Đại nhạc hội “Ánh đạo trong dòng sử Việt”: Tôn vinh những giá trị văn hóa Phật giáo

Tối 18/6, tại Nhà hát Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đại nhạc hội “Ánh đạo trong dòng sử Việt”. Tham gia biểu diễn trong chương trình là các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng như Nguyễn Phi Hùng, Nguyên Vũ, Cao Thái Sơn, Quách Tuấn Du, Thùy Trang… và nhiều ca sỹ, nhóm múa, nhóm nhạc.

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó Ban Văn hóa Phật giáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Văn hóa Phật giáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chương trình đại nhạc hội “Ánh đạo trong dòng sử Việt” được tổ chức với nội dung và quy mô hướng tới thể hiện một cách sâu sắc, chân thực nhất những giá trị văn hóa Phật giáo, đạo đức cốt lõi mà đạo Phật đã hiến tặng cho xã hội để tạo thành một thực thể tôn giáo cổ kính hòa mình trong dòng chảy của dân tộc suốt hàng nghìn năm qua cũng như thời đại ngày nay.

Với các ca khúc được chọn lọc cùng các phần múa phụ diễn của các vũ đoàn, chương trình được chia thành 3 chương: Phật giáo hưng thịnh thời Lý, Trần và triết lý đạo Phật; Phật giáo trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc; ca ngợi Phật giáo trong đời sống hiện nay.

Chương trình “Ánh đạo trong dòng sử Việt” gồm nhiều ca khúc được dàn dựng công phu, nghiêm túc, giàu tính nghệ thuật với nội dung truyền tải tinh thần ca ngợi quê hương đất nước, đạo pháp và tình người.

Cách đây 40 năm, GHPGVN TP.HCM đã chính thức được thành lập, đây là kết tinh của trí tuệ, bởi sự chung sức, chung lòng và nhất tâm thành lập của tập thể chư Tôn đức tăng ni cùng toàn thể quý Phật tử. Kể từ đó đã mở ra trang sử mới cho Phật giáo nước nhà nói chung và GHPGVN TP.HCM nói riêng khi tất cả tăng ni đều hội tụ dưới mái nhà của đấng từ bi và trí tuệ.

Từ thuở bình minh lịch sử, ánh sáng đạo pháp đã soi xuống mảnh đất Rồng –  Tiên, gieo vào mảnh đất này những hạt giống của từ bi và trí tuệ, thổi vào hồn dân tộc luồng sinh khí mới, đánh thức khả năng tự tính giác ngộ nơi mỗi người và đặc biệt là giải phóng con người trước những trói buộc do phiền não tham, sân, si tạo nên.

Ngoài những chuẩn mực giá trị được sắp đặt bởi nho giáo, Ánh sáng giác ngộ của Đức Thích Ca Mâu Ni hướng con người sống cần tránh hai cực đoan, hoặc quá khắc khổ hoặc quá hưởng thụ, hãy đi trên con đường Trung đạo với sự thấy biết chân chánh.

Tư tưởng Phật giáo đã nhẹ nhàng ngấm vào tâm hồn con người Việt Nam, tiếp tục làm giàu thêm cho nội dung của nền văn hóa này, đồng thời củng cố niềm tin trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đặc biệt là trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Những triết lý của Phật giáo như nguồn năng lượng tích cực, làm hồi sinh vạn vật, đâm chồi nảy lộc và đơm hoa kết trái, cống hiến những hoa thơm trái ngọt cho đời.

Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, Phật giáo đã hiến tặng kho tàng tư tưởng Việt Nam các giá trị cốt lõi về văn hóa, đạo đức, tâm linh, luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng chung vận mệnh với dân tộc trước những thịnh suy. Dù có trải qua bao nhiêu thăng thầm, Phật giáo vẫn luôn đồng cam cộng khổ tiếp thêm sức mạnh tinh thần về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước thái bình.

Phật giáo đã mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của hòa bình và bất bạo động, là hiện thân của ánh sáng trí tuệ và trái tim từ bi. Ánh sáng của đạo Pháp luôn soi rọi vào tâm thức, hướng chúng ta đến với những vẻ đẹp chân thiện mỹ. Phật giáo như một đóa sen tinh khiết, tỏa ngát hương thơm, xoa dịu những hận thù, những nơi Phật Giáo đi qua đều mang bình an cho nhân thế. Triết lý của Đạo Phật đã xâm nhập vào đời sống của cộng đồng vào tâm thức mỗi người một luồng ánh sáng trí tuệ từ bi giác ngộ để mọi người ươm mầm luôn giữ. Trải qua 40 năm Giáo Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh đã là trụ cột ngôi nhà chung của Giáo hội.

Dưới sự sáng soi của Phật Pháp, con người đã đến gần nhau hơn. Đến với đạo Phật, con người được hướng đến một trái tim yêu thương bao la, vô ngã, vị tha, an vui và hạnh phúc. Kể từ sau ngày thống nhất đất nước, 9 giáo hội, hệ phái Phật giáo đã cùng ngồi lại với nhau để kiến thiết, xây dựng một ngôi nhà chung. Sài Gòn – TP.HCM là mảnh đất với nhiều Giáo hội, hệ phái Phật giáo ra đời, đã tiên phong trong việc đặt nền móng hòa hợp, thống nhất Phật giáo, để rồi ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam được khai sinh. 40 năm trôi qua, Phật giáo TP.HCM xứng đáng là trụ cột của ngôi nhà Giáo hội, định hướng con đường sáng cho tăng ni tu tập, hướng dẫn Phật tử tín đồ sống, thực hành theo lời dạy của đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni.

Trên hành trình tu tập, phụng sự đạo pháp và đất nước, với mỗi Phật tử, chùa là ngôi nhà thân thương vỗ về mỗi khi lòng trĩu nặng. Dù thế gian đổi thay ra sao, chùa vẫn luôn ở đó đón chờ biết bao thế hệ phụng đạo, trong dáng vẻ thanh tịnh, bác ái, yêu thương.

Dù có trải qua bao thăng trầm, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn trường tồn và phát triển cùng nhân loại. Tỉnh lặng để lắng nghe tiếng chuông tỉnh thức, lắng nghe âm thanh của phép nhiệm mầu. Ánh hào quang của Phật giáo sẽ mãi tỏa sáng trên bầu trời từ bi và trí tuệ, tiếp thêm sức mạnh lòng tự hào bảo vệ Tổ Quốc Thái Bình đưa ta đến bến bờ an vui.

Một số hình ảnh đẹp của đêm Đại nhạc hội “Ánh đạo trong dòng sử Việt”:

 

 

 

 

 

 

Ngọc Hạnh

Link nội dung: https://www.doanhnghiepcuocsong.vn/dai-nhac-hoi-anh-dao-trong-dong-su-viet-ton-vinh-nhung-gia-tri-van-hoa-phat-giao-a81549.html