Bảo đảm tính đồng bộ khi đầu tư xây dựng tuyến kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội

(Chinhphu.vn) - Chiều 8/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai đầu tư đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội và xây dựng trung tâm logistics tại khu vực sân bay Gia Bình.

Bảo đảm tính đồng bộ khi đầu tư xây dựng tuyến kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm về số liệu, thực hiện theo đúng hướng tuyến kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội đã quy hoạch - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Bộ đã phê duyệt bổ sung Cảng hàng không quốc tế Gia Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Gia Bình; điều chỉnh bổ sung cảng cạn Gia Bình vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn.

UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh đang chuẩn bị đầu tư các đoạn tuyến trên đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đoạn qua địa bàn Hà Nội có chiều dài khoảng 14 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 42.451 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần 1 là bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng trên địa bàn Hà Nội trong phạm vi ranh giới tuyến đường bằng nguồn vốn đầu tư công của Hà Nội với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8.115 tỷ đồng. Ngân sách Thành phố chi trả toàn bộ cho chi phí giải phóng mặt bằng và không đưa vào giá trị hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) của dự án thành phần 2.

Dự án thành phần 2 là đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội theo phương thức đối tác công - tư (PPP) loại hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư khoảng 34.336 tỷ đồng.

Về đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, để khai thác tối đa hiệu quả cảng hàng không sau khi hoàn thành và tăng tính kết nối sân bay với các tỉnh, thành lân cận, UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất kéo dài tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội (dài khoảng 22,9 km) đến cầu Kênh Vàng đi tỉnh Hải Dương (dài khoảng 8,7 km). Như vậy đoạn tuyến qua tỉnh Bắc Ninh sẽ có tổng chiều dài khoảng 31,6 km, mặt cắt ngang 120 m.

Khái toán chi phí đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 40.300 tỷ đồng, hợp đồng BT. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng toàn tuyến trong phạm vi tuyến đường 120 m với tổng mức đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng (đoạn từ sân bay Gia Bình đến địa phận Hà Nội khoảng 9.000 tỷ đồng; từ sân bay Gia Bình đến cầu Kênh Vàng là 2.000 tỷ đồng). Chi phí đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình đến địa phận Hà Nội và từ sân bay Gia Bình đến cầu Kênh Vàng, tổng mức đầu tư khoảng 29.300 tỷ đồng.

Bảo đảm tính đồng bộ khi đầu tư xây dựng tuyến kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội- Ảnh 2.
Bảo đảm tính đồng bộ khi đầu tư xây dựng tuyến kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội- Ảnh 3.
Bảo đảm tính đồng bộ khi đầu tư xây dựng tuyến kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội- Ảnh 4.
Bảo đảm tính đồng bộ khi đầu tư xây dựng tuyến kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội- Ảnh 5.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trao đổi tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Tài chính, UBND TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh đã trao đổi, thảo luận phương án đầu tư thành 1 dự án chung hay 2 dự án riêng của 2 địa phương; trình tự, hồ sơ, thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt triển khai dự án theo hình thức BT trước thời điểm một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác PPP có hiệu lực; xem xét lại đề xuất các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù dự kiến sẽ được giải quyết trong các dự thảo sửa đổi các luật đang trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5-6/2025; phương án khai thác, sử dụng quỹ đất hai bên đường…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho rằng hai địa phương có thể thống nhất thực hiện 1 dự án BT chung, nhưng chia thành 2 dự án thành phần bảo đảm tính chủ động, trách nhiệm, triển khai thuận lợi; xây dựng chi tiết kế hoạch triển khai và các mốc tiến độ cần đạt được (quyết định chủ trương đầu tư; phê duyệt dự án; phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; khởi công; hoàn thành...) bảo đảm tính khả thi.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tính cấp thiết đầu tư xây dựng tuyến kết nối sân bay Gia Bình và Thủ đô Hà Nội đồng bộ với tiến độ của sân bay Gia Bình, vì vậy, TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh có thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, bảo đảm hiệu quả đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đơn giá, định mức không để xảy ra sơ hở, thất thoát, lãng phí.

Phó Thủ tướng đồng ý tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, đi trước 1 bước; yêu cầu hai địa phương chịu trách nhiệm về số liệu, thực hiện theo đúng hướng tuyến đã quy hoạch; khẩn trương lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền như quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu.

Tuấn Dũng

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Quy chế làm việc của Tổ công tác triển khai đầu tư đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà NộiQuy chế làm việc của Tổ công tác triển khai đầu tư đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Sân bay Gia Bình sẽ đón 5 triệu khách/năm từ 2030Sân bay Gia Bình sẽ đón 5 triệu khách/năm từ 2030
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thủ tướng dự lễ khởi công sân bay Gia Bình (Bắc Ninh)Thủ tướng dự lễ khởi công sân bay Gia Bình (Bắc Ninh)
Tham khảo thêm
Thủ tướng: Xây dựng sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) với yêu cầu '3 nhất'Thủ tướng: Xây dựng sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) với yêu cầu '3 nhất'

Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/bao-dam-tinh-dong-bo-khi-dau-tu-xay-dung-tuyen-ket-noi-san-bay-gia-binh-voi-ha-noi-a195654.html