Sau 2 tháng trì hoãn, cuối cùng Mỹ và Ukraine đã ký một thỏa thuận khoáng sản vào ngày 30/4. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là một hình thức cam kết mới của Washington đối với Kiev sau khi viện trợ quân sự kết thúc.
Ukraine cho biết họ đã đảm bảo được các lợi ích chính sau các cuộc đàm phán kéo dài, bao gồm chủ quyền hoàn toàn đối với đất hiếm của mình, vốn rất quan trọng đối với các công nghệ mới và phần lớn chưa được khai thác.
Ban đầu, ông Trump đã yêu cầu quyền đối với tài sản khoáng sản của Ukraine để "bồi thường" cho hàng tỷ USD vũ khí của Mỹ được gửi tới quốc gia Đông Âu dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở đó hơn 3 năm trước.
Sau sự do dự ban đầu, Ukraine đã chấp nhận một thỏa thuận khoáng sản như một cách để đảm bảo đầu tư dài hạn của Mỹ, trong bối cảnh ông Trump đang nỗ lực cắt giảm mạnh các cam kết an ninh của Mỹ trên toàn thế giới.
Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và các quan chức khác tại lễ ký kết thỏa thuận khoáng sản Ukraine-Mỹ tại Washington, D.C., ngày 30/4/2025. Ảnh: Kyiv Independent
Thỏa thuận này đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực của Kiev nhằm hàn gắn mối quan hệ với ông Trump và Nhà Trắng, vốn đã trở nên căng thẳng sau khi nhà lãnh đạo Mỹ nhậm chức vào tháng 1.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko đã được nhìn thấy ký thỏa thuận trong một bức ảnh do Bộ Tài chính Mỹ đăng tải trên X.
Khi công bố việc ký kết thỏa thuận tại Washington, DC, Bộ trưởng Bessent cho biết điều này cho thấy "cam kết của cả hai bên đối với hòa bình và thịnh vượng lâu dài ở Ukraine".
Các quan chức Ukraine hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ đảm bảo sự hỗ trợ liên tục của Mỹ đối với việc phòng thủ của Ukraine trước Nga.
Bà Svyrydenko viết trên X rằng thỏa thuận này quy định Washington phải đóng góp vào quỹ.
"Ngoài các khoản đóng góp tài chính trực tiếp, nó cũng có thể cung cấp hỗ trợ mới – ví dụ như hệ thống phòng không cho Ukraine", Phó Thủ tướng Ukraine cho biết. Washington không trực tiếp đề cập đến đề xuất này.
Trước khi ký kết thoả thuận, ông Trump hôm 30/4 đã nhắc lại rằng Mỹ nên nhận được gì đó từ khoản viện trợ cho Kiev, do đó nỗ lực đảm bảo một thỏa thuận về các mỏ khoáng sản đất hiếm dồi dào của Ukraine.
Bà Svyrydenko cho biết, Ukraine không có nghĩa vụ nợ nào với Mỹ theo thỏa thuận này – một điểm quan trọng trong các cuộc đàm phán kéo dài giữa hai nước.
Tại Kiev, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu trên truyền hình quốc gia rằng thỏa thuận này là "tốt, bình đẳng và có lợi".
Trong một bài đăng trên Telegram, ông Shmyhal cho biết hai nước sẽ thành lập Quỹ đầu tư tái thiết, trong đó mỗi bên có 50% quyền biểu quyết.
"Ukraine vẫn nắm toàn quyền kiểm soát đối với đất đai, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên của mình", ông cho biết. "Lợi nhuận của quỹ sẽ được tái đầu tư độc quyền vào Ukraine".
Bản dự thảo thỏa thuận giữa Mỹ và Ukraine mà Reuters được tiếp cận trước đó hôm 30/4 cho thấy Ukraine đã đảm bảo xóa bỏ mọi yêu cầu trả lại cho Mỹ về viện trợ quân sự trước đây, điều mà Kiev kiên quyết phản đối.
Nhưng bản dự thảo không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh cụ thể nào của Mỹ cho Ukraine, trong khi đây là một trong những mục tiêu ban đầu của Kiev.
Mỹ là nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Ukraine kể từ xung đột với Nga 38 tháng trước, với khoản viện trợ hơn 64 tỷ Euro (72 tỷ USD), theo Viện Kiel ở Đức.
Minh Đức (Theo Moscow Times, Reuters)
Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/thoa-thuan-khoang-san-ukraine-my-rang-buoc-ong-trump-voi-kiev-a194844.html