Vết trượt dài của KIDO

Không bánh kẹo, không kem, KIDO đang từng bước bán đi những mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp rồi nhận lại là những ngày tháng lợi nhuận liên tục lao dốc, thậm chí lỗ.

Từng là biểu tượng sáng giá của ngành thực phẩm tiêu dùng Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) giờ đây đang rơi vào thế khó bởi chính những chiến lược từng được ca ngợi là táo bạo. Việc liên tục bán đi các mảng kinh doanh cốt lõi như bánh kẹo, nước giải khát và gần đây nhất là mảng kem, KIDO không chỉ vấp phải sự phản đối từ cổ đông, mà còn đi kèm với sự sa sút rõ rệt trong kết quả kinh doanh.

Từ "ông hoàng bánh kẹo" đến cuộc chơi đa ngành

Giai đoạn đầu của KIDO từng rực rỡ với các thương hiệu như Cosy, Choco-Pie, Solite, bánh trung thu Kinh Đô… giúp doanh nghiệp này chiếm lĩnh thị trường bánh kẹo Việt Nam.

Nhưng năm 2014, Chủ tịch Trần Kim Thành bất ngờ bán 80% mảng bánh kẹo – lĩnh vực từng làm nên tên tuổi công ty – cho Mondelez International (Mỹ) với giá khoảng 10.000 tỷ đồng. Thương vụ được xem là cú thoái lui gây sốc, mở ra thời kỳ "M&A để lớn" mà theo lời ông Thành là: "Tôi không hài lòng với lợi nhuận 6.000 tỷ, phải là 20.000-30.000 tỷ".

Với nguồn tiền từ việc bán bánh kẹo, KIDO dấn thân vào hàng loạt lĩnh vực khác như dầu ăn (Tường An, Vocarimex), thực phẩm đông lạnh (KIDO Foods), mì gói, nước mắm, nước giải khát (liên doanh Vibev với Vinamilk), trà sữa – cà phê (Chuk), bánh bao (Thọ Phát), gia vị, thậm chí lấn sân bán lẻ với các trung tâm thương mại và siêu thị mới tại Tp.HCM.

Vết trượt dài của KIDO- Ảnh 1.

Ông Trần Kim Thành (bên trái) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO và ông Trần Lệ Nguyên (bên phải) - Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO.

Dù vậy, những thương vụ này lại cho thấy sự dàn trải thay vì tập trung, thiếu nhất quán thay vì kiên định. Vibev – liên doanh được kỳ vọng lớn với Vinamilk – tan rã chỉ sau một năm. Chuỗi Chuk giảm tốc. Quay lại mảng bánh kẹo năm 2021, nhưng dấu ấn thị trường đã không còn.

Mới đây nhất, KIDO tiếp tục khiến thị trường sửng sốt khi bán tiếp phần vốn tại mảng kem – một trong số ít lĩnh vực còn đem lại doanh thu ổn định – cho đối tác chiến lược Nutifood. Cụ thể, năm 2023 KIDO bán hơn 24% cổ phần tại KIDO Foods (chủ sở hữu thương hiệu Merino, Celano) với giá 1.069 tỷ đồng, định giá doanh nghiệp này khoảng 4.450 tỷ đồng. Sau thương vụ, KIDO chỉ còn nắm 49% vốn.

Tuy nhiên, điều gây tranh cãi là họ vẫn giữ quyền sở hữu các thương hiệu Celano, Merino – dẫn đến mâu thuẫn với cổ đông mới và thậm chí bị Tòa án can thiệp bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nhiều người ví thương vụ này là "bán xác, giữ hồn" – khi KIDO vừa muốn thoái vốn, vừa không muốn buông quyền kiểm soát thương hiệu.

Vết trượt dài của KIDO- Ảnh 2.

Không bánh kẹo, không kem, KIDO đang từng bước bán đi những mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp rồi nhận lại là những ngày tháng lợi nhuận liên tục lao dốc, thậm chí lỗ.

Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức đầu năm 2025, KIDO tiếp tục xin ý kiến cổ đông để bán nốt phần vốn còn lại tại KIDO Foods – động thái bị đánh giá là "xẻ thịt" nốt những gì còn giá trị.

Tuy nhiên, cổ đông KIDO đã không đồng ý bán 24% vốn KIDO Foods. Kết quả cuối cùng theo KIDO công bố, có 91,3% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp không thông qua giao dịch này.

Đây vốn là giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị và đã được HĐQT của KIDO thực hiện trong thương vụ nói trên.

Dấu hiệu xuống dốc rõ ràng

Tất cả những bước đi ấy đã dẫn đến hệ quả hiện hữu: doanh thu có tăng nhưng lợi nhuận liên tục teo tóp. Nếu năm 2021 KIDO đạt doanh thu 10.496 tỷ đồng và lãi 653 tỷ, thì sang năm 2022 dù doanh thu tăng lên hơn 12.500 tỷ, lợi nhuận chỉ còn 362 tỷ đồng, giảm tới 43%. Đến năm 2023, lãi sau thuế còn 125 tỷ – tức chỉ bằng một phần năm so với hai năm trước.

Sang năm 2024, tình hình kinh doanh của công ty tiếp tục thụt lùi với doanh thu thuần 8.331 tỷ đồng, giảm 3,7% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 67 tỷ đồng, sụt giảm 50%. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của công ty trong 15 năm qua, chỉ đứng trên khoản lỗ 60 tỷ đồng vào năm 2008.

Từng là "ông hoàng bánh kẹo", KIDO giờ đây loay hoay giữa các mảnh ghép kinh doanh mà không có trụ cột thực sự. Từ bán đi mảng cốt lõi, mở rộng dàn trải, đến quay lại rồi lại bán tiếp, chiến lược của KIDO dường như thiếu nhất quán và ngắn hạn. Trong khi các đối thủ cùng ngành như Vinamilk, Masan, Nestlé vẫn đang tăng trưởng đều đặn với định vị thương hiệu rõ ràng, KIDO lại ngày càng mờ nhạt trên bản đồ tiêu dùng nội địa.

Và đáng nói, sang năm 2025, KIDO vẫn tiếp tục trượt dài dù doanh thu tăng trưởng ngay trong quý đầu năm. Cụ thể, quý I/2025, doanh thu của KIDO đạt 2.145 tỷ đồng, tăng 18%. Tuy nhiên, dưới áp lực giá vốn và hàng loạt các chi phí nên sau thuế, KIDO báo lỗ 67,2 tỷ đồng, giảm đáng kể so với khoản lãi ghi nhận cùng kỳ năm trước. Giải trình chênh lệch lợi nhuận, KIDO cho biết, nguyên nhân là do những biến động từ thị trường đã tác động lên doanh nghiệp.

Cổ đông Tập đoàn KIDO "xoay chiều", không đồng ý bán 24% vốn KIDO Foods

Tính đến cuối quý I/2025, KDC đầu tư 2.933 tỷ đồng vào các công ty liên kết và công ty liên doanh đồng kiểm soát gồm KDF, Lavenue, LG Vina, Dabaco Food và Tafoco, trong đó, khoản đầu tư hơn 1.069 tỷ đồng vào Lavenue đang ghi lỗ hơn 753 tỷ đồng.

Lavenue là công ty bất động sản được thành lập vào năm 2010, là chủ đầu tư dự án Lavenue Crown ở địa chỉ 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM. Việc thực hiện đầu tư dự án này của Lavenue được thanh tra từ năm 2018, sau đó tòa án đã ban hành bản án về các vấn đề vi phạm quyết định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến dự án Lavenue Crown. KIDO đã tiến hành trích lập dự phòng đầu tư dựa trên giá trị có thể thu hồi được của khoản đầu tư này.

Có thể thấy, KIDO dường như đang đối mặt với hệ quả rõ ràng của một chuỗi quyết định chiến lược chưa hiệu quả. Không phải thị trường, mà chính những quyết định của KIDO đang khiến đế chế từng rực rỡ từng có nhiều lợi thế trong tay vướng phải nhiều rào cản.

Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/vet-truot-dai-cua-kido-a195728.html