Sự kiện nằm trong khuôn khổ phiên họp thứ nhất Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Azerbaijan do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế Azerbaijan tổ chức.
Với chủ đề “Hội tụ nguồn lực đầu tư phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia trong kỷ nguyên kinh tế số”, Diễn đàn tập trung vào ba trọng tâm: kết nối doanh nghiệp – nhà đầu tư – cơ quan quản lý; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như chuyển đổi số, thương mại điện tử, logistics, y tế, giáo dục; đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ khởi nghiệp mang tính chiến lược và dài hạn.
Một điểm nhấn đáng chú ý là đề xuất xây dựng mô hình “SME House” – trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tích hợp, được kỳ vọng trở thành hạt nhân phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đây cũng là tiền đề cho việc tổ chức định kỳ Diễn đàn Khởi nghiệp và Đầu tư Việt Nam - Azerbaijan, tạo lập một nền tảng đối thoại chiến lược giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Thúc đẩy hợp tác thực chất và bổ trợ
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long khẳng định, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Azerbaijan đang khởi sắc, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Dù kim ngạch hai chiều năm 2024 mới chỉ đạt khoảng 52 triệu USD, nhưng trong quý I/2025 đã vượt mốc 100 triệu USD – một con số đầy triển vọng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam có lợi thế trong các ngành dệt may, chế biến thực phẩm và nông sản chất lượng cao – những sản phẩm rất tiềm năng tại thị trường Azerbaijan. Ngược lại, Azerbaijan có thể cung cấp nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho sản xuất như dầu thô, bông sợi và vật tư công nghiệp. Sự bổ trợ này là nền tảng quan trọng để hai nước đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng và đầu tư hai chiều.
Từ phía Azerbaijan, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Kinh tế Elnur Aliyev cho biết hai nước đã ký nhiều thỏa thuận về hàng không, vận tải, công nghệ và phát triển số. Ông cũng nhấn mạnh tiềm năng của Azerbaijan trong vai trò cầu nối chiến lược giữa châu Á và châu Âu, đặc biệt là với sáng kiến Hành lang Trung, cùng các khu kinh tế tự do như AFEZ – nơi cung cấp môi trường đầu tư hấp dẫn cho các đối tác quốc tế.

SME House – Mô hình gợi mở cho Việt Nam
Theo TS. Đinh Việt Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, mô hình “SME House” của Azerbaijan là một hình mẫu điển hình với cách tiếp cận tích hợp: hỗ trợ doanh nghiệp từ giai đoạn ươm mầm đến trưởng thành. Đây là mô hình rất phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước ta.

Cụ thể, Nghị quyết 57-NQ/TW (12/2024) đã đặt ra đột phá về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 68-NQ/TW (5/2025) đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp – tức tăng gấp đôi so với hiện tại. Trong bối cảnh đó, SME House được xem là mô hình tham khảo quý giá, giúp hiện thực hóa các mục tiêu lớn về phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Diễn đàn lần này không chỉ là dịp gặp gỡ, kết nối, mà còn là bước đi chiến lược trong việc đưa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng, tận dụng tri thức và nguồn lực quốc tế”, ông Hòa nhấn mạnh.

Động lực mới cho ngoại giao kinh tế
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Azerbaijan 2025 cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc mở rộng không gian hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp số. Đây là những trụ cột quan trọng để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bắt kịp nhịp phát triển của nền kinh tế số toàn cầu.
Trong bối cảnh các chuỗi giá trị đang tái định hình sâu sắc, đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố sống còn của tăng trưởng, việc chủ động tìm kiếm đối tác và xây dựng nền tảng kết nối quốc tế như Azerbaijan sẽ là cú hích quan trọng cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.