Trung tướng có thể chia sẻ hồi ức trong những ngày tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?
"Tôi nhập ngũ năm 1965, cuối năm 1968, tôi cùng đơn vị hành quân vào chiến trường Bình Trị Thiên. Mong muốn lớn nhất của thanh niên khi đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi đã tham gia nhiều chiến dịch".
Đầu năm 1975, Sư đoàn 324 hành quân vào phía Tây và Tây Nam Huế tham gia Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế. 5 giờ 45 phút ngày 8/3/1975, Sư đoàn bắt đầu tấn công cứ điểm Mỏ Tàu và các cao điểm 75, 76, 224, 273, 303 tại khu vực Tây Nam Huế. Trung đoàn 1/324 tiêu diệt Chi đoàn thiết giáp 47 tại núi Nghệ.
Ngày 17/3/1975, Sư đoàn tiếp tục tấn công huyện Phú Lộc, đèo Phú Gia. Đến 5 giờ 40 phút ngày 21/3, Sư đoàn đánh chiếm các điểm cao 224, 303 và núi Bông. Đây là tuyến phòng ngự phía Tây đường 1, từ Lương Điền đến Phú Lộc. Sáng 23/3, Sư đoàn vu hồi qua điểm cao 303 và Mỏ Tàu, đánh thẳng ra ven biển Bắc Phú Lộc. Trong các ngày 24-25/3, Sư đoàn 324 vượt qua Truồi, Nông, chiếm sân bay Phú Bài, quận lỵ Hương Thủy, theo đường 1 tấn công vào Huế.
Khi đến An Cựu, Sư đoàn gặp Trung đoàn 1 và được xe tăng, pháo binh yểm trợ, đã đánh tan Lữ đoàn 147 và Liên đoàn 15 biệt động quân của ngụy, làm chủ các mục tiêu trong thành nội Huế. Giải phóng Huế và Đà Nẵng đã thể hiện sức mạnh và thế trận của quân ta. Sư đoàn tiếp tục tiến công theo đường 1 về phía Nam, hành quân thần tốc đến Phan Thiết và Thủ Đức. Đơn vị trở thành lực lượng dự bị chiến lược.
Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cho thấy Đảng và Chính phủ đã nắm bắt tình hình và nhận định chính xác, quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian ngắn.
Công tác tri ân thời gian qua được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ triển khai ra sao, nhất là dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thưa Trung tướng?
"Trong giai đoạn chiến tranh, tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, trong đó có những người hy sinh trước ngày miền Nam giải phóng. Chẳng hạn, trong chiến dịch giải phóng Huế, rất nhiều cán bộ đã hy sinh. Tôi có một người em kết nghĩa, làm cán bộ đại đội, anh đã ngã xuống trước thời điểm giải phóng miền Nam. Cũng như trong chiến dịch bảo vệ Quảng Trị năm 1972, chính trị viên đại đội về thay tôi vào buổi chiều thì tối hôm đó anh hy sinh...".
Trong số gần 1,2 triệu liệt sĩ, có 530.000 liệt sĩ chưa biết tên; trong đó, 180.000 liệt sĩ vẫn nằm lại tại các chiến trường. Số liệt sĩ nằm tại Lào, Campuchia vẫn chưa được tìm thấy còn nhiều.
Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên các chiến trường ngày càng trở nên khó khăn. Lý do là chiến tranh đã kết thúc lâu, địa hình và địa vật đã thay đổi. Trước đây, vùng đất ấy là đất hoang, nhưng giờ đã hình thành vùng trồng cao su, trồng rừng và khu dân cư. Cùng với đó, những người trong cuộc, những người từng chiến đấu, hiện nay sức khỏe yếu, trí nhớ giảm sút và họ không còn điều kiện trở lại chiến trường xưa để tìm đồng đội.
Số liệt sĩ đã được đưa về trong 3.000 nghĩa trang, nhưng thông tin về quê quán, ngày hy sinh và đơn vị của họ còn sai sót do việc nhập tỉnh, tách tỉnh. Bên cạnh đó, việc ghi chép ký hiệu đơn vị không chính xác. Bên cạnh đó, ngày tháng, năm sinh của nhiều liệt sĩ cũng bị ghi sai.
Trong thời đại công nghệ 4.0, dù có thể lên mạng tìm kiếm thông tin, nhưng vẫn còn nhiều sai sót. Việc đính chính thông tin trên bia mộ có thể mất đến 3 tháng, nếu thực hiện nhanh chóng. Hội tích cực hỗ trợ để việc này được thực hiện nhanh hơn.
Tiếp đến là công tác giám định ADN. Trong 15 năm qua, Hội đã giám định và trả lại tên cho 1.100 liệt sĩ. Từ năm 2024 đến đầu năm 2025, Hội đã trả lại tên cho 9 liệt sĩ, di chuyển 1.400 hài cốt liệt sĩ về quê hương, làm được 1.500 căn nhà tình nghĩa, tặng 5.000 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 5 triệu đồng; tặng 60.000 suất quà, mỗi suất trị giá từ 1 triệu đến 3 triệu đồng; cung cấp hàng nghìn chiếc xe lăn, hàng tấn gạo và nhiều cầu dân sinh.
Mặc dù là một tổ chức không được cấp ngân sách, không có lương, nhưng Hội tự nguyện hoạt động. Anh em trong Hội luôn nhắc nhở nhau hoạt động theo trái tim người lính. Lúc chiến tranh, những người lính thường nói với nhau rằng, sau này, người còn sống sẽ đưa người chết về. Trong số 530.000 liệt sĩ chưa xác định danh tính, Hội không hy vọng trả hết tên cho các anh, nhưng sẽ cố gắng trả lại tên cho càng nhiều liệt sĩ càng tốt.
Hội cũng đang cố gắng di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê hương. Năm 2024, Hội đã di chuyển được 200 hài cốt liệt sĩ. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Hội đã di chuyển được 30 hài cốt liệt sĩ. Việc thực hiện công việc này không ai giao chỉ tiêu, nhưng từ tấm lòng và sự tận tâm, mỗi người đều tự xác định mục tiêu và phấn đấu thực hiện đạt được kết quả tốt.
Từ nay cho đến khi tiến hành đại hội nhiệm kỳ thứ tư, Hội đã đặt ra mục tiêu phấn đấu ít nhất giám định ADN cho 50 hài cốt liệt sĩ; di chuyển từ 120 - 150 hài cốt liệt sĩ về với đất mẹ; xây dựng khoảng 50 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 50 căn nhà tình nghĩa.
Nhân dịp 30/4, Hội đang chỉ đạo các mạng lưới trong cả nước tiến hành gặp gỡ, tặng quà thân nhân các gia đình liệt sĩ, đặc biệt là những liệt sĩ hy sinh trước ngày Sài Gòn giải phóng. Hiện tại, các chi hội tại Hải Phòng, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tích cực triển khai. Dịp này, Hội đã tặng quà và 2 cầu dân sinh tại Tiền Giang và Bạc Liêu.
Đâu là lý do để Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ là địa chỉ của nhiều doanh nghiệp và nhà hảo tâm đóng góp, thưa Trung tướng?
Sau 15 năm hoạt động, Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ Việt Nam xứng đáng là cánh tay nối dài của Đảng, Chính phủ và các cơ quan chính sách các cấp trong việc thực hiện công tác tri ân. Hội là chỗ dựa tin cậy cho thân nhân gia đình liệt sĩ trên toàn quốc đề xuất những vấn đề như: Tìm hài cốt liệt sĩ, đưa đón hài cốt liệt sĩ, giám định ADN, đề nghị tặng nhà tình nghĩa...
Hội cũng là nơi các doanh nghiệp, doanh nhân gửi gắm kinh phí để thực hiện công tác tri ân. Thông qua Hội, số tiền họ gửi đều đến tận tay thân nhân gia đình liệt sĩ. Hội là cầu nối giúp các nhà hảo tâm hiểu rõ hoàn cảnh của các gia đình, từ đó thực hiện các hoạt động từ thiện hiệu quả.
Hiện nay, công tác hợp tác quốc tế trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đang triển khai như thế nào, thưa Trung tướng?
Những năm qua, bên cạnh các hoạt động trong nước, Hội còn hợp tác với Viện Hòa Bình Hoa Kỳ và các cựu chiến binh Mỹ. Năm 2024, các cựu chiến binh đã bàn giao cho Hội 21 bộ tài liệu về các ngôi mộ tập thể của các chiến sĩ ta ở Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước. Tại khu vực Bình Phước, từ tài liệu được cung cấp, Hội đã và đang khai quật tại khu vực sân bay Lộc Ninh và tìm được 132 hài cốt. Nếu 21 bộ tài liệu này được triển khai khai quật hết, ước tính sẽ có khoảng 3.000 hài cốt được tìm thấy.
Mới đây, Hội đã nhận được thông báo về 3 ngôi mộ tập thể, trong đó có một ngôi mộ chứa 952 hài cốt, một ngôi mộ khoảng 700 hài cốt và một ngôi mộ chứa 150 hài cốt liệt sĩ.
Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!
Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/giu-loi-the-hen-uoc-di-tim-dong-doi-a194380.html