Những ngày đi giữa cờ hoa rực rỡ

Trong những ngày đất nước rực rỡ cờ hoa, nhìn lại những gì dân tộc đã trải qua, mỗi người chúng ta đều có những cảm xúc riêng. Và hòa bình đây là trách nhiệm của chúng ta.

Thế hệ của chúng tôi, những người con của thành phố mang tên Bác, được may mắn sinh ra và lớn lên trong hòa bình, không ai có thể kiềm được sự xúc động xen lẫn tự hào trong không khí sục sôi đến bùng nổ của những ngày Kỷ niệm 50 năm Thống nhất Đất nước.

Lứa 8X chúng tôi, không đủ lớn tuổi để được tham gia vào thời kỳ giữ nước hào hùng của các bậc ông cha đi trước, cũng không còn đủ thanh xuân như các bạn gen Z, gen Y đang căng tràn nhựa sống.

Đổi lại, chúng tôi lại có cái duyên "đứng giữa hai thế kỷ" khi được sống, lao động và học tập giữa nhịp đập của những năm tháng đất nước chuyển mình từ thuở cơ hàn những năm đầu thời kỳ Đổi mới đến đỉnh cao của thời kỳ hội nhập như ngày hôm nay.

Cơ duyên "đứng giữa hai thế kỷ" ấy không chỉ cho chúng tôi cảm nhận được rõ nét "chất thép" của lòng yêu nước nồng nàn mà cha ông ta đã tôi luyện qua bao thế hệ, mà còn thấy rõ sự trân quý hòa bình như một "hình mẫu" điển hình của một dân tộc nhỏ bé nhưng nắm giữ vị trí vô cùng kiên định trong bối cảnh thế giới đầy biến động.

Những "bước chân" của thời đại

Để có được hòa bình hôm nay, đất nước ta đã trải qua hơn 4000 năm văn hiến với lịch sử giữ nước nhiều hơn dựng nước. Ngay từ giai đoạn khởi thủy với "bước chân Long Quân xuống biển, bước chân Âu Cơ lên non", đất nước ta sau khi hoàn thành công cuộc trị thủy để chế ngự phần nào khó khăn của thiên nhiên đã phải lập tức đối đầu với những cuộc xâm lược đầu tiên trong thế trận giữa nước lớn – nước nhỏ thường thấy ở thời kỳ cổ – trung đại.

Với lợi thế tài nguyên dồi dào "rừng vàng biển bạc" thu hút tham vọng thâu tóm của nhiều cường quốc khu vực và liên khu vực, trận tuyến nước nhỏ – nước lớn này đã khiến Việt Nam phải liên tục chiến đấu và đánh bại một loạt các cường quốc khu vực, liên khu vực và ghi dấu những chiến thắng oanh liệt như "bước chân Tây Sơn thần tốc" đánh bại 29 vạn quân Thanh thời cận đại, mở ra những trang sử hào hùng vua Quang Trung với vị trí được sử sách thế giới ghi nhận như một "Napoleon của phương Đông".

Sang thời kỳ cận – hiện đại, lợi thế "cửa ngõ hàng hải" giúp các tàu thuyền phương Tây tiếp cận khu vực Đông Nam Á lục địa với một loạt các cảng biển sầm uất như Kinh Kỳ (Thăng Long – Kẻ Chợ), Phố Hiến (Hưng Yên), Vân Đồn, Hội An.. lại tiếp tục đưa Việt Nam vào trận tuyến phải tiến hành các cuộc kháng chiến chống lại tham vọng xâm lược thuộc địa của các cường quốc hàng hải châu Âu được dẫn đầu bởi các công ty Đông Ấn.

Diễn biến khu vực và quốc tế tiếp tục leo thang lên đến đỉnh điểm khi vị trí gắn kết với khối xã hội chủ nghĩa của trục Xô – Trung của Việt Nam được cho rằng sẽ đe dọa trực tiếp đến sự sụp đổ chuỗi Domino ảnh hưởng của khối tư bản chủ nghĩa ở cả khu vực châu Á, với "bước chân vượt dãy Trường Sơn", dân tộc Việt Nam đã cùng với các dân tộc Lào và Campuchia anh em giữ vững liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương cùng đoàn kết đánh bại chủ nghĩa đế quốc trên trận tuyến mang đậm màu sắc ý thức hệ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Những ngày đi giữa cờ hoa rực rỡ- Ảnh 1.

Buổi Tổng duyệt diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước mừng Đại lễ 30/4.

Niềm cảm hứng cho hòa bình

Trải qua một thời kỳ lịch sử giữ nước nhiều hơn dựng nước, những chiến công "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" mà Việt Nam tạo nên được đánh đổi bằng vô vàn những đau thương, hi sinh và mất mát.

Cha ông ta đã đưa Việt Nam trở thành "trái tim của nhân loại", phát huy cao độ "lương tri của loài người" khi có cách tiếp cận rất khác biệt ngay sau khi giành chiến thắng ở mỗi cuộc chiến chống quân xâm lược.

Đó chính là động thái chủ động giương cao ngọn cờ thể hiện mong muốn kiến tạo hòa bình đối với chính đối thủ của mình. 

Mở đầu bằng truyền thống đề cử các sứ thần đi cầu hòa ngay sau khi Đại Việt ta đánh bại một cuộc xâm lược từ phong kiến phương Bắc xuyên suốt thời phong kiến cho đến "những cái bắt tay" của Việt Nam với các cựu thù trong thế kỷ XX. Chiến tranh là sự kết thúc của hòa bình nhưng cũng là cơ hội để mở ra một nền hòa bình khác.

Màn trống hội 1.000 học viên Cảnh sát nhân dân khai hội 50 năm thống nhất đất nướcNước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một

Nói cách khác, giống như tựa đề bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" đang công chiếu trong những ngày tháng 4 lịch sử này, dân tộc ta tuy liên tục phải chịu mưa bom bão đạn từ các nước lớn, nhưng sau khi vượt qua chúng ta lập tức mang đến "ánh sáng cuối đường hầm" như một mặt trời chói lọi ẩn khuất sau màn sương chiến sự ác liệt, đứng lên giữa đau thương và mất mát để tiếp tục công cuộc dựng xây trở lại đất nước giàu mạnh hơn, tươi đẹp hơn.

Sự khác biệt ở đây nằm ở việc dân tộc ta không chỉ mang đến nguồn sáng hòa bình cùng dựng xây cho nước nhà, mà còn mong muốn lan tỏa giá trị của hòa bình đến khắp các dân tộc láng giềng cũng như hướng đến toàn thế giới.

Chiến thắng của Việt Nam trong thế kỷ XX đã trở thành nguồn cảm hứng, cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc tại nhiều khu vực Á, Phi, Mỹ Latin, khích lệ các dân tộc đứng lên chống lại cường quyền, giành lại quyền tự do, độc lập.

Không chỉ vậy, Việt Nam còn can đảm vượt qua cái bóng của chính mình để mở ra thời kỳ Đổi mới với những thay đổi chưa từng có.

Việt Nam đã vượt qua rào cản ý thức hệ để giữ vững ngọn cờ trung lập, vượt qua thù hận để "bắt tay" trở thành đối tác với các cựu thù và vượt qua định kiến Đông – Tây (phát triển – đang phát triển), Bắc – Nam (nước lớn – nước nhỏ) để gắn kết mọi quốc gia vào định hướng đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, mở ra thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế tích cực.

Vì thế, hoàn toàn có thể nói, nền hòa bình mà Việt Nam hướng đến, là một nền hòa bình bền vững, chân thật, rõ nét đúng như nhận định của mà Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh: "Việt Nam là hình mẫu điển hình về sự yêu chuộng hòa bình; khép lại quá khứ, hướng tới tương lai."

Giữa những ngày tháng đầy tự hào sau 50 năm thống nhất Đất nước, được đứng giữa phố phường cờ hoa rực rỡ để nhìn lại những gì dân tộc mình đã trải qua, mỗi người chúng ta đều có những cảm xúc rất riêng.

Riêng với chúng tôi, những người thuộc "thế hệ đứng giữa hai thế kỷ", càng hiểu sâu về lịch sử càng thêm trân quý giá trị thiêng liêng của hòa bình cũng như hiểu rõ những gì chúng ta phải tiếp tục thực hiện, đó là cùng gìn giữ, dựng xây, kiến tạo và duy trì hòa bình vì sự phát triển phồn vinh của đất nước.

Để rồi, không chỉ một đời người có bao nhiêu lần 10 năm, mà đất nước ta sẽ có thêm nhiều dịp kỷ niệm 50 năm cho con cháu chúng ta được cùng nhìn lại với thật nhiều cờ hoa rực rỡ và phồn vinh như ngày hôm nay.

Thạc sĩ Lục Minh Tuấn hiện đang là giảng viên thỉnh giảng ở Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (VNU), chuyên ngành Quan hệ quốc tế.

Anh có nhiều ấn phẩm đăng trên các tạp chí học thuật trực thuộc viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, và đồng tác giả các đầu sách chuyên ngành về đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của Lục Minh Tuấn tập trung vào chính sách đối ngoại Việt Nam, quan hệ giữa các nước lớn, phân tích xung đột theo góc độ cấu trúc và vấn đề Biển Đông.

Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/nhung-ngay-di-giua-co-hoa-ruc-ro-a194557.html