DNCS - Dự án Khu đô thị King Bay (Nhơn Trạch, Đồng Nai) được quảng cáo với diện tích 125ha, mức đầu tư lên tới 4.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế thì dự án này mới được chính quyền địa phương chấp thuận khoảng hơn 10ha.
King Bay và những lời quảng cáo “có cánh”…
Những lời quảng cáo có cánh, những thông tin sai lệch, thiếu minh bạch về Dự án Khu đô thị King Bay (Nhơn Trạch, Đồng Nai), do Công ty Cổ phần Free Land làm chủ đầu tư, đang là tâm điểm của dư luận trong suốt thời gian qua.
Theo thông tin phản ánh của những người dân mất đất (chưa được đền bù thiệt hại) cho Dự án Khu đô thị King Bay (Nhơn Trạch, Đồng Nai), cho biết: Khả năng Dự án Khu đô thị King Bay do Công ty Cổ phần Free Land làm chủ đầu tư sẽ phải đối mặt với hàng trăm đơn kiện của người dân mất đất, lẫn những khách hàng đã lỡ mua đất nền tại dự án này là hoàn toàn có thể xảy ra.
Nguyên nhân khiến những đơn kiện cáo bắt nguồn từ việc chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa đền bù thiệt hại về đất nhưng đã kéo lực lượng cưỡng chế đất của người dân để triển khai dự án.
Đáng chú ý, trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của chính quyền huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đang xuất hiện nhều vấn đề khuất tất, thể hiện ở việc cơ ép người dân giao đất với giá rẻ bèo để chủ đầu tư thực hiện dự án thương mại, phân lô, bán nền.
Chưa dừng lại ở đó, mặc dù tổng diện tích đất của dự án mới chỉ được UBND tỉnh chấp thuận và giao hơn 10ha, thế nhưng Công ty Cổ phần Free Land, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị King Bay lại tự cho mình đang sở hữu tới 125ha, tổng vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng, và hiện đã giao bán, thu tiền của khách hàng lên tới 80% giá trị hợp đồng.
Điều đáng nói là hàng chục ha đất của người dân chưa được đền bù, thế nhưng chủ đầu tư Dự án Khu đô thị King Bay lại cũng đã xẻ thịt phân lô, bán nền cho khách hàng .
Trong khi đó theo tìm hiểu của PV DĐDN thì trên thực tế, UBND tỉnh Đồng Nai mới cho chủ đầu tư thuê đất đợt 1 với diện tích 14ha tại Quyết định 3179/QĐ-UBND tháng 9-2018 và thuê đất đợt 2 với diện tích 2ha. Như vậy, có thể nói, dự nghìn tỷ này thực tế mới chính thức sở hữu khoảng 16ha/125ha.
Bất thường dự án King Bay
Trước tình trạng nêu trên, nhiều người dân đã làm đơn tố cáo với các cơ quan chức năng, về việc chủ đầu tư chưa thỏa thuận đền bù nhưng đã ngang nhiên chiếm đất, lập dự án, rao bán gần hết...là hành vi coi thường pháp luật.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Quốc Dũng, thường trú tại 95 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM, cho biết: hành động của Công ty Free Land đã chiếm giữ phần đất do ông sử dụng hợp pháp nhưng chưa bồi thường với khoảng 9.000m2 là hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cũng theo ông Dũng, hiện ông đang giữ toàn bộ giấy tờ quyền sử dụng đất tại các thửa số: 01, 06, 14, 20, 30, 31, 32 trên tờ bản đồ số 06, thuộc địa bàn xã Long Tân theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) số U531117, vào sổ cấp GCN số 20759QSDĐ/2364QĐCTUBH và GCN số X450610, vào sổ cấp GCN số 03552QSDĐ/3943/QĐUBH do UBND huyện Nhơn Trạch cấp vào ngày 29/4/2002 và 11/11/2003.
Thế nhưng, chủ đầu tư đã chiếm đất của ông và cho bảo vệ canh chừng khiến ông không thể vào được chính khu đất của mình để quản lý. Và hiện khu đất thuộc quyền sử dụng của ông đã bị chủ đầu tư cho bơm cát san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng, khu văn phòng điều hành dự án để xây dựng dự án biệt thự vườn, nhà liên kế, liên kế vườn…
Tương tự, bà Lê Kim Thu, quận 10, TPHCM, đại diện ủy quyền cho chủ đất là bà Đỗ Thị My, cho biết: Khu đất 1.000m2 đất trồng cây lâu năm cũng bị dính dự án King Bay. Năm 2018, chính quyền ra quyết định thu hồi đất, bồi thường với giá “rẻ bèo” chỉ 306.000 đồng/m2. Và tại buổi gặp gỡ vào tháng 6/2018 với đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất, Phòng Tài nguyên - Môi trường, cán bộ địa chính xã và chủ đầu tư, bà Thu đã yêu cầu được hoán đổi đất hoặc đền bù với giá 2 triệu đồng/m2.
Với yêu cầu trên, các cơ quan chức năng chưa giải quyết, thế nhưng mới đây chính quyền huyện Nhơn Trạch đã ra quyết định cưỡng chế khu đất của bà giao cho chủ đầu tư.
Theo bà Thu, “đây là dự án kinh doanh thương mại, Nhà nước, doanh nghiệp phải cân bằng lợi ích, đền bù thỏa đáng cho người dân. Giá trị đền bù cho người dân chỉ vài trăm ngàn đồng/m2, trong khi chủ đầu tư phân lô bán nền hàng chục triệu đồng/m2, hưởng lợi gấp trăm, gấp ngàn lần là không thể chấp nhận” .
Ông Phạm Văn T, người dân bị thu hồi đất, cũng chia sẻ với PV: Trong khu đất khoảng 25ha còn khoảng 23 chủ đất chưa đồng ý giao đất vì giá bồi thường quá thấp, nhưng chủ đầu tư đã đầu tư hạ tầng, bán sản phẩm ra thị trường.
Theo ông T. điều khiến người dân bất bình là chính quyền, Công ty Free Land chưa thỏa thuận với chủ đất đã san lấp mặt bằng, làm hạ tầng và phân lô bán nền thu tiền 80% giá trị hợp đồng của người mua. "Điều này hết sức nghịch lý. Trong câu chuyện này có hay không “nhóm lợi ích lũng đoạn hay chính quyền bảo kê cho doanh nghiệp?” – ông T đặt câu hỏi.
Nhập nhèm pháp lý
Theo thông tin từ UBND huyện Nhơn Trạch, dự án này được thành lập trên cơ sở khi Tổng công ty Đầu tư Phát triển quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cưu Long CIPM), và Công ty Cổ phần Khoáng sản Nari Hamico thành lập liên danh thực hiện dự án Vành đai 3 (Tân Vạn - Nhơn Trạch).
Và để hài hòa lợi ích cho chủ đầu tư, tỉnh Đồng Nai đã cho doanh nghiệp thực hiện dự án Khu dân cư Long Tân 125ha, với mục đích “khai thác quỹ đất tạo nguồn vốn chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ dự án”.
Mặc dù đã có được chủ trương đầu tư và thỏa thuận địa điểm, nhưng do năng lực tài chính yếu kém, năm 2015 Nari Hamico rút khỏi liên danh. Còn lại Cửu Long CIPM và đơn vị này đã giới giới thiệu Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân (nay là Công ty Cổ phần Free Land) làm chủ đầu tư Khu dân cư Long Tân 125ha (với tên gọi King Bay).
Sau quá trình thay tên đổi chủ, dự án đến nay mới được cấp giấy phép quy hoạch, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, giấy phép xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật và nhà ở khu A2 với diện tích 23ha. Tuy nhiên, trong tổng thể 125ha của dự án, UBND tỉnh Đồng Nai mới cho chủ đầu tư thuê đất đợt 1 với diện tích 14ha tại Quyết định 3179/QĐ-UBND tháng 9-2018 và thuê đất đợt 2 với diện tích 2ha.
Được biết, chủ đầu tư lấy lý do ưu tiên làm đường Vành đai 3 nên bù lại phải xem xét giải quyết 125ha cho doanh nghiệp đầu tư dự án khu dân cư. Nhưng theo tìm hiểu của DĐ DN, đây là dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn đối ứng Trung ương và địa phương. Theo đó, dự án xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có tổng mức đầu tư hơn 9.260 tỷ đồng, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Tổng công ty Cửu Long làm đại diện.
Đối với dự án thành phần 1A, nguồn vốn thực hiện được lấy từ vốn vay ODA từ Quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc (190,96 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (1.149 tỷ đồng). Đối với dự án thành phần 1B, chủ đầu tư đầu tư theo hình thức BOT, thu hồi vốn thông qua thu phí sử dụng đường bộ.
Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về dự án đường Vành đai 3 và 4 mới đây, Bộ GT-VT thông tin, cả 2 dự án này đang triển khai chậm do thiếu nguồn vốn. Trong đó, dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 98,54km được chia làm gồm 4 đoạn: Tân Vạn - Nhơn Trạch; Mỹ Phước - Tân Vạn; Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức. Các dự án này hiện mới lập xong thiết kế cơ sở, đang tìm nguồn vốn đầu tư, chỉ có đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn đã được tỉnh Bình Dương đầu tư và đưa vào khai thác.
Với sự việc nêu trên có thể thấy, hành động cưỡng chế của chính quyền huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, cũng như chủ đầu tư dự án Kinh Bay, đã có những đối xử bất công với người dân mất đất và sự mập mờ của chủ đầu tư trong việc công bố triển khai dự án.
Việc phân lô, bán nền, thu tiền của khách hàng trong khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý đang là lỗ hổng lớn, sự nhập nhèm về pháp lý có thể dẫn đến kiện cáo và gây hoang mang, mất niềm tin trong dân.
Hy vọng, chính quyền tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư dự án, sớm có đánh giá khách quan và ứng xử công bằng, phù hợp các quy định để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư, người dân, khách hàng và trên tinh thần thượng tôn pháp luật./.
Theo: Báo Đất Việt
Link gốc: https://baodatviet.vn/bat-dong-san/tu-van-dau-tu/rui-ro-phap-ly-du-an-king-bay-tai-dong-nai-3387069/
Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/rui-ro-phap-ly-tai-du-an-king-bay-tai-dong-nai-a3322.html