Đời sống công nhân dịp cuối năm - Bài 1: Bất ngờ thất nghiệp khi Tết đã cận kề

09/06/2023 07:30

Thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, liên tục có doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, buộc phải cắt giảm giờ làm, thậm chí phải đóng cửa nhà máy. Tình trạng này đã khiến nhiều công nhân tại TP Hồ Chí Minh "bỗng dưng" rơi vào cảnh mất việc. Để hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này, các đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã chung tay thực hiện các giải pháp tổng thể, quyết liệt.

Chú thích ảnh Nhiều lao động tại TP Hồ Chí Minh "bỗng dưng" rơi vào cảnh thất nghiệp trước Tết Nguyên đán.

Bài 1: Bất ngờ thất nghiệp khi Tết đã cận kề

Đơn hàng giảm, thiếu nguyên phụ liệu sản xuất, nhiều nhà máy buộc phải cắt giảm hàng loạt lao động thay vì tuyển thêm người như những năm trước đây. Điều này khiến hàng ngàn lao động phải chịu cảnh thất nghiệp ngay trước Tết Nguyên đán Đinh Mão đang cận kề.

Gian nan con đường mưu sinh

Vốn là công nhân của Công ty Tỷ Hùng, chị Phan Thị Nhiều đã phải nghỉ việc gần 1 tháng nay vì công ty giải thể.

Chị Nhiều cho biết, do học hành dang dở, nên khi đến 17 tuổi, chị đã lên TP Hồ Chí Minh cùng mẹ đi làm công nhân. Sau khi lấy chồng, chị chuyển sang làm tại công ty Tỷ Hùng để cuộc sống ổn định hơn. Tính đến nay, chị đã làm tại công ty Tỷ Hùng được gần 7 năm.

Ban đầu, thu nhập của chị chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, đến nay đã tăng lên khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, chị chỉ tạm đủ nuôi hai đứa con nhỏ và trang trải cuộc sống hàng ngày. Dù vậy, chị cũng cảm thấy hài lòng vì có công việc phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình.

Chú thích ảnh Gia đình chị Phan Thị Nhiều lo lắng vì bị thất nghiệp trước Tết 2023. 

“Khi nghe công ty thông báo cho nghỉ việc, tôi choáng váng và hụt hẫng vì tôi thất nghiệp nghĩa là cuộc sống gia đình sẽ càng bấp bênh hơn. Bởi hiện nay, mọi sinh hoạt trong gia đình chỉ trông vào đồng lương của tôi. Chồng tôi hiện nay sức khỏe cũng yếu nên chỉ làm việc nhẹ nhàng và thu nhập không cao. Vừa rồi có công ty kia tuyển lao động nhưng vì đi làm xa, không lo được cho hai con nên tôi không dám nộp đơn xin việc. Chúng tôi dự tính Tết này không có thu nhập thì cả nhà sẽ ở lại TP Hồ Chí Minh đón Tết. Mặt khác, ở lại Thành phố đón Tết, tôi cũng tranh thủ đi tìm việc mới để qua Tết có việc làm mà lo cho gia đình”, chị Phan Thị Nhiều chia sẻ.

Đồng cảnh ngộ với chị Phan Thị Nhiều, chị Trần Thị Giúp (quê ở Đồng Tháp) cho biết, chị đã lớn tuổi nên việc tìm một công việc mới sau khi bị mất việc là không dễ dàng. Mấy ngày nay chị đi phụ giúp việc cho các gia đình gần nhàở để có thêm thu nhập, chờ tìm được công việc mới phù hợp với mình. 

“Với công nhân làm may lâu năm như tôi, khi nghỉ việc ở tuổi gần 50 thì không dễ để bắt đầu làm một công việc mới. Vừa rồi, Công ty Việt Tiến cũng tuyển lao động, nhưng đi làm quá xa. Họ lại may áo quần, còn tôi thì lại chuyên may da giày, máy móc không giống nhau nên cũng khó xin việc. Trước giờ tôi may là ngồi, giờ công ty khác tuyển thì phải đứng may cả ngày, tôi đã lớn tuổi không biết có đứng máy nổi không. Nên đâu phải cứ có chỗ nào tuyển lao động là những công nhân trên 40 tuổi như tôi đi làm được", chị Giúp cho biết.

Chị Giúp kể, mấy ngày nay, đêm nào chị cũng mất ngủ vì trằn trọc nghĩ đến việc mưu sinh từ nay đến Tết. “Tết đã cận kề nhưng tôi cũng chẳng dám nghĩ đến. Không có Tết cũng chẳng sao, quan trọng là hàng ngày mình sống như thế nào. 18 năm gắn bó với Công ty Tỷ Hùng, nghĩ còn tiếp tục gắn bó chục năm nữa rồi nghỉ hưu, không ngờ đùng một cái, công ty tuyên bố giải thể. Tôi hụt hẫng, buồn lo vì con đường mưu sinh phía trước quá gian nan”, chị Giúp cho biết.

Nỗi lo những ngày cuối năm

Có gần 17 năm làm việc tại một công ty chuyên về may mặc trong Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), chị Võ Thị Hoài (quê Hà Tĩnh) đang nơm nớp lo mất việc khi doanh nghiệp thông báo cắt giảm đơn hàng. “Gần đây, liên tiếp nghe nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất nên sa thải công nhân, đóng cửa nhà máy, mà tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Tôi sợ sẽ chung hoàn cảnh thất nghiệp như vậy, lúc đó sẽ không biết tính sao vì mình lớn tuổi sẽ chẳng ai thuê mướn. Thật sự đã quyết định chọn vào nhà máy làm công nhân, chúng tôi chỉ mong được yên ổn làm việc đến khi về hưu. Dù công ty có khó khăn, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, chỉ hy vọng đừng mất việc làm khi lớn tuổi”, chị Hoài nhìn xa xăm nói.

Chú thích ảnh Chị Trần Thị Giúp tranh thủ hái ít rau trong khu phòng trọ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong những ngày thất nghiệp. 

Còn chị Nguyễn Thị Bé, công nhân may mặc tại Công ty Bình Minh (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) kể, trong công ty chị, đa số công nhân đều ở độ tuổi từ 18 đến 35. Những người cùng lứa với chị bị coi là “quá tuổi lao động” nên luôn nơm nớp lo sợ bị doanh nghiệp tìm cách sa thải bất cứ lúc nào vì lý do sức khỏe kém, mất nhiều chi phí cho bảo hiểm xã hội, phải tăng lương cao cho công nhân...

"Tôi đã tìm hiểu qua rất nhiều doanh nghiệp may mặc đang treo bảng tuyển dụng, các sàn việc làm… nhưng nơi nào cũng yêu cầu lao động dưới 30 tuổi. Nếu như tôi thất nghiệp ở tuổi 45 thì chỉ có ra chợ phụ việc bưng bê, rửa bát, làm việc nhà hoặc về quê làm ruộng, chứ tôi nghĩ mình khó có thể tìm được việc làm ổn định ở thành phố”, chị Nguyễn Thị Bé ngậm ngùi cho biết.

Ông Đỗ Phi Tiến, Giám đốc Công ty cung ứng lao động Tiến Thanh cho biết, nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng, ông thấy hầu hết các doanh nghiệp đều giới hạn độ tuổi lao động trong tuyển dụng, kể cả doanh nghiệp ngành dệt may cũng chỉ tuyển lao động dưới 40 tuổi. Nguyên nhân là do doanh nghiệp cho rằng, lao động lớn tuổi không còn nhanh nhẹn, sức khỏe giảm sút dẫn tới năng suất lao động thấp. Một lý do khác khiến doanh nghiệp không mặn mà khi tuyển lao động trung niên vì sẽ phải thỏa thuận lại mức lương. Nếu thỏa thuận mức lương cao do lao động có thâm niên làm việc thì doanh nghiệp phải đóng các khoản về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cao hơn so với lao động trẻ. Do vậy, người lao động bị thất nghiệp ở độ tuổi trung niên thường khó tìm việc làm mới, dù họ có năng lực, kinh nghiệm và nhu cầu việc làm.

“Đây cũng là lý do khiến cánh cửa việc làm trở nên hẹp hơn với lao động nữ tuổi trung niên. Thậm chí, một số đơn vị còn tìm cách đào thải lao động nữ trung niên bằng cách chuyển họ sang vị trí công việc nặng nhọc hơn, giảm ngày công lao động... để lao động cảm thấy chán nản, mệt mỏi mà tự xin nghỉ việc. Tình trạng này thường diễn ra trong thời gian trước Tết để người sử dụng lao động không phải lo thêm khoản lương thưởng Tết cho người lao động trung niên”, ông Đỗ Phi Tiến nói.

Bài 2: Doanh nghiệp 'buộc' cho công nhân nghỉ việc

Bạn đang đọc bài viết "Đời sống công nhân dịp cuối năm - Bài 1: Bất ngờ thất nghiệp khi Tết đã cận kề" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).