Tạo động lực, đột phá mới cho thành phố Hải Phòng

(Chinhphu.vn) - Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng nay (13/5), Quốc hội nghe dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Tạo động lực, đột phá mới cho thành phố Hải Phòng- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình tại Kỳ họp

Phát huy hết vai trò, vị thế, tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng

Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hộ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày cho biết, Nghị quyết được xây dựng nhằm tiếp tục cụ thể hoá quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, Kết luận số 96-KL/TW; tạo động lực tăng trưởng mới, phát huy hết vai trò, vị thế và tiềm năng lợi thế để tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo mục tiêu đã đề ra.

TIN LIÊN QUANHẢI PHÒNG HẠ QUYẾT TÂM CHIẾN LƯỢC, TIẾN VÀO THỜI KỲ PHÁT TRIỂN 'BÙNG NỔ', VƯƠN TẦM KHU VỰCKhai trương đoàn tàu chất lượng cao 'Hoa Phượng đỏ' kết nối Hà Nội – Hải PhòngHải Phòng dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024Hải Phòng dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024

Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013; phù hợp với các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 45-NQ/TW, Kết luận số 96-KL/TW và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 30-NQ/TW), Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phù hợp với cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đồng thời, chỉ quy định một số cơ chế, chính sách phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của Thành phố thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; tiếp tục kế thừa các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 35/2021/QH15; bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho Thành phố nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thành phố, đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố. 

Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, tạo động lực, đột phá mới cho Thành phố, từng bước giải quyết các điểm nghẽn, thách thức và đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; đảm bảo tính tương đồng với các chính sách của một số tỉnh, thành phố lớn khác trong cả nước.

Dự thảo Nghị quyết bao gồm 3 Chương với 12 Điều. Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố về quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý...

Các chính sách đặc thù phát triển Thành phố đề xuất thực hiện thí điểm được xây dựng theo 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm: (1) Quản lý đầu tư (2 chính sách); (2) Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (4 chính sách); (3) Quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường (9 chính sách); (4) Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); (5) Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý (1 chính sách); (06) thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do tại Thành phố (17 chính sách).

Tạo động lực, đột phá mới cho thành phố Hải Phòng- Ảnh 5.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp

Nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng chính sách phù hợp để phát huy lợi thế

Thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng là cần thiết, bảo đảm đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền.

Dự thảo Nghị quyết quy định điều khoản mở (khoản 5 Điều 12) để áp dụng cho trường hợp sáp nhập. Ngày 5/5/2025, Văn phòng Trung ương Đảng đã có Văn bản số 14708-CV/VPTW thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Theo đó đồng ý về chủ trương cho phép các địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện đối với các địa phương sau sáp nhập, đồng thời đề nghị thể chế hóa chủ trương này bằng hình thức phù hợp tại Kỳ họp thứ 9.

Đối chiếu với Dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, mặc dù Dự thảo Nghị quyết có quy định mở để áp dụng các cơ chế đặc thù này cho Thành phố sau khi sáp nhập, tuy nhiên, quy định này chỉ dừng ở mức độ nguyên tắc chung; các cơ chế, chính sách đặc thù tại Dự thảo Nghị quyết cơ bản được xây dựng trên cơ sở triển khai Nghị quyết 45 và Kết luận 96 của Bộ Chính trị; ác đánh giá tác động, các mục tiêu đặt ra căn bản trên cơ sở địa giới hiện có, dân số hiện hữu, tiềm năng, lợi thế hiện nay của riêng Hải Phòng. 

Do đó, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng chính sách phù hợp để phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt về vị trí địa lý, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng; bảo đảm phù hợp với Văn bản số 14708-CV/VPTW về thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, nhà nước.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc về thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 để bảo đảm phù hợp với việc tổng kết, đánh giá việc áp dụng cơ chế đặc thù đối với các địa phương sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Về hồ sơ Dự thảo, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đã cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, song phạm vi chính sách được đề xuất là khá rộng, trên nhiều lĩnh vực; một số chính sách mới, có tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, đời sống kinh tế - xã hội, quan hệ đối ngoại... 

Vì vậy, để có căn cứ vững chắc cho việc xem xét, quyết định, đề nghị Báo cáo đánh giá tác động cần đánh giá cụ thể hơn cả về mặt tích cực và cả những thách thức, nhất là đối với các chính sách tác động đến thu, chi NSNN, tác động đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách; làm rõ hơn về kết quả đầu ra của từng chính sách; cần mở rộng phạm vi đánh giá tác động trên cơ sở mở rộng địa giới hành chính.

Về thời điểm thông qua, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhấn mạnh: Việc triển khai kịp thời các chính sách mới có ý nghĩa quan trọng trong tận dụng thời gian, cơ hội để quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo chỉ đạo của Đảng và theo Nghị quyết của Quốc hội. Hồ sơ Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35 hiện nay cơ bản đầy đủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Vì vậy, nhất trí trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo Tờ trình của Chính phủ.

Hải Liên


Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/tao-dong-luc-dot-pha-moi-cho-thanh-pho-hai-phong-a196145.html