ĐHĐCĐ PNJ đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng 2025 sau năm kỷ lục, hé lộ mảng kinh doanh mới và kế hoạch mua lại cổ phiếu

Sáng ngày 26/4, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã CK: PNJ) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, bao gồm kế hoạch kinh doanh năm 2025 với các chỉ tiêu giảm nhẹ so với năm kỷ lục 2024, chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, kế hoạch mở rộng mạng lưới, chia cổ tức tiền mặt và đáng chú ý là chủ trương mua lại cổ phiếu để bảo vệ lợi ích cổ đông.

Năm 2024, PNJ đã có một năm kinh doanh đầy ấn tượng khi ghi nhận doanh thu kỷ lục 37.823 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.113 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 14% và 7% so với năm 2023. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp PNJ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận.

Với kết quả khả quan này, PNJ đã chốt tỷ lệ cổ tức tiền mặt năm 2024 là 20% mệnh giá, tương đương tổng giá trị gần 676 tỷ đồng. Công ty đã tạm ứng 6% vào giữa tháng 2/2025, phần còn lại 14% sẽ được chi trả trong thời gian tới.

Kế hoạch 2025 thận trọng, tập trung vào "chất" và đa dạng hóa

Trong bối cảnh thị trường vàng nguyên liệu khan hiếm và sức mua có xu hướng giảm sút, PNJ đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2025 khá thận trọng. Doanh thu dự kiến đạt hơn 31.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 7% so với kết quả thực hiện năm 2024. Mặc dù điều chỉnh giảm các chỉ tiêu, PNJ vẫn giữ nguyên chính sách chia cổ tức tiền mặt ở mức 20% cho năm 2025.

Tổng Giám đốc Lê Trí Thông giải thích, sự thận trọng này bắt nguồn từ xu hướng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng đến sức mua toàn ngành bán lẻ, đặc biệt là hàng xa xỉ. Bên cạnh đó, việc giá vàng tăng nhanh và biến động khó lường tạo ra sức ép lên sức mua trang sức và gây khó khăn trong việc thu mua vàng nguyên liệu để chế tác. "Giá vàng tăng quá nhanh làm cho sức mua trang sức bị giảm vì giá các sản phẩm đang tăng lên nhanh theo giá vàng trong khi túi tiền người tiêu dùng không tăng nhanh kịp", ông Thông chia sẻ. Ngoài ra, giá vàng tăng cũng thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư muốn mua vào tích trữ thay vì bán ra, làm giảm nguồn cung vàng vãng lai.

Tuy nhiên, PNJ nhìn thấy "trong nguy có cơ". Thay vì tập trung lợi nhuận ngắn hạn, Công ty sẽ dành nguồn lực đầu tư dài hạn để gia tăng thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng sang những ngành hàng mới theo tầm nhìn chiến lược đến năm 2030.

Hoạt động của PNJ trong năm 2025 sẽ xoay quanh chiến lược mở rộng hệ thống cửa hàng, tăng công suất nhà máy, khai thác thị trường bán lẻ trang sức và củng cố chuỗi cung ứng.

Mở rộng mạng lưới và "những nước đi" mới về sản phẩm

Về kế hoạch mở rộng mạng lưới, PNJ dự kiến mở mới từ 12 đến tối đa 25 cửa hàng trong năm 2025. Số lượng cụ thể phụ thuộc vào diễn biến sức mua của nền kinh tế. Trong kịch bản thuận lợi, Công ty sẽ mở 25 điểm bán ở các khu dân cư tiềm năng. Nếu sức mua hạn chế, PNJ vẫn có kế hoạch mở khoảng 10-15 cửa hàng để đón đầu tăng trưởng trong các năm tới.

Đáng chú ý, PNJ đang tích cực đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đặc biệt là các dòng không phụ thuộc quá nhiều vào giá vàng biến động. Từ cuối năm 2024, PNJ đã tung ra nhãn hàng Mancode by PNJ (trang sức dành cho nam giới) và ghi nhận tín hiệu rất tích cực, tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần so với trang sức nữ. Hiện chỉ có khoảng hơn 10 điểm bán dòng sản phẩm này nhưng đã ghi nhận tăng trưởng hai chữ số. PNJ thậm chí có kế hoạch mở cửa hàng riêng cho Mancode nếu có tín hiệu tốt hơn nữa.

Bên cạnh đó, PNJ đang có kế hoạch hợp tác với một số startup để tiếp cận các thương hiệu thời trang cao cấp quốc tế, đặc biệt là từ Italy, nhằm tăng cường các sản phẩm "life style" kết hợp với Mancode. Dự kiến quý 2-3 năm nay, PNJ sẽ ra mắt chính thức sự kết hợp này. Các dòng sản phẩm accessories (phụ kiện thời trang) mang tính thiết kế và thời trang cao hơn, ít bị ảnh hưởng bởi giá vàng, cũng được PNJ đẩy mạnh từ năm 2021 và ghi nhận tăng trưởng tốt gần đây.

PNJ cho biết, việc quản trị rủi ro giá vàng biến động được thực hiện thông qua việc cân đối lượng hàng bán ra và mua vào (nguyên liệu), giới hạn mức độ ảnh hưởng bằng tổng lượng tồn kho và trung bình giá tồn kho so với giá vàng thị trường. Khi giá vàng vượt biên độ chịu đựng, PNJ sẽ điều chỉnh giá niêm yết tại cửa hàng để bảo vệ khách hàng, khẳng định vị thế là nhà bán lẻ trang sức chứ không phải nhà đầu cơ vàng. Việc không công bố kết quả kinh doanh theo tháng mà chuyển sang công bố hàng quý là để tránh sự chú trọng thái quá của chuyên viên phân tích vào diễn biến biên lợi nhuận gộp hàng tháng do sự khác biệt giữa các mảng kinh doanh.

Về nguồn cung vàng nguyên liệu, Tổng Giám đốc Lê Trí Thông cho biết, trong bối cảnh thị trường khan hiếm, PNJ phải trải qua quy trình dài hơn như mua lại trang sức cũ để tái chế. Điều này làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến biên lợi nhuận cũng như chi phí tài chính cho tồn kho. Tuy nhiên, PNJ không dự trữ nguyên liệu vàng quá nhiều để tránh rủi ro giá, mà quản lý chặt chẽ thông qua giá trị "exposure" và nằm trong biên độ quản trị rủi ro cho phép. Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung nhấn mạnh, việc cân đối tồn kho vàng đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm, sự nhạy bén và cả khả năng "cảm nhận thị trường" - một "bí kíp" để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn giá vàng biến động phức tạp.

Phát hành ESOP và chủ trương mua lại cổ phiếu

ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong năm 2025. PNJ dự kiến phát hành hơn 3,2 triệu cổ phiếu (tương đương 0,96% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) với giá 20.000 đồng/cổ phiếu cho các thành viên HĐQT, Ban điều hành, cố vấn cấp cao, giám đốc, chuyên gia và nhân sự chủ chốt. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo lộ trình 12, 24 và 36 tháng. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của PNJ sẽ tăng lên hơn 3.413 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, PNJ cũng trình ĐHĐCĐ chủ trương mua lại tối đa 8 triệu cổ phiếu (tương đương 2,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) để giảm vốn điều lệ. Ban lãnh đạo PNJ cho biết đây là biện pháp dự phòng nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông trước những diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán, đặc biệt do tác động từ chính sách thuế đối với các đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Kế hoạch mua lại này mang tính phòng thủ hơn là triển khai, và Công ty sẵn sàng hành động kịp thời nếu giá cổ phiếu giảm xuống mức "làm mất đi giá trị dành cho cổ đông".

Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.

Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/dhdcd-pnj-dat-ke-hoach-loi-nhuan-than-trong-2025-sau-nam-ky-luc-he-lo-mang-kinh-doanh-moi-va-ke-hoach-mua-lai-co-phieu-a194269.html