Quy định không đáp ứng thực tiễn
Bộ Tư pháp đang thẩm định các ý kiến theo báo cáo tổng hợp của Bộ Công an về kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn chồng chéo, chưa rõ ràng do các quy định pháp luật.
Theo đó, Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang nêu ý kiến, khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 (đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025) quy định về "thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải đường bộ".
Cụ thể, khoản 1 "Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động".
Xem thêm: Nhiều vướng mắc khi 2 quy định, 2 mức phạt khác nhau về cùng 1 hành vi

Theo Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang, quy định về thời gian lái xe với tài xế hiện nay là không phù hợp.
Theo Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang, quy định thời gian lái xe nêu trên thấp hơn so với các nước như Úc (12 giờ/ngày), Mỹ (11 giờ/ngày, 60-77 giờ/tuần), EU (56 giờ/tuần), Nhật Bản và Ấn Độ (60 giờ/tuần), dẫn đến năng suất lao động thấp, thu nhập cũng sẽ bị giảm tương ứng thấp.
Thực tiễn hiện tại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang thiếu nguồn cung lái xe ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vận tải đồng thời tốc độ lưu thông bình quân di chuyển đường bộ chậm dẫn đến năng lực vận tải đường bộ yếu dẫn đến giá cước vận tải và chi phí logistics tăng cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định nêu trên.
Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh ý kiến về Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, theo đó tại Điều 11 quy định về "sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước" thì người có thẩm quyền cho phép sao, chụp bí mật nhà nước không có thành phần Chủ tịch UBND cấp xã, Chỉ huy Công an cấp xã.
Thực tế, hai chức vụ trên hàng ngày tiếp nhận nhiều văn bản có nội dung bí mật Bhà nước cả bản giấy và bản điện tử cần sao, chụp để triển khai thực hiện. Do đó dẫn đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Sở Tư pháp Tp.Hải Phòng ý kiến về Luật An ninh mạng năm 2018 chưa có quy định cụ thể về việc bắt buộc sử dụng định danh điện tử trong các hoạt động tài chính - ngân hàng để phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Trong khi đó, hành vi lừa đảo qua mạng đang diễn ra phổ biến, chủ yếu thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng không xác thực chính chủ. Việc thiếu quy định phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý an ninh mạng và hệ thống ngân hàng thương mại khiến công tác truy vết, xử lý tội phạm gặp khó khăn.
Do đó, cần có quy định cụ thể về nghĩa vụ phối hợp của các tổ chức tín dụng trong phòng, chống lừa đảo mạng; yêu cầu sử dụng định danh điện tử mức độ 1, 2 khi đăng nhập ứng dụng ngân hàng và thực hiện giao dịch theo hạn mức. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm xác thực, lưu trữ và cung cấp thông tin người dùng ngân hàng khi có yêu cầu điều tra.
Bên cạnh đó, Nghị định số 106 ngày 15/5/2025 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chưa có quy định cụ thể để xác định "vi phạm hành chính nhiều lần" trong lĩnh vực PCCC. Ví dụ: Vi phạm tại nhiều hạng mục công trình thì chỉ phạt 1 lần hay xử phạt đối với từng hạng mục...
Không để Luật dựa trên ý chí chủ quan
Đóng góp về BLHS 2015 (sửa đổi 2017, 2025), Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long cho rằng, các từ ngữ như: "Người đã quá già yếu" (Điều 64), "Người đủ 70 tuổi trở lên" (Điều 51, 52) hay "Người già yếu" của Bộ Luật hình sự cần được sửa đổi cụ thể.
Hiện nay các thuật ngữ được nêu tại các điều khoản trên của Bộ Luật chưa có khái niệm thống nhất để xác định độ tuổi nào được xem là "già yếu", "quá già yếu"…
Việc xác định độ tuổi được xem là "già yếu" hay "quá già yếu" sẽ tùy thuộc vào ý chí chủ quan của người áp dụng và điều này sẽ ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi xử lý trách nhiệm.
Đồng quan điểm trên, Sở Tư pháp Tuyên Quang kiến nghị thêm, tại Điều 45 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và 2025), có tình tiết "Tước một phần tài sản". Quy định trên dẫn đến khi áp dụng có tính chủ quan, không thống nhất. Sở này đề nghị quy định cụ thể một phần tài sản là bao nhiêu % và quy định theo phân loại tội phạm.
Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long nêu thêm, khoản 3 Điều 29 của BLHS quy định về miễn trách nhiệm hình sự. Theo đó "Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng"… thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Việc quy định này sẽ tùy thuộc vào ý chí chủ quan của người áp dụng trong quá trình xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi này.
Tương tự, Điều 8 quy định: "Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác". Nếu theo quy định này thì việc xác định mức độ như thế nào là "không đáng kể" tiếp tục có thể lại tùy thuộc vào ý chí chủ quan của người áp dụng và điều này dẫn đến việc áp dụng không thống nhất đối với một hành vi.