Trong mùa đại hội cổ đông ngành ngân hàng năm nay, bên cạnh những nội dung thường niên về tăng trưởng tín dụng, chia cổ tức hay tái cấu trúc hệ thống, một vấn đề quốc tế đang thu hút sự quan tâm đặc biệt là chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Giới cổ đông và các nhà điều hành ngân hàng đang dõi theo sát diễn biến này để đánh giá ảnh hưởng gián tiếp đến tỉ giá, dòng vốn, và tâm lý thị trường, đặc biệt là với những nhà băng có hoạt động quốc tế hoặc phục vụ nhóm khách hàng xuất nhập khẩu.
Tác động trực tiếp không lớn
Chia sẻ về vấn đề thuế quan tác động tới ngân hàng, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết tổng danh mục dư nợ của khách hàng xuất nhập khẩu liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ chỉ rơi vào khoảng 10.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,4% tổng dư nợ ngân hàng.
Trong đó, phần lớn doanh số xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 20% tổng doanh thu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mức độ ảnh hưởng không nhiều.
Về phía Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển thông tin, ngân hàng đã tiến hành rà soát toàn bộ danh mục tín dụng, đặc biệt tập trung vào nhóm khách hàng xuất khẩu – đối tượng được đánh giá có khả năng chịu tác động rõ rệt trước những biến động của chính sách thuế quan. Tuy nhiên, tỉ trọng ảnh hưởng được đánh giá là không quá lớn.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết dư nợ khách hàng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng dư nợ của ngân hàng nên không ảnh hưởng nhiều. Dù vậy, nếu khách hàng chịu ảnh hưởng, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành.
Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết dư nợ khách hàng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng dư nợ của ngân hàng.
Ông Phạm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.HCM (HDBank) cũng cho biết mức độ ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan đến ngân hàng không lớn do danh mục dư nợ của các khách hàng xuất khẩu, nhập khẩu trực tiếp từ thị trường Mỹ dưới 1,5%.
Ông Bùi Thái Hà - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cũng cho hay, ngay từ khi có những biến động, Ban điều hành ngân hàng đã có cuộc họp thống kê đánh giá, đưa ra giải pháp như thành lập AMC để chuyên nghiệp hóa vấn đề quản lý, xử lý tài sản.
Tuy nhiên, LPBank chỉ có 0,3% tổng dư nợ tín dụng cấp cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ. Vì vậy, điều này không ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng tại ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông tin doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đi Mỹ chỉ chiếm khoảng 3% trong số các mảng giao dịch của ngân hàng, vì vậy thuế quan ảnh hưởng không lớn đến ngân hàng.
Về phía Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ông Nguyễn Cảnh Anh - Chủ tịch HĐQT ngân hàng đánh giá từ đầu năm đến nay, kinh tế vĩ mô thế giới biến động khó lường, nhiều dự báo trở nên lạc hậu ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, đặc biệt tài chính ngân hàng là một ngành nhạy cảm với biến động vĩ mô.
Những bất ổn trên thị trường nền kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cao, rủi ro tỉ giá tăng.
Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó
Dùmức độ tác động của thuế quan Mỹ chưa lớn, đa số các ngân hàng khác đều đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó nhằm giảm thiểu rủi ro, bảo vệ chất lượng tín dụng và hỗ trợ khách hàng kịp thời.
Là một ngân hàng có thế mạnh về xuất nhập khẩu, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết ngân hàng cẩn trọng đánh giá chi tiết các kế hoạch do có thể ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng tín dụng, chất lượng tài sản ngân hàng, áp lực nợ xấu gia tăng nhất là trong bối cảnh Thông tư 02 đã hết hiệu lực.
Về phía HDBank, trước những thay đổi và tác động từ thuế quan, Tổng Giám đốc Phạm Quốc Thanh cho biết ngân hàng đã theo một chính sách quản trị rủi ro cân bằng, đa dạng hóa danh mục. "Chúng tôi đã tiến hành rà soát danh mục các khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng, từ mạnh tới mức trung bình đến không ảnh hưởng.
Ngân hàng chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ.
Sau khi rà soát, ban điều hành đã xây dựng các chính sách vừa quản trị rủi ro tốt hơn vừa hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng, đồng thời điều chỉnh cấu trúc tài trợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng", ông Thanh chia sẻ.
Còn theo CEO TPBank Nguyễn Hưng, ngân hàng cũng đã có sự rà soát, xem xét cẩn trọng các khoản tín dụng với những trường hợp khách hàng có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ.
Nếu có chịu ảnh hưởng thì chỉ có khoảng 2 - 3 doanh nghiệp ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngân hàng luôn theo dõi sát sao, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng cơ cấu sản xuất, chuyển đổi thị trường, đối tác.
Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho biết, thời gian qua, ngân hàng đã có ít nhất ba buổi họp để đánh giá tác động của thuế quan Trump đến nền kinh tế cũng như ngân hàng.
"Chúng tôi đã có một số kịch bản ứng phó. Trước hết, nhiệm vụ quan trọng của ngân hàng sẽ nâng cao khả năng kiểm soát nợ xấu. Nếu khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng từ thuế quan, TPBank sẵn sàng chia sẻ, sử dụng lợi nhuận để hỗ trợ cho khách hàng", Chủ tịch TPBank nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, ngân hàng đã có những bước đi chủ động trong việc xây dựng các kịch bản ứng phó trước các cú sốc thuế quan có thể xảy ra.
Ông tiết lộ đã trực tiếp làm việc với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhằm trao đổi sâu về nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai quốc gia, trong đó có tài chính - ngân hàng và các hoạt động của Tập đoàn T&T.
Chứng khoán VCBS nhận định, ngành ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp khi thu nhập các doanh nghiệp liên quan giảm sút ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ cũng như nhu cầu tín dụng, tuy nhiên tác động không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% dư nợ toàn hệ thống, dư nợ FDI chiếm khoảng 2%.
Các ngân hàng có dư nợ xuất nhập khẩu, FDI lớn là nhóm ngân hàng quốc doanh (VCB, CTG, BID). Một số ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh tiếp cận nhóm FDI như VPB, TCB, MBB cũng sẽ gặp những thách thức ngắn hạn trong việc mở rộng tín dụng mảng này.
Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/ngan-hang-viet-doi-dien-ra-sao-voi-bai-toan-thue-quan-my-a195201.html