Hai "thủ phủ" công nghiệp
Theo Nghị quyết số 60 tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức sáp nhập tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.
Trước sáp nhập, cả Bắc Ninh và Bắc Giang đều được biết tới là những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, với quy mô kinh tế mỗi địa phương đều đạt trên 200.000 tỷ đồng và số vốn FDI lũy kế thu hút được hàng chục tỷ USD.
Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh (cũ) là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, với 822,71 km2, dân số trên 1,561 triệu người. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh (cũ) có 16 khu công nghiệp, 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 6.397 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 61,07%.
Cơ cấu kinh tế Bắc Ninh với khu vực Công nghiệp và Xây dựng chiếm tỉ trọng lớn với 70,3%, khu vực Dịch vụ chiếm 22,34%, khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản chiếm 3,02%, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,34%.
Năm 2024, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về tổng thu hút vốn FDI với gần 5,04 tỷ USD, thu hút FDI lũy kế lên tới hơn 31 tỷ USD. Năm 2024 quy mô kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Ninh đạt trên 232.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 6,03%. Trong đó, có nhiều tập đoàn lớn như: Samsung, Nokia, Amkor...
Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang có diện tích tự nhiên 3.895,89 km2, dân số trên 2,057 triệu người. Hiện toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp và 55 cụm công nghiệp đã được thành lập, tổng diện tích 6.013 ha, giải quyết việc làm cho 342.000 lao động.
Thành phố Bắc Giang về đêm. (Ảnh: Bacgiang.gov.vn)
Trong khi đó, quy mô kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang đạt trên 207.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 13,85% đứng đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 chủ yếu là khu vực Công nghiệp - xây dựng chiếm 68,4%, dịch vụ và thuế sản phẩm 20,6%, Nông, lâm nghiệp, thủy sản 11%.
Không kém cạnh "hàng xóm" Bắc Ninh, năm 2024, tỉnh Bắc Giang thu hút được 2,23 tỷ USD vốn đầu tư FDI, đứng thứ 11 cả nước, lũy kế thu hút FDI lên tới 13,5 tỷ USD. Trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Foxconn, Sam Sung, S-Connect BG Vina; Si Flex; Công ty TNHH Gigalane...
Tạo dư địa lớn để phát triển
Sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới có diện tích tự nhiên 4.718,6 km², dân số trên 3,6 triệu người và có 99 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, thu ngân sách mỗi năm hơn 50.000 tỷ đồng, quy mô kinh tế khoảng 440.000 tỷ đồng, đứng thứ 5 cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai.
Đáng chú ý, tỉnh Bắc Ninh mới sẽ trở thành một "siêu" trung tâm công nghiệp của cả nước với vốn FDI lũy kế hơn 44 tỷ USD. Đồng thời, vị thế, vai trò và dư địa để phát triển của địa phương là rất lớn. Từ đó, hình thành những khu công nghiệp (KCN) mới có quy mô lớn, tạo không gian phát triển mới hấp dẫn nhà đầu tư.
Một góc thành phố Bắc Ninh. (Ảnh tư liệu)
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh mới ngoài diện tích đất dành cho công nghiệp còn có diện tích đất nông nghiệp trên 302 nghìn ha tới từ tỉnh Bắc Giang tạo dư địa rất lớn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn. Trước đó, Bắc Giang đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa lớn như: Vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, vùng trồng rau chế biến, rau an toàn lớn, vùng chuyên canh thủy sản...
Trong tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bắc Giang mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng, tỉnh Bắc Ninh (mới) sau sáp nhập sẽ có vai trò và vị thế rất lớn, vì vậy tỉnh Bắc Ninh mới phải chủ động, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục bứt phá, phát triển, vươn lên, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân…
Đồng thời, việc sáp nhập sẽ mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội, nguồn nhân lực của hai địa phương.
Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/kinh-te-bac-ninh-bac-giang-co-gi-truoc-khi-hop-nhat-a193434.html