Hà Nội khảo sát 7.500 học sinh về nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm

Tỷ lệ học sinh Hà Nội sử dụng thuốc lá, rượu bia và dinh dưỡng kém đang gia tăng, nhằm đánh giá thực trạng này, hơn 7.500 học sinh sẽ tham gia khảo sát hành vi nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm.

Với mục tiêu đánh giá thực trạng về hành vi nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm ở học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã tổ chức điều tra hành vi nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm ở học sinh từ 13 – 17 tuổi tại các trường THCS, THPT trên địa bàn.

Cuộc khảo sát này sẽ bao gồm 7.500 học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 của 30 trường học trên địa bàn thành phố, diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5/2025.

Hà Nội khảo sát 7.500 học sinh về nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm- Ảnh 1.

Cân đo sức khỏe cho các em học sinh trường THCS& THPT Lương Thế Vinh.

Học sinh tham gia sẽ trả lời bộ câu hỏi khảo sát về các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm, bao gồm chế độ dinh dưỡng, thói quen sử dụng thuốc lá điện tử, rượu bia, các loại đồ uống có cồn, cùng với mức độ tham gia các hoạt động thể chất. 

Bên cạnh đó, các em cũng được cân, đo chiều cao, nhằm cung cấp một bức tranh toàn diện về sức khỏe học đường hiện nay.

Dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy bệnh không lây nhiễm chiếm 77% tổng số ca tử vong tại Việt Nam năm 2018. Thanh thiếu niên Việt Nam, chiếm khoảng 21% dân số, đang phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh này trong tương lai do những thói quen xấu được hình thành trong quá trình học tập. 

Những hành vi này, nếu không được kiểm soát, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cơ hội nghề nghiệp và chất lượng cuộc sống của các em khi trưởng thành.

Hà Nội thanh tra toàn diện các cơ sở chăm sóc trẻ emXăm hình nghệ thuật, nam thanh niên ở Hà Nội phải cầu cứu bác sĩ

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về điều tra hành vi nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm ở học sinh Hà Nội năm 2022 đã chỉ ra rằng, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá (6,7%), rượu bia (28,2%) và có chế độ dinh dưỡng không hợp lý (thiếu rau quả, ăn đồ ăn nhanh, sử dụng nước ngọt có ga) đang gia tăng. 

Điều này dẫn đến tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh lên tới 12%, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe lâu dài của các em.

Với những con số đáng lo ngại này, việc can thiệp sớm để phòng ngừa các hành vi nguy cơ và giáo dục thanh thiếu niên về sức khỏe là vô cùng cần thiết. Việc tập trung vào dự phòng bệnh không lây nhiễm ngay từ tuổi học đường sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và đảm bảo tương lai khỏe mạnh cho thế hệ trẻ.

Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/ha-noi-khao-sat-7500-hoc-sinh-ve-nguy-co-mac-benh-khong-lay-nhiem-a194193.html