Biểu tượng khát vọng hòa bình và thống nhất non sông - Bài cuối: Cam Lộ trên hành trình đổi mới

05/06/2023 16:30

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cam Lộ nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung đang tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Hướng đến huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025

Chú thích ảnh Nhà trình Quốc thư thuộc Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Từ năm 1973 - 1975, thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, phong trào thi đua sản xuất ở huyện Cam Lộ dấy lên mạnh mẽ, góp phần cung cấp nhu cầu thiết yếu cho Chính phủ và tiền tuyến miền Nam. Diện tích lúa gieo trồng năm 1974 của huyện đạt 1.867 ha, tăng 787 ha so với năm 1973. Sản lượng lúa năm 1974 đạt 1.294 tấn cùng 5.700 tấn khoai, sắn, ngô. Qua đó không những giải quyết được nhu cầu lương thực tại chỗ, địa phương còn dự trữ được trên 640 tấn lúa.

Ông Nguyễn Công Đoàn, 96 tuổi, nguyên Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Cam Lộ nhớ lại, từ người dân đến chính quyền huyện Cam Lộ đều một lòng ủng hộ Đảng, bảo vệ khu Trụ sở Chính phủ, bảo vệ cách mạng. Để việc xây dựng Trụ sở Chính phủ được diễn ra thuận lợi, Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Cam Lộ đã vận động nhân dân tham gia đóng góp. Bà con hăng hái tham gia công tác hậu cần, cung cấp lương thực, thực phẩm, ngày công, vật tư để hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất.

Nửa thế kỷ đã đi qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cam Lộ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng trong sự nghiệp đổi mới. Năm 2019, Cam Lộ đã trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị, sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra và đang hướng đến huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới năm 2011, mỗi xã ở huyện Cam Lộ chỉ đạt 5/19 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người chưa đến 13 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 17%. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn dưới 3%, không có hộ nghèo thuộc diện chính sách; không còn nhà tạm bợ.

Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, xác định rõ vai trò “chủ thể” của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, tất cả đều hướng tới mục tiêu là sự hài lòng của người dân. Do đó, nhân dân thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, tự giác, tự nguyện hưởng ứng đóng góp công sức, tiền của, hiến kế hiến công xây dựng nông thôn mới. Trong tổng nguồn lực huy động để xây dựng nông thôn mới trên 3.000 tỷ đồng, có gần 500 tỷ đồng do nhân dân đóng góp.

Xây dựng nông thôn mới thành công là động lực để Cam Lộ phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt trên 12%. Các cụm công nghiệp, dịch vụ, công trình, dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai như: Khu logistics và cụm công nghiệp công nghệ cao, Khu nghỉ dưỡng cao cấp hồ sinh thái Nghĩa Hy... Từ địa bàn “trắng” về công nghiệp những ngày đầu giải phóng, đến nay, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ ở Cam Lộ được đẩy mạnh phát triển, chiếm tỷ trọng 72% trong cơ cấu nền kinh tế. Huyện đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng ba cụm công nghiệp là Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Tuyền với tổng diện tích 150 ha, thu hút 51 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 1.400 lao động địa phương.

Lĩnh vực nông nghiệp của huyện đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng sản xuất theo hướng bền vững với hơn 4.000 ha cao su, trên 420 ha hồ tiêu, 200 ha cây dược liệu, 17.000 ha rừng sản xuất. Các vùng chuyên canh tập trung đã liên kết với doanh nghiệp chế biến tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với thương hiệu địa phương. Sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của huyện chiếm gần 30% tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Trị.

Động lực từ truyền thống cách mạng

Chú thích ảnh Nhà Bộ Ngoại giao thuộc Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam năm xưa đã trở thành Di tích Lịch sử quốc gia năm 1991, hàng ngày mở cửa đón du khách trong và ngoài nước. Huyện Cam Lộ đang tập trung trùng tu tôn tạo, đồng thời từng bước hoàn thiện hồ sơ, sớm trình cấp có thẩm quyền công nhận nơi đây là Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt nhằm phát huy giá trị của di tích ngang tầm với vai trò quan trọng và ý nghĩa lịch sử của di tích.

Bí thư Huyện ủy Cam Lộ Đỗ Văn Bình nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cam Lộ tiếp tục thay mặt nhân dân cả nước gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử đặc biệt ý nghĩa của khu Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để nơi đây mãi là biểu tượng cho khát vọng hòa bình và quyết tâm giành độc lập, thống nhất non sông của dân tộc, là minh chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng của nhân dân ta. Từ đó, tiếp lửa cho thế hệ mai sau lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, học tập; đồng thời biến niềm tự hào đó thành sức mạnh hành động cho những đổi thay kỳ diệu trên quê hương anh hùng.

Ra khỏi cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt, huyện Cam Lộ nói riêng, “vùng đất lửa” Quảng Trị nói chung phải “gánh trên mình” hậu quả hết sức nặng nề với trên 95% làng mạc bị tàn phá, hủy diệt. Quảng Trị cũng là một trong những tỉnh có mật độ bom mìn còn sót lại lớn nhất cả nước. Đứng trước muôn vàn khó khăn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị đã phát huy truyền thống anh hùng, đồng cam cộng khổ, cần cù sáng tạo để tái thiết và xây dựng quê hương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang cho biết, tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành tỉnh trong nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025, tỉnh khá vào năm 2030; tạo điều kiện cho cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào năng lượng, nhất là điện gió, điện mặt trời, điện khí; phấn đấu đến năm 2030 trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung với khoảng 9.500MW. Những ngọn gió Lào (gió phơn Tây Nam khô nóng) khắc nghiệt và cái nắng mùa Hè rát bỏng từng là nỗi ám ảnh của mảnh đất Quảng Trị, nay trở thành nguồn lợi kinh tế có tiềm năng to lớn đối với phát triển điện gió. Tỉnh đã có 19 dự án điện gió đi vào hoạt động, 3 dự án điện mặt trời và 11 dự án thủy điện đi vào vận hành với tổng công suất trên 1.000MW. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai hàng chục dự án điện gió, điện khí quy mô lớn.

Ngành công nghiệp phát triển nhanh đem lại cho Quảng Trị diện mạo mới. Tỉnh đã xây dựng 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, 7.770 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tạo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Năm 2007, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng trồng rừng theo tiêu chuẩn quản lý bền vững (FSC). Đến nay, diện tích rừng FSC đạt 23.000ha, chiếm 12% tổng diện tích của cả nước. Đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được tỉnh chú trọng. Đôi bờ của những dòng sông một thời hoa lửa được kết nối bằng những cây cầu: Cửa Tùng, Cửa Việt, Thạch Hãn, Hiếu Giang. Đường 9 năm xưa, nay được nâng cấp mở rộng thành con đường xuyên Á, kết nối Thái Bình Dương với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông rộng lớn.

Du lịch có bước phát triển hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2025. Những địa danh nổi tiếng như: Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ... của một thời hoa lửa năm xưa, nay là điểm đến của du lịch hòa bình và hữu nghị. Từ năm 1989 (Quảng Trị tách ra từ Bình Trị Thiên) đến nay, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng, GRDP bình quân đạt 7,8%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng 190 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 10 lần, tổng thu ngân sách tăng hơn 300 lần so với năm 1989.

Trên hành trình phát triển, Quảng Trị quan tâm chăm lo đến người có công với cách mạng. Tỉnh đã cơ bản giải quyết nhà ở cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sỹ, thương binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 99% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư. Đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện. Trên tinh thần Quảng Trị vì cả nước, hàng ngày, tỉnh chăm sóc gần 60.000 phần mộ liệt sỹ ở 72 Nghĩa trang Liệt sỹ, trong đó có hai Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia, là nơi yên nghỉ của con em của các tỉnh, thành trong cả nước.

Trong hành trình lịch sử của mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị luôn lấy giá trị lịch sử và truyền thống làm động lực phát triển; thực hiện lời nhắn nhủ tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần vào thăm Quảng Trị: “Ngoài những tiềm năng sẵn có, với Quảng Trị, truyền thống cách mạng anh hùng cũng là một nguồn lực, động lực để thúc đẩy phát triển. Tỉnh Quảng Trị đã anh hùng trong chiến đấu, phải thành công trong kiến thiết, dựng xây. Đảng bộ tỉnh từng được tôi luyện qua thử thách, phải thực sự là hạt nhân, là đầu tàu, phải là một “lũy thép” vững vàng, đoàn kết thống nhất cao để đưa Quảng Trị bứt phá đi lên...”.

Bạn đang đọc bài viết "Biểu tượng khát vọng hòa bình và thống nhất non sông - Bài cuối: Cam Lộ trên hành trình đổi mới" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).