Từ trung tuần tháng 4 đến đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 công điện liên tiếp (Công điện số 41/CĐ-TTg; Công điện số 40/CĐ-TTg; Công điện số 55/CĐ-TTg) về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; sản xuất, phân phối sữa giả và yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả.
Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến toàn quốc về về tăng cường đấu tranh phòng chống thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả - Ảnh: VGP/TH
8 "lỗ hổng" khiến hàng giả lộng hành
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường đấu tranh phòng chống thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Hội nghị có sự tham gia của bộ, ngành liên quan và đại diện 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã điểm lại 8 vấn đề nổi cộm liên quan đến thể chế và tổ chức thực hiện trong công tác phòng chống hàng giả.
Thứ nhất, các quy định hiện tại mới chỉ dừng ở khâu kiểm soát an toàn, chưa có kiểm soát chất lượng.
Thứ 2, cơ chế để doanh nghiệp tự công bố sản phẩm đang đặt ra thách thức lớn, các doanh nghiệp tự công bố, ngay sau đó bán sản phẩm ra thị trường; công bố sản phẩm ở một địa điểm, đăng ký ở một địa điểm khác nên khi các cơ quan quản lý hậu kiểm gặp khó khăn.
Thứ 3, quy định hiện hành chưa có cơ chế thu hồi công bố sản phẩm vi phạm, hiện nay mới chỉ thu hồi trên tinh thần tự nguyện của doanh nghiệp.
Thứ 4, việc thành lập đăng ký doanh nghiệp hiện nay quá dễ. Khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng đến kiểm tra thì không thấy doanh nghiệp đó.
Thứ 5, công tác kiểm tra giám sát hậu kiểm còn hạn chế.
Thứ 6, quảng cáo sai nội dung, khó quản lý do máy chủ ở nước ngoài…
Thứ 7, ý thức của người dân, bao gồm chủ doanh nghiệp (đưa ra thị trường sản phẩm kém chất lượng…) và người dân tiêu dùng (mua đồ không rõ nguồn gốc, giá rẻ…).
Thứ 8, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cả dược và thực phẩm còn hạn chế. "Nếu các cơ sở đăng ký công bố sản phẩm qua một hệ thống online có kết nối với Bộ Y tế, Bộ Công thương và kết nối với Cổng quốc gia thì quản lý rất đơn giản", Thứ trưởng cho biết.
Từ góc nhìn của các địa phương, ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cũng thừa nhận, việc xử lý cơ sở vi phạm hiện nay còn khó khăn khi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Bên cạnh đó, việc phát hiện vi phạm phần lớn phụ thuộc vào phản ánh từ người dân. Thậm chí, khi phát hiện vi phạm, quá trình xử lý thường chậm trễ vì phải phối hợp nhiều đơn vị, vượt ngoài thẩm quyền của Sở.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tổng hợp 8 vấn đề nổi cộm từ các địa phương, bộ ngành trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả - Ảnh: VGP/TH
Sửa nghị định để siết hàng giả
Với 8 vấn đề trên, lãnh đạo Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm nhấn mạnh, phải rà soát và phải sửa đổi, bổ sung ngay các quy định phù hợp thực tế.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về an toàn thực phẩm, Chỉ thị 17 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị định 40,41,55 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, văn bản của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Đối với ngành Y tế, Bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, theo hướng phải khắc phục được 8 vấn đề nổi cộm trên.
"Bộ sẽ phải trình Chính phủ trước 15/5 nghị định sửa đổi này, để thống nhất về quản lý chất lượng cụ thể của thực phẩm chức năng như đưa ra chỉ tiêu định tính, định lượng cụ thể, quản lý chất lượng trước quản lý an toàn", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Đối với nhóm thực phẩm, Thứ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ quy định siết chặt quản lý đối với việc đăng ký và tự công bố sản phẩm, cơ chế thu hồi giấy phép, tạm dừng tiếp nhận thủ tục hành chính khi doanh nghiệp chưa khắc phục sai phạm. Sau khi kiểm tra, đánh giá lại thì đăng ký lại cho doanh nghiệp đó.
Đặc biệt, sẽ tăng cường hậu kiểm đột xuất để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm. Hiện nay, chỉ kiểm tra định kỳ và có báo trước cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thiết lập tiêu chuẩn chất lượng chung bắt buộc đối với thực phẩm chức năng.
Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp phải công bố và tự công bố chất lượng, phương pháp kiểm tra tại cơ quan chức năng; tăng cường truyền thông để người dân và doanh nghiệp hiểu đúng, dùng đúng và làm đúng; đề xuất xử phạt cả doanh nghiệp đăng ký quảng cáo, phương tiện truyền thông quảng cáo sai và chủ thể quảng cáo; tăng cường tham gia đánh giá độc lập và tôn trọng ý kiến phản biện của người dân.
Đặc biệt, Bộ sẽ đề xuất nâng mức xử phạt hành chính để đủ sức răn đe.
Lực lượng Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn
Tăng cường phối hợp hiệu quả chống hàng giả
Riêng đối với thuốc, Thứ trưởng nhấn mạnh, thuốc có vai trò quan trọng trong phòng và chữa bệnh, bị bệnh mà không có thuốc thì không thể khỏi, mua phải thuốc giả, không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng con người.
Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện ngay rà soát và thu hồi các loại thuốc giả đã được công bố. Các thuốc giả này không chỉ từ cơ quan điều tra mới công bố gần đây mà bao gồm cả thuốc giả mà Cục Quản lý dược đã thông báo trước đó và đề nghị thu hồi trên toàn quốc.
Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở bán buôn, bán lẻ, trong đó chú ý xuất xứ nguồn gốc của thuốc để phát hiện thuốc giả. Khi phát hiện thuốc giả, phải quyết liệt và sẵn sàng chuyển cơ quan điều tra và phải truy tìm tận gốc nơi sản xuất để xử phạt nghiêm vi phạm.
Đẩy mạnh truyền thông kiến thức về nhận biết thuốc thật và thuốc giả, đẩy mạnh hoạt động mua thuốc theo đơn, khuyến khích người dân thông tin cho cơ quan quản lý về thuốc giả…
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo và kinh doanh điện tử thương mại. Thứ trưởng cũng đề nghị 63 tỉnh, thành, triển khai đợt cao điểm từ nay đến hết tháng 5 đấu tranh phòng chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 10/6. Bộ sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ trước ngày 15/6.
Ở góc độ quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo sát sao các Chi cục Quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối các sản phẩm, đặc biệt tại các kênh bán lẻ nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Lực lượng chức năng kiểm tra kho tang vật thuốc giả
Cùng với công tác kiểm tra thực địa, Cục sẽ tiếp tục thu thập phản ánh từ người tiêu dùng, đồng thời phối hợp liên ngành với ngành y tế (đối với chất lượng, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm) và ngành nông nghiệp (đối với sữa nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp) để thiết lập giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng sữa giả, sữa không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.
Bộ Công Thương cũng đang tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện công tác quản lý lưu thông hàng hóa đối với mặt hàng sữa, tập trung vào việc nhận diện các lỗ hổng sau khâu phân phối. Từ đó, đề xuất hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại, quảng cáo sai sự thật và vi phạm an toàn thực phẩm.
Tổng rà soát trên toàn quốc
Đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 55/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả Trong đó, yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc, vụ án đã được phát hiện.
Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm, đồng thời lưu ý tăng cường quản lý nhà nước đối với mỹ phẩm, không để xảy ra các sai phạm…
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối tại các kênh bán lẻ, đại lý, sàn thương mại điện tử..., kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các nền tảng mạng xã hội, tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quảng cáo, nhất là quảng cáo hàng hoá về thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm.
Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức các đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Kiểm tra, xử lý việc quảng cáo, kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên môi trường mạng; khẩn trương rà soát, thu hồi các loại thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả đã được phát hiện trên địa bàn, để kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại cho người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM... đã tổ chức đợt cao điểm tổng rà soát các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn.
TPHCM đã kiểm tra hơn 4.600 nhà thuốc - chiếm khoảng 60% tổng số nhà thuốc trên địa bàn. Lực lượng chức năng phát hiện một trường hợp duy nhất liên quan đến sữa giả Bold Milk Colostrum dành cho cơ xương khớp.
Trước đó, kết quả rà soát tất cả cơ sở khám bệnh chữa bệnh công lập, ngoài công lập trên địa bàn đều không kinh doanh và sử dụng sữa giả trong khuôn viên cơ sở.
Để "siết" hàng giả, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là không thể thiếu. Việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật, cùng với việc trang bị các công cụ hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ sản phẩm lưu thông trên thị trường, là yếu tố then chốt để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng cần được thực hiện nghiêm minh và thường xuyên.
Đối với mỗi người dân, cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể tự lựa chọn sản phẩm sử dụng một cách thông thái. Việc tìm hiểu thông tin về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thành phần, nhãn mác, cũng như cập nhật các cảnh báo từ cơ quan chức năng, sẽ giúp người tiêu dùng đưa ra những quyết định sáng suốt, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Thuý Hà
Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/tim-dung-cho-hong-tong-ra-soat-va-quyet-ngan-chan-hang-gia-a196291.html