Gặp khó về dòng tiền, FLC lên kế hoạch huy động vốn từ cá nhân, tổ chức

23/04/2024 10:00

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã ck: FLC) vừa thông qua chủ trương đối với phương án huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức để bổ sung hoạt động kinh doanh theo đề xuất của Ban Tổng Giám đốc.

Theo đó, Ban Tổng Giám đốc FLC được giao căn cứ chức năng nhiệm vụ, phân cấp hoặc ủy quyền chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chuyên môn xây dựng, triển khai thực hiện phương án chi tiết về việc huy động nguồn vốn.

Người đại diện pháp luật của tập đoàn hoặc người được ủy quyền chủ trì tổ chức triển khai thực hiện, bao gồm nhưng không giới hạn việc quyết định về thời điểm, số tiền vay phù hợp với nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, còn được tìm kiếm, lựa chọn quyết định bên cho vay, đàm phán về ký kết hợp đồng, thỏa thuận, tài liệu liên quan đến việc FLC vay vốn từ các đơn vị/cá nhân cho vay và các nội dung khác có liên quan.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 35 ngày 26/3/2024 của FLC được Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp, trụ sở của FLC đã chuyển về tầng 5, tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.

Vốn điều lệ tập đoàn này xấp xỉ 7.100 tỷ đồng trên cơ sở 710 triệu cổ phần với mệnh giá cổ phần 10.000 đồng. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Lê Tiến Dũng, Tổng giám đốc FLC.

Những thông tin gần đây cho thấy tập đoàn FLC đang gặp khó khăn lớn về nguồn vốn. Theo thông tin từ HNX, FLC phải thanh toán tổng cộng 120 tỷ đồng tiền lãi và 996,4 tỷ đồng tiền gốc để tất toán lô trái phiếu FLCH2123003. Tuy nhiên đến cuối năm công ty này mới trả được lần lượt 6 tỷ đồng tiền lãi và 100 triệu đồng tiền gốc.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua FLC liên tục nhận được các quyết định cưỡng chế thuế từ các chi cục thuế. Mới đây nhất, vào ngày 14/3, Chi cục Thuế thành phố Quy Nhơn (Bình Định) thông báo cưỡng chế 135,7 tỷ đồng nợ thuế của FLC thông qua trích lập từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa 3 tài khoản của doanh nghiệp này.

Cục Thuế thành phố Hà Nội thậm chí phải ban hành tới 19 quyết định, yêu cầu phong tỏa 84 tài khoản tại các ngân hàng để cưỡng chế 92,9 tỷ đồng nợ thuế của FLC.

Tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2024 tổ chức hồi đầu năm, ban lãnh đạo cho biết, hai năm 2022-2023 vừa qua là giai đoạn “vô cùng gian nan, thách thức” đối với tập đoàn khi phải trải qua rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin cũng như các vấn đề phát sinh có liên quan đến vụ án của ông Trịnh Văn Quyết.

Sau quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, định biên nhân sự điều chỉnh giảm 60% nhân sự cơ hữu, số lượng cán bộ nhân viên hiện còn 3.500 người, tổng lương thưởng 2023 hơn 300 tỷ đồng; 50% phòng ban được sáp nhập. Hệ thống công ty thành viên, công ty liên kết bao gồm 14 công ty con (do FLC sở hữu từ trên 50% đến 100% vốn điều lệ) và 1 công ty liên kết.

Trong năm 2024, FLC vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc Tập đoàn và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính: Kinh doanh Bất động sản, Kinh doanh Nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.

Bạn đang đọc bài viết "Gặp khó về dòng tiền, FLC lên kế hoạch huy động vốn từ cá nhân, tổ chức" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).