Tp.HCM: Thu từ dịch vụ tăng đột biến, du lịch tạo cú hích cho phục hồi kinh tế

Tp.HCM đang chứng kiến một đợt phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong tháng 4/2025, với điểm sáng rõ nét đến từ sự bùng nổ của ngành dịch vụ và du lịch.

Du lịch trở thành “động cơ” mới

Tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 8/5, ông Trương Minh Huy Vũ , Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM nhận định rằng sự tăng trưởng đột biến của ngành dịch vụ là "cú hích" quan trọng giúp kéo theo đà phục hồi chung của toàn nền kinh tế.

Theo ông Vũ, nhờ tổ chức thành công các hoạt động kích cầu văn hóa, thương mại và du lịch trong dịp đại lễ, Tp.HCM đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể ở lĩnh vực dịch vụ, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 đạt gần 129.000 tỉ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh thu du lịch đạt gần 20.000 tỉ đồng, tăng 29,9% là con số cho thấy tiềm năng lớn của ngành này nếu được đầu tư và phát triển đúng hướng.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM phát biểu ý kiến tại họp báo.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM phát biểu ý kiến tại họp báo. (Ảnh: TTBC Tp.HCM)

Ông Vũ nhấn mạnh: “Nếu không tiếp tục duy trì bằng các chiến lược quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch và đầu tư hạ tầng dịch vụ - văn hóa, đợt tăng trưởng này có thể chỉ là một ‘cơn sóng ngắn’”. Ông cũng khuyến nghị Tp.HCM cần nhanh chóng nâng cấp sức chứa và hạ tầng, từ chỗ nghỉ, giao thông đến nhân lực phục vụ, để đáp ứng khối lượng lớn du khách trong thời gian tới.

Cũng theo ông Vũ, không chỉ dịch vụ, lĩnh vực công nghiệp và xuất nhập khẩu của Tp.HCM cũng cho thấy tín hiệu khả quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 7,9%, với các ngành trọng điểm tăng 7,7%, ngành truyền thống tăng mạnh đến 13,6%.

Tuy vậy, ông Vũ cho rằng đây là xu hướng mang tính ngắn hạn, xuất phát từ việc các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động để tận dụng khoảng thời gian 90 ngày hoãn áp thuế của Mỹ trong đàm phán thương mại. Cùng lúc, ở thị trường nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc đang chững lại do tái cấu trúc chuỗi cung ứng và thiếu đơn hàng mới. Bên cạnh đó, biến động tỷ giá USD và nhân dân tệ đang gây sức ép lớn lên hoạt động thương mại và giá trị tài sản trong nước.

Thu ngân sách tăng, đầu tư công vẫn “tắc nghẽn”

Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Huỳnh Mai thông tin, Tp.HCM ghi nhận tổng thu ngân sách nhà nước trong 4 tháng đầu năm đạt hơn 202.000 tỉ đồng, tương đương 38,9% dự toán, tăng 3,76% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt gần 161.000 tỉ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là hơn 41.000 tỉ đồng.

Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Huỳnh Mai thông tin tại  buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội Tp.HCM tháng 4/2025 sáng ngày 8/5

Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Huỳnh Mai thông tin tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội Tp.HCM tháng 4/2025 sáng ngày 8/5 (Ảnh: TTBC Tp.HCM)

Cụ thể, bà Mai cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 128.886 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 6,6% so với tháng trước; tổng thu du lịch tháng 4 ước đạt 19.919 tỷ đồng, tăng 29,9% so cùng kỳ năm 2024; kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 4,357 tỷ USD.

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 39% dự toán, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương đạt 12,8% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ. Tp.HCM cũng đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa 100% nhà tạm, nhà dột nát.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn rất chậm. Dù thành phố đã giao chi tiết 85.500 tỉ đồng kế hoạch vốn năm 2025, đến hết tháng 4 mới chỉ giải ngân 6.068 tỉ đồng, đạt 7,2%. Tp.HCM đã tổ chức 7 cuộc họp, ban hành 21 văn bản chỉ đạo và nhiều phiên làm việc với các quận, huyện, ban quản lý dự án… nhưng những “điểm nghẽn” về thủ tục đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ triệt để.

Các dự án trọng điểm như mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, đường trục Bắc Nam, Quốc lộ 13… vẫn đang chờ các giải pháp xử lý để thúc đẩy tiến độ. Đây là những dự án BOT quy mô lớn, tổng mức đầu tư ước tính khoảng 35.000 tỉ đồng.

Toàn cảnh buổi họp báo

Toàn cảnh buổi họp báo

Bên cạnh các con số tăng trưởng, Tp.HCM đang đặt kỳ vọng vào làn sóng đầu tư tư nhân trong quý II/2025. Khu vực kinh tế tư nhân được xem là “lá chắn” trước biến động kinh tế bên ngoài, đồng thời là nguồn lực quan trọng để thành phố chuyển mình.

Đáng chú ý, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 của Tp.HCM đã tăng 12 bậc, vươn lên vị trí thứ 21 cả nước, phản ánh nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh. Việc đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái kinh doanh năng động đang được xác định là hướng đi lâu dài cho Tp.HCM trong bối cảnh toàn cầu biến động khó lường.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
10 dự án Tp.HCM đề xuất thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội10 dự án Tp.HCM đề xuất thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội

Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/tphcm-thu-tu-dich-vu-tang-dot-bien-du-lich-tao-cu-hich-cho-phuc-hoi-kinh-te-a195625.html