Sáng 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành nhà ga T3 Tân Sơn Nhất (Tp.HCM). Đây là công trình giao thông trọng điểm quốc gia, đi vào hoạt động đúng thời điểm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Tại buổi lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính cùng đoàn công tác đã khảo sát nhiều khu vực tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV, chủ đầu tư dự án nhà ga T3) và các đơn vị, nhà thầu khi đã hoàn thành, đưa nhà ga vào khai thác kịp lễ kỉ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dự án đã vượt tiến độ 2 tháng khi khánh thành vào tháng 4/2025. Dự án nhà ga T3 sẽ tác động tích cực đến sân bay quốc tế Long Thành cơ bản hoàn thành trong năm 2025, với tinh thần cao nhất, thi công vượt tiến bộ.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đơn vị quản lý khai thác hiệu quả, bền vững, phát huy tối đa hiệu quả công năng của công trình, mang lại lợi ích cho người dân…
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất hiện đại, ứng dụng công nghệ, thuận tiện cho người dân.
Dự kiến trong ngày 19/4 sẽ có 49 chuyến bay (23 chuyến đi, 26 chuyến đến) và 11.961 hành khách (5.523 hành khách đi, 6.438 hành khách đến).
Theo Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T3 sử dụng các công nghệ hàng không hiện đại.
Hành khách đi máy bay có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip hoặc định danh điện tử VNeID để làm thủ tục hàng không hoàn toàn tự động cho toàn bộ quá trình từ check-in đến khâu gửi hành lý tự động SBD, qua cửa kiểm soát an ninh, cho đến cửa ra tàu bay Boarding Gate.
Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có 3 hạng mục chính gồm: nhà ga hành khách; nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga; tổng mức đầu tư là 10.990 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ ACV (70%) và vốn vay thương mại (chiếm 30%).
Nhà ga có 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2.
Ga T3 được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check in, 27 cửa ra tàu bay, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách, 6 đảo băng chuyền hành lý đi và 10 đảo băng chuyền hành lý đến.
Đặc biệt, nhà ga T3 được thiết kế 8 cửa kiểm soát an ninh và khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên.
Nhà ga T3 đáp ứng công suất 20 triệu hành khách/năm, phục vụ 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tàu bay Code C và Code E.
Nhà ga có lớp mái cong mềm mại trải dài từ ga đến vườn trung tâm của công trình phức hợp thương mại – văn phòng, gợi nhớ đến đường nét mềm mại của tà áo dài Việt Nam, biểu trưng cho sự duyên dáng, thanh lịch.
Các lớp mái lên xuống, đan xen tạo sự đa dạng trong các góc nhìn, đồng thời mang ánh sáng tự nhiên vào trong nhà ga. Điểm nhấn của ga T3 là khu phức hợp thương mại – văn phòng được thiết kế hướng đến mục tiêu kiến trúc xanh, tích hợp các yếu tố tự nhiên và cảnh quan, tạo nên môi trường thân thiện.
Hành khách khi bắt đầu đến sân bay được chào đón bởi các hàng cây xanh dọc theo tuyến đường trục chính, tạo thành hành lang xanh kết nối với thành phố. Tòa nhà có thiết kế thông gió tự nhiên và mái lấy sáng, kết hợp với các mảng xanh từ khu vực cảnh quan, công viên, quảng trường trên cao, hồ nước trang trí, tường xanh, tạo nên kết nối đồng điệu với thiên nhiên.
Ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ công bố "Triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ thủ tục lên tàu bay" do Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Cục quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các đơn vị liên quan triển khai.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận sự đóng góp chung của các cơ quan ban ngành trong việc xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ. Việc ứng dụng VNeID vào trong lĩnh vực hàng không giảm được các đại lý, vì chỉ việc sử dụng căn cước, người dân hạn chế được việc đi lại, làm thủ tục tại sân bay nhanh…. thể hiện sự hiệu quả của chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Thời gian tới, sẽ ứng dụng công nghệ số ở Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, các nhà ga hàng không trên cả nước, nhà ga đường sắt, đường thuỷ… hướng triển khai nhà ga thông minh.
Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-le-khanh-thanh-nha-ga-t3-tan-son-nhat-a193318.html