Tôi thấy mình thuộc về đất nước, quê hương

50 năm nhìn lại, tôi cũng như nhiều trí thức miền Nam khác đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng ngay cả những lúc khó khăn nhất, tôi vẫn không hối hấn về quyết định ở lại với quê hương của mình.

Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau chia ly, không có niềm vui nào bằng niềm vui hòa bình thống nhất.

Niềm vui ấy là niềm vui chung của cả dân tộc, của mọi người Việt Nam, dù từng đứng ở phía nào của lịch sử, trong đó có cả niềm vui riêng của từng con người.

Tôi còn nhớ cảm giác vui mừng vào ngày 30/4 năm đó khi dân chúng Sài Gòn được an lành, không bị chết chóc và thành phố được nguyên vẹn, không bị tàn phá. Nếu một người khác nắm quyền chứ không phải Đại tướng Dương Văn Minh thì rất có thể trận chiến ác liệt đã xảy ra, thành phố Sài Gòn bị tàn phá đổ nát và rất nhiều người chết. Vì thế tôi rất trân trọng Đại tướng Dương Văn Minh trong giây phút cuối cùng của chế độ đã lựa chọn ngừng bắn và buông súng.

Tôi cảm nhận hòa bình bắt đầu từ lúc đó, từ lời tuyên bố và kêu gọi ngừng bắn, đặc biệt là khi nghe Trịnh Công Sơn hát bài Nối vòng tay lớn ở Đài Phát thanh Sài Gòn vào buổi trưa 30/4.

Tôi thấy mình thuộc về đất nước, quê hương- Ảnh 1.

Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

Chiều hôm đó, có người bạn đến nhà, thốt lên với tôi "Vui lắm, ra đi anh, ra ngoài đường vui lắm!". Người dân Sài Gòn được bình yên khi Quân giải phóng tiếp quản. Lúc đó, tôi mới ra đường, đi từ nhà ở Quận 3 đi thăm mẹ tôi ở Thị Nghè. Cả nhà vẫn bình an.

Gia đình tôi có 9 anh em trai, mà 5 ngưởi trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa: Một anh tử thương năm 1964 mà gia đình đã được báo tin tử trận nhưng rồi may mắn được cứu sống lại và trở thành thương phế binh; một anh tử thương năm 1966 rồi mất ở quân y viện; một anh là Trung sĩ tham chiến 15 năm; một anh là binh nhì; một em là Thiếu úy. Hai người anh khác của tôi đã có số quân, chỉ tôi và đứa em trai nuôi chưa có số quân mà thôi. Sau này mẹ tôi có lúc nói rằng nếu chiến tranh tiếp tục thì không biết bà còn mất thêm mấy đứa con trai nữa.

Cũng chiều 30 đó, tôi đi lên trường Đại học Kỹ Thuật ở Phú Thọ (nay là trường Đai học Bách Khoa Tp.HCM) để xem tình hình nhà trường như thế nào, vì tôi là người ở vị trí thứ 3 trong ban lãnh đạo nhà trường mà người đứng đầu đã đi di tản nước ngoài trước đó mấy ngày.

Khi tôi vào trường thì thấy một số nhân viên mang băng đỏ đứng ra tổ chức bảo vệ trường và thật mừng vì trường vẫn nguyên vẹn.

Tôi nhớ nhất là cảm giác vui mừng khi nhận thấy hòa bình đang đến với đất nước. Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, thời gian 30 năm chiến tranh lớn hơn tuổi đời 28 của tôi lúc đó.

Cuộc chiến đau thương lâu dài đã kết thúc, đất nước được hòa bình. Đó là điều mà tôi, gia đình tôi và hàng triệu gia đình miền Nam khác ngày đêm mong ước trong nhiều năm.

Chúng tôi trở về quê hương như lời hứa lúc ra đi

Sau gần 9 năm du học ở Úc, tôi cùng vợ con trở về Việt Nam vào năm 1974 – thời điểm trước sự kiện 30/4/1975 chỉ gần 10 tháng. Tháng 9/1974, tôi bắt đầu giảng dạy ở trường Đại học Kỹ thuật ở Phú Thọ.

Từ tháng 3/1974, tình hình chiến sự và chính trị ở miền Nam lúc ấy cho thấy một biến động lớn sắp xảy ra. Tôi nhớ cảm giác rất buồn sau buổi họp cuối cùng của Hội đồng Giáo sư trường một tuần trước ngày 30/4. Kết thúc buổi họp thì hầu như mọi người đều ghi tên vào danh sách muốn đi để chuyển đến các Tòa Đại sứ Mỹ, Pháp, Úc…

Chỉ có tôi và hai người khác không ghi tên thôi. Lúc đó một người bạn hỏi tôi: "Anh đã được nhận đi nước nào vậy?". Tôi không trả lời, chỉ đứng lặng bên cửa sổ rồi than thầm: Trời ơi, sao ai cũng đi hết vậy!

Hôm đó chúng tôi quyết định phát bằng tốt nghiệp sớm cho tất cả các sinh viên năm cuối và thầy Trưởng khoa đã ký hết các văn bằng trước khi ra đi. Tôi là người trao bằng cho các sinh viên đến muộn vào ngày thứ sáu 25/4. Họ nhận bằng trong nước mắt từ biệt.

Tôi chứng kiến những chuyến máy bay trực thăng di tản người ra khỏi Sài Gòn trong hai ngày 28 và 29/4 và cảm thấy rất lo lắng không biết chiến sự sẽ thế nào, nhất là sau khi nghe nhiều tiếng bom nổ và thấy khói lửa từ phía sân bay Tân Sơn Nhất vào khoảng 5h chiều 28/4.

Nhưng ngay giữa những lo lắng đó, tôi vẫn tin vào lựa chọn ở lại của mình, bởi đơn giản, tôi đã lựa chọn trở về quê hương.

Xúc động khoảnh khắc hàng vạn công nhân chào cờ, dịp lễ 30/4 - 1/5Cận cảnh hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ CAND hợp luyện diễu binh chào mừng lễ 30/4

Với tấm bằng Tiến sĩ ngành Kỹ thuật hàng không tại Úc, tôi dễ dàng ở lại Úc hoặc đi nước khác làm việc với cơ hội rộng mở thay vì trở về Việt Nam chỉ để dạy học.

Nhưng tôi có một mong muốn khác, tôi muốn về quê hương để dạy học, để nhân rộng tri thức, sự hiểu biết của mình cho các sinh viên đại học, góp phần phát triển đất nước.

Càng nhận thức về khoảng cách biệt lớn lao của hòa bình và sự phát triển giữa Úc và Việt Nam bao nhiêu, tôi rất xót xa bấy nhiêu cho số phận dân mình và có niềm tin vào lựa chọn của mình.

Bằng nỗ lực học tập tôi đã thoát khỏi cảnh nghèo nàn cơ cực thời niên thiếu để có một cuộc sống tiện nghi sung túc hơn mình từng mơ ước. Nhưng tôi nghĩ như Albert Camus rằng: "Dù nếu có thể, tôi cũng không từ bỏ địa ngục trần gian – nơi có những người thân đang sống để thoát lên thiên đàng một mình".

Trong nhiều anh em mới có một người giỏi - người đó thuộc về gia đình đó, trong hàng vạn người mới có một số người tài năng - những người tài năng này thuộc về hàng vạn người đó. Lẽ công bằng của phân bố tự nhiên phải như thế.

Tôi thấy mình thuộc về gia đình, thuộc về đất nước mình và không thể tự cướp mình khỏi quê hương để làm kẻ vong thân sống lưu đày trong sung túc ở xứ người được.

Bỏ lại cuộc sống tiện nghi mình có và đã quen sau thời gian dài ở Úc, từ chối tương lai hứa hẹn những thành tích khoa học kỹ thuật mà mình có thể đạt được nếu ở lại Úc hay đi Anh đi Mỹ, tôi cùng vợ con trở về nước giữa năm 1974. Cũng như nhiều anh chị khác từ Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Canada… chúng tôi trở về quê hương như lời hứa lúc ra đi.

...Không thể tự cướp mình khỏi quê hương để làm kẻ vong thân sống lưu đày trong sung túc ở xứ người được"

50 năm nhìn lại, tôi cũng như nhiều trí thức miền Nam khác đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng ngay cả những lúc khó khăn nhất, tôi vẫn không hối hấn về quyết định ở lại với quê hương của mình.

Bằng tất cả sự tự trọng và hiểu biết của một trí thức, tôi không thẹn mà nói rằng mình đã cố gắng nhất có thể để đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước trong phận sự của mình.

PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống là một trong 25 sinh viên Việt Nam nhận học bổng Colombo Plan du học tại Úc vào cuối năm 1965. Ông là người Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất, vào năm 1974 đã sở hữu bằng Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Hàng không ở Viện Đại học Sydney.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Tống công tác tại Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM và nghỉ hưu với chức danh Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không.

Hiện nay, ông là Chủ nhiệm ngành Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Văn Lang.


Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/toi-thay-minh-thuoc-ve-dat-nuoc-que-huong-a195008.html