Ve sầu thoát xác, "Hậu pháo" vẫn làm được dù dự án trong diện thu hồi
Cáo trạng truy tố mới được VKSND Tối cao ban hành đã xác định những sai phạm của Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu "pháo") - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn trong quá trình thực hiện dự án Chợ đầu mối (huyện Vĩnh Tường) có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, sau khi được giao thực hiện dự án trên, nhưng đến năm 2016, Nguyễn Văn Hậu không triển khai dự án theo đúng tiến độ nên bị UBND tỉnh Vĩnh Phúc đưa vào diện thu hồi theo quy định.
Để "cứu nguy", Hậu đã nhiều lần gặp Hoàng Thị Thúy Lan – cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để nhờ giúp đỡ. Hậu nói sẽ mua lại cổ phần Công ty Sông Hồng Thăng Long để tách, thành lập pháp nhân mới là Công ty Thăng Long để thực hiện dự án.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Lê Duy Thành.
Hoàng Thị Thúy Lan đồng ý và chỉ đạo cán bộ cấp dưới hỗ trợ Hậu được tiếp tục thực hiện dự án này. Sau đó, Hậu đã gặp, đặt vấn đề và được Phạm Hoàng Anh - lúc đó là Giám đốc Sở dựng (sau là Phó Bí thư tỉnh ủy) đồng ý tạo điều kiện.
Thực hiện chỉ đạo của Hoàng Thị Thúy Lan và thỏa thuận, thống nhất với Hậu, Phạm Hoàng Anh đã chủ trì cuộc họp với các Sở, ngành, thống nhất thúc đẩy việc chia tách doanh nghiệp để Công ty Thăng Long thay thế làm Chủ đầu tư dự án.
Ngày 26/5/2017, Phạm Hoàng Anh ký văn bản đề nghị UBND tỉnh phê duyệt việc tách doanh nghiệp từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thăng Long thành Công ty Thăng Long để công ty này làm Chủ đầu tư dự án.
Phớt lờ ý kiến Bộ Xây dựng
Sau khi giúp Hậu có pháp nhân mới, ngày 7/6/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về chấp thuận đầu tư và cho phép chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở tại dự án.
Bộ Xây dựng có văn bản phúc đáp, trong đó có nêu nội dung: "Hồ sơ còn thiếu" và "khu vực dự án không có chức năng đất ở".
Mặc dù Bộ Xây dựng về việc hồ sơ dự án chưa đầy đủ; việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 có đất ở là không phù hợp với quy hoạch chung nhưng Phạm Hoàng Anh vẫn tiếp tục ký văn bản gửi các Sở, ngành xin ý kiến chấp thuận đầu tư dự án.
Phạm Hoàng Anh - cựu Phó Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Sở Tài chính có văn bản nêu: "Đây là dự án lớn (tổng mức đầu tư hơn 2.402 tỷ đồng), phạm vi ảnh hưởng rộng tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, đề nghị Sở Xây dựng tham khảo ý kiến các đơn vị chuyên ngành, kết hợp với việc thuê đơn vị tư vấn độc lập có đủ năng lực thực hiện thẩm định hồ sơ để có cơ sở báo cáo UBND tỉnh".
Sở TN&MT (lúc đó) có văn bản nêu: "Nếu dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư thì UBND huyện Vĩnh Tường cần phải đưa dự án vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm (giai đoạn 2016-2020) phù hợp với thời điểm Chủ đầu tư xin triển khai thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt,...
Đối với diện tích đất trồng lúa nằm trong phạm vi dự án yêu cầu Chủ đầu tư phải làm thủ tục đăng ký xin chuyển mục đích sử dụng, đồng thời dự kiến đủ số tiền phải nộp để bảo vệ phát triển đất trồng lúa bổ sung vào tổng mức đầu tư của dự án".
Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn.
Các ý kiến thể hiện hồ sơ còn chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định nhưng ngày 30/6/2017, Phạm Hoàng Anh vẫn ký Tờ trình số 668 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị chấp thuận đầu tư dự án.
Cùng ngày, UBND tỉnh ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, giao Công ty Thăng Long làm Chủ đầu tư, quy mô diện tích sử dụng đất hơn 92 ha, tổng mức đầu tư hơn 2.402 tỷ đồng, thay đổi tiến độ thực hiện từ năm 2012 đến năm 2018 thành từ năm 2017 đến năm 2022.
Sau đó, theo chỉ đạo của Hoàng Thị Thúy Lan, ông Lê Duy Thành (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án theo hướng có lợi cho công ty của Hậu.
Cụ thể, tăng mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất, tăng quy mô, diện tích đối với đất nhà ở xã hội thấp tầng; thay đổi biệt thự song lập thành đơn lập; tăng diện tích đất nhà phố thương mại; điều chỉnh phân kỳ thực hiện dự án từ năm 2017-2022 thành từ năm 2017-2024.
Quá trình thực hiện dự án, Hậu đã nhiều lần gặp, nhờ Hoàng Thị Thúy Lan, Lê Duy Thành, Phạm Hoàng Anh tạo điều kiện, chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), giao đất, điều chỉnh quy hoạch, quy mô, tiến độ thực hiện Dự án.
Kết quả điều tra xác định, Hoàng Thị Thúy Lan đã chỉ đạo Lê Duy Thành, Phạm Hoàng Anh tạo điều kiện, hợp thức thủ tục cho Công ty Thăng Long được làm Chủ đầu tư, tiếp tục thực hiện dự án trái quy định pháp luật.
Thực tế, dự án thuộc trường hợp phải chấm dứt hoạt động, thu hồi nhưng vẫn được UBND tỉnh cho phép điều chỉnh Chủ đầu tư, gia hạn tiến độ thực hiện dự án, trái quy định tại điểm Luật Đầu tư năm 2014.
UBND tỉnh không giao cho UBND huyện Vĩnh Tường thu hồi lại tổng số diện tích đất khoảng 2,25 ha huyện đã bồi thường GPMB từ nguồn kinh phí Nhà nước để tổ chức đấu giá mà giao chỉ định cho Công ty Thăng Long sử dụng thực hiện Dự án trái quy định Luật Đất đai năm 2013.
Để "cảm ơn" các quan chức đã tạo điều kiện giúp đỡ, Hậu đã đưa hối lộ bà Hoàng Thị Thúy Lan 1 triệu USD cùng 25 tỷ đồng; ông Lê Duy Thành nhận 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD; Phạm Hoàng Anh 400 triệu đồng và 20.000 USD;...
Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/vinh-phuc-lam-trai-y-kien-bo-xay-dung-de-tao-dieu-kien-cho-hau-phao-a194735.html