Thế hệ "30 tháng 4": Nửa thế kỷ chứng kiến và đổi thay cùng đất nước

(Chinhphu.vn) - Sinh năm 1975 - thời điểm đất nước bước sang trang mới: Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, cả nước bắt đầu hành trình hàn gắn và xây dựng; lớn lên trong những năm đầu còn nhiều khó khăn, chứng kiến sự đổi thay qua từng giai đoạn, thế hệ 1975 giờ đây đang ở tuổi 50 - độ tuổi chín muồi về trải nghiệm, tri thức và vai trò trong xã hội.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo điện tử Chính phủ ghi lại câu chuyện của những người sinh ra vào "Mùa Xuân đầu tiên – mùa bình thường, mùa vui" của đất nước.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành:

Thế hệ "30 tháng 4": Nửa thế kỷ chứng kiến và đổi thay cùng đất nước- Ảnh 1.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành

Tôi là người Sài Gòn "gộc", sinh năm 1975 – thời điểm gắn liền với dấu mốc lịch sử thiêng liêng của dân tộc, khi đất nước thống nhất.

Chính vì vậy, tôi luôn tự hào là công dân của Thành phố mang tên Bác và càng trân trọng hơn những giá trị của hòa bình, độc lập - thành quả lớn lao mà các thế hệ đi trước đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu mới giành được. Từ đó, tôi luôn nung nấu ý chí phải vươn lên, cố gắng góp một phần công sức nhỏ bé vào sự phát triển chung của Thành phố và đất nước.

Thời còn là học sinh, khi tận mắt chứng kiến TPHCM sau giải phóng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, tôi đã sớm có khát vọng sau này sẽ khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp. Ước mong của tôi khi đó là làm ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng xã hội, tạo việc làm cho người lao động và góp phần nhỏ vào sự phát triển của Thành phố.

Trải qua 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, TPHCM đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, diện mạo đô thị ngày một đổi mới và hiện đại. Những công trình trọng điểm, tiêu biểu như tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vừa được vận hành, góp phần tạo nên hình ảnh một thành phố văn minh, hiện đại. Là công dân của TPHCM, tôi cảm thấy thật tự hào và hạnh phúc khi được đồng hành cùng sự đổi thay từng ngày ấy.

Để có được chút thành quả nhỏ như hôm nay, tôi đã trải qua hành trình khởi nghiệp đầy khó khăn và thử thách.

Thế hệ "30 tháng 4": Nửa thế kỷ chứng kiến và đổi thay cùng đất nước- Ảnh 2.

Ông Lê Hữu Nghĩa: Làm doanh nghiệp, tôi luôn xác định mục tiêu là phục vụ nhu cầu an sinh, hướng tới nhóm đối tượng có thu nhập thấp và trung bình

Xuất thân là một kỹ sư, khởi đầu không vốn liếng, không mối quan hệ, tôi bắt đầu từ con số 0. Nhưng chính việc được "khởi nghiệp" tại TPHCM – nơi được mệnh danh là đầu tàu kinh tế, đầy năng động – đã mang đến cho tôi nhiều cơ hội.

Xuất phát điểm khiêm tốn, lại từng trải qua nhiều gian khó, nên tôi thấm thía những giá trị thật sự của cuộc sống. Tôi đặc biệt quan tâm đến đời sống của người lao động – những con người cần được tiếp cận với điều kiện sống tốt hơn. Làm chủ doanh nghiệp, tôi luôn xác định mục tiêu là phục vụ nhu cầu an sinh, hướng tới nhóm đối tượng có thu nhập thấp và trung bình.

Chính vì lý do đó, năm 2001, tôi thành lập Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành chuyên xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập trung bình-thấp, với mong muốn giúp người lao động có thể an cư, ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với Thành phố.

Tính đến nay, Công ty Lê Thành đã xây dựng được nhiều dự án nhà ở xã hội, cung cấp hơn 5.000 căn hộ, phục vụ chỗ ở cho gần 20.000 người dân. Từ nay đến năm 2030, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu xây dựng khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội nữa nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh của người dân TPHCM.

Sau đại dịch COVID-19 năm 2021, dù đối mặt với nhiều khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp nhưng tôi vẫn giữ vững khát vọng đóng góp vào sự phát triển của Thành phố và quyết định khởi nghiệp lần nữa.

Hệ sinh thái của Công ty Lê Thành đã được mở rộng, với sự ra đời của các thương hiệu mới như: Chuỗi siêu thị mỹ phẩm AB Beauty World, chuỗi phòng khám Thế giới Nha khoa AB, Công ty Du lịch AB Travel, nhà máy và chuỗi thương hiệu cà phê Lekofe… Tất cả đều vận hành hiệu quả, nhờ đón đầu xu thế và nhu cầu của thị trường. Năm 2022, tôi vinh dự được trao Giải thưởng "Doanh nhân trẻ xuất sắc TPHCM".

Tôi hy vọng, những đóng góp nhỏ bé của mình và doanh nghiệp có thể truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ. Từ đó, ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp mới ra đời, cùng chung tay xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển vững mạnh, hướng đến mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp trong tương lai gần.

Thế hệ "30 tháng 4": Nửa thế kỷ chứng kiến và đổi thay cùng đất nước- Ảnh 3.

Nhà văn Trương Gia Hòa

Nhà văn Trương Gia Hòa (Hội viên Hội Nhà văn TPHCM):

Ngay trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, ba mẹ tôi từ Trảng Bàng, Tây Ninh xuống Sài Gòn để chờ sinh tôi cho an toàn. Lúc đó, quê nhà vẫn còn ngổn ngang lo lắng nhưng không khí ở Sài Gòn cũng chẳng nhẹ nhàng hơn. Có lẽ do quá căng thẳng hoặc vì mải nghe ngóng tình hình, mẹ tôi đã không sinh tôi đúng dự kiến.

Sau ngày 30/4, khi thông báo về việc đất nước đã hoàn toàn thống nhất được phát đi, ba chở mẹ tôi về quê bằng xe gắn máy, từ Quận 10 (TPHCM ngày nay) về Trảng Bàng. Trên đường đi, ba kể vẫn thấy xác người và những đồ dùng cũ bị vứt bỏ ven đường. Đó là chuyến đi trong hòa bình đầu tiên của ba mẹ tôi nhưng mùi đạn bom vẫn còn vương trong không khí. Ngày 13/5, tôi chào đời tại quê nhà, trong thời khắc đất nước vừa bước sang trang mới. Ba mẹ đặt tên tôi là Bồ Câu – biểu tượng của hòa bình, tên khai sinh là Gia Hòa.

Dĩ nhiên, tôi không thể biết chiến tranh là gì nhưng dần dần lớn lên, thông qua câu chuyện gia đình và chính cái tên của mình, tôi hiểu được giá trị của hòa bình. Khi đi học, tôi nhỏ hơn bạn cùng lớp một tuổi. Cũng nhờ thế mà mỗi lần đất nước kỷ niệm bao nhiêu năm thống nhất, tôi lại biết mình đã bước sang tuổi bao nhiêu – không cần làm toán trừ, gần đến sinh nhật là có báo đài "nhắc giùm".

Năm 1979, mẹ tôi sinh em trai. Ba mẹ tôi lúc ấy là giáo viên, được cấp phát nhu yếu phẩm, trong đó có… cao lương. Thế là em trai tôi được đặt tên là Cao Lương. Mẹ sau sinh yếu, phải dứt sữa sớm. Ba tôi nấu cháo loãng pha đường thay sữa nuôi em. Với ba mẹ, đó là thời kỳ nhiều thiếu thốn, nhưng trong ký ức tôi, đó là một tuổi thơ trong trẻo. Chị em tôi vẫn có niềm vui trẻ con, những đêm hè cả nhà trải chiếu ra sân ngắm sao. Tôi nghĩ, tuổi thơ mình thấy đủ đầy là nhờ có tình yêu thương của ba mẹ, của đại gia đình, bạn bè, thầy cô.

Cái khó của cả xã hội lúc ấy là điều cần được nhắc lại để nhớ và cũng để thấy một thời mà lý tưởng, ý chí có thể vượt lên mọi điều kiện vật chất.

50 năm – có thể không phải nửa đời người, vì đâu phải ai cũng sống tới 100 tuổi. Nhưng 50 năm là một quãng thời gian dài đủ để chứng kiến những đổi thay lớn lao. Nhìn vào sự phát triển của những quốc gia như Hàn Quốc hay Singapore, ta sẽ thấy: 50 năm là đủ để một đất nước thay da đổi thịt. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng tiến bộ đó.

Thế hệ "30 tháng 4": Nửa thế kỷ chứng kiến và đổi thay cùng đất nước- Ảnh 4.

Nhà văn Trương Gia Hòa

Tôi không quen nói những điều lớn lao. Tôi gắn bó với quê hương, với thành phố mình đang sống. Tôi hay đùa rằng mình thuộc "đội phản ứng chậm" – không có điều kiện để mở rộng đời sống ra muôn phương, nên tôi chọn cách nhìn sâu vào chính cuộc sống mình, vào những người xung quanh. Đó là chất liệu, là cảm hứng để tôi viết.

Xã hội chuyển mình nhờ vào sự chung tay của biết bao con người. Và trong văn chương, chuyển động của cuộc sống cũng được ánh xạ vào, có khi lung linh, có khi tăm tối. Nếu một trang viết có thể khiến ai đó thức tỉnh thì đó là điều đáng mừng. Còn nếu không, nó sẽ tự đào thải – như nước rơi trên mặt inox, trượt qua mà không để lại gì.

Tôi không ép mình phải gánh vác trách nhiệm gì to tát. Tôi chỉ mong đủ sức khỏe và tình yêu để sống có ích, sống an tĩnh. Điều tôi tin là: Ai cũng nên làm tốt việc của mình, nghĩ cho người khác nhiều hơn một chút, thế là đủ tử tế rồi.

Nếu mỗi người là một tế bào lành tính của xã hội thì bằng trái tim ấm áp và năng lực chân thật, ta có thể là "nắng xuân" cho ba mẹ, bạn bè, cho những người ta thương. Nếu chữ nghĩa của tôi có thể sưởi ấm ai đó, giúp họ vững vàng hơn trong đời sống thì đó là phần phước đức của tôi, với tư cách một người viết.

Thế hệ "30 tháng 4": Nửa thế kỷ chứng kiến và đổi thay cùng đất nước- Ảnh 5.

Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Đức Thịnh

Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Đức Thịnh:

Không trải qua chiến tranh, không chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ, nhưng qua những gì được nghe kể lại, được xem, được đọc, tôi phần nào cảm nhận được những mất mát, hy sinh mà thế hệ cha anh đã trải qua để có được niềm vui trọn vẹn: Non sông về một dải, đất nước thống nhất.

Sinh năm 1975, chúng tôi là thế hệ chứng kiến giai đoạn đất nước hồi phục sau chiến tranh trong những năm 1980-1990 và từng bước chuyển mình mạnh mẽ từ giữa thập niên 1990, để rồi tiếp tục phát triển cho đến hôm nay. Việt Nam, từ một quốc gia từng đi qua những cuộc chiến dài, nay đã vươn lên trở thành một đất nước có nền kinh tế phát triển, chính trị ổn định, tạo được dấu ấn trên trường quốc tế.

Là người con Nam Bộ được sống và làm việc tại TPHCM – nơi tôi cùng thế hệ mình hằng ngày chứng kiến sự bứt phá trong công cuộc đổi mới – điều đó càng khiến chúng tôi thêm biết ơn những đóng góp to lớn của cha ông và đồng lòng ủng hộ các chính sách của Nhà nước, của Thành phố.

Nhớ về những năm tháng tuổi thơ, không chỉ là thiếu thốn cơm ăn áo mặc, mà cả đời sống tinh thần cũng rất giản dị. Tôi còn nhớ cả xóm chỉ có vài nhà có radio, tivi trắng đen, và cũng chỉ xem được vài kênh. Văn hóa – văn nghệ khi ấy chưa phát triển, chỉ lác đác vài chương trình như Trong nhà ngoài phố, Những bông hoa nhỏ, các bộ phim trong nước như Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Ván bài lật ngửa… và một số phim nước ngoài như Maika, Hồ sơ thần chết, Họng súng vô hình... cùng vài tuồng cải lương.

Thế hệ "30 tháng 4": Nửa thế kỷ chứng kiến và đổi thay cùng đất nước- Ảnh 6.

Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Đức Thịnh

Từ năm 1993, trong dòng chảy chung của công cuộc Đổi mới, đời sống văn hóa - nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của người dân. Thế hệ nghệ sĩ sinh năm 1975 như chúng tôi trưởng thành trong giai đoạn văn hóa nghệ thuật mang đậm tính giải trí. Tuy vậy, cũng đã xuất hiện nhiều tác phẩm, nghệ sĩ mang giá trị nhân văn sâu sắc và đột phá về thẩm mỹ. Tôi nghĩ, đây là một thế hệ giao thoa – vừa thừa hưởng nền tảng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa cập nhật được những xu hướng hiện đại của nghệ thuật đương đại.

Tôi tin rằng, không chỉ nghệ sĩ mà tất cả người trẻ cần ý thức rõ sứ mệnh của mình trong việc cùng nhau xây dựng một Việt Nam hùng cường. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều cơ hội để trở thành một cường quốc như hiện tại. Dân tộc ta từng rất hào hùng trong việc bảo vệ đất nước, thì nay, thế hệ trẻ cần chứng minh rằng mình cũng rất giỏi trong việc phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác.

Muốn vậy, người trẻ cần không ngừng học hỏi, trau dồi năng lực để thực sự giỏi, đồng thời luôn nuôi dưỡng khát vọng và niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ của đất nước. Riêng với nghệ sĩ trẻ, ngoài việc phát huy vẻ đẹp từ nghệ thuật truyền thống, cũng cần mạnh dạn học hỏi, tiếp cận và hòa mình vào dòng chảy văn hóa – nghệ thuật toàn cầu. Làm sao để nghệ sĩ Việt Nam ở mọi lĩnh vực được thế giới biết đến nhiều hơn nữa.

Với riêng bản thân tôi, tôi vẫn ấp ủ giấc mơ thực hiện một bộ phim về trận "Điện Biên Phủ trên không" hoặc về anh hùng Nguyễn Văn Bảy – người từng bắn rơi 7 chiếc B-52, không chỉ nhằm tái hiện sự hào hùng của dân tộc, mà còn để nhấn mạnh ý thức trách nhiệm của người trẻ hôm nay với vận mệnh Tổ quốc.

Tôi nghĩ, không có điều gì xúc động hơn việc tuổi trẻ dám hy sinh tuổi xuân để bảo vệ biên cương và dốc lòng, dốc sức cống hiến cho sự phát triển phồn vinh của đất nước.

M.Thi – L.Anh – A.Thơ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Những tư liệu quý về Đại thắng mùa Xuân năm 1975Những tư liệu quý về Đại thắng mùa Xuân năm 1975
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Ngoại giao Việt Nam và đóng góp cho chiến thắng mùa Xuân 1975Ngoại giao Việt Nam và đóng góp cho chiến thắng mùa Xuân 1975
Tham khảo thêm
Nhớ về chiến dịch mang tính bước ngoặt của mùa Xuân 1975Nhớ về chiến dịch mang tính bước ngoặt của mùa Xuân 1975

Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/the-he-30-thang-4-nua-the-ky-chung-kien-va-doi-thay-cung-dat-nuoc-a194661.html