

Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần sớm nghiên cứu đầu tư tuyến tàu điện ngầm metro kết nối TP HCM - Bình Dương, dự kiến có chiều dài 30km với tổng vốn đầu tư hơn 51.000 tỷ đồng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển xuống chỉ 10-20 phút.
Chủ tịch Nguyễn Văn Được cho rằng TP HCM cần có ít nhất hai tập đoàn Nhà nước lớn để dẫn dắt, từ đó đưa khu vực kinh tế Nhà nước trở thành một trụ cột quan trọng trong phát triển. Thứ nhất là Becamex Bình Dương, thứ hai là tập đoàn mới được hình thành từ việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của TP HCM trước đây.
Ông gợi ý tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để hình thành thêm một tập đoàn lớn, có thể là "Tập đoàn Sài Gòn", để kết hợp sức mạnh và tối ưu hóa nguồn lực sẵn có. Hai tập đoàn này sẽ kết hợp, tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển TP HCM.
Lãnh đạo TP HCM nhấn mạnh Becamex có năng lực mạnh trong đầu tư hạ tầng, bất động sản và sở hữu quỹ đất công nghiệp lớn ở Bình Dương cũ, trong khi TP HCM cũ lại có ưu thế trong việc thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao.
Từ đó, ông gợi ý việc kết hợp hai thế mạnh này để hình thành Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp công nghệ cao mới, phục vụ chiến lược phát triển chung của TP HCM mới. Chủ tịch UBND TP HCM cũng gợi ý Becamex nghiên cứu tận dụng quỹ đất phù hợp để quy hoạch, phát triển khu công nghiệp và xây dựng khu công nghệ cao.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Văn Được cho rằng khối lượng công việc đặt ra là rất lớn khi TP HCM cần đồng thời chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, hoàn thiện mô hình chính quyền hai cấp và duy trì tăng trưởng kinh tế theo kịch bản cao.
Để làm được điều đó, ông đề nghị các cấp, các ngành cần thống nhất quan điểm xuyên suốt là "đã về chung một nhà", xóa bỏ ranh giới hành chính giữa các đơn vị, không phân biệt địa bàn mà phải phát huy thế mạnh từng khu vực, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển chung.