Vụ một hộ dân bị "đẩy vào chân tường" vì mua nhà bằng giấy viết tay: Chờ phiên tòa thấu tình đạt lý!

01/10/2019 19:54

DNCS - Phải tới ngày 2/10 TAND quận Gò Vấp mới chính thức tuyên án, thế nhưng, sức “nóng” của vụ án này lại đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi, nguyên đơn trong vụ “Tranh chấp Hợp đồng QSDĐ” lần này là một người có địa vị với các “mối quan hệ” rộng lớn, còn bị đơn lại chính là kẻ ở cho nguyên đơn suốt 20 năm qua và đang bị “ép” trả lại đất đã mua cách đây 10 năm chỉ vì mua bằng giấy tờ tay?!

Chủ đất bội tín?!

Theo hồ sơ vụ việc, năm 1999, ông Huỳnh Hữu Lợi chuyển nhượng bằng hình thức viết giấy tay cho vợ chồng ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy (ngụ phường Thạnh Lộc, Quận 12) diện tích 3.500m² đất, thuộc thửa 504, tờ bản đồ số 40, phường 15, quận Gò Vấp.

Ngày 03/02/2002, cũng bằng hình thức giấy tờ tay, vợ chồng ông Quý chuyển nhượng lại cho ông Khâu Văn Sỹ (ngụ phường 6, Gò Vấp) diện tích 500m² đất.

Tiếp đó, ngày 18/4/2009, vợ chồng ông Quý tiếp tục chuyển nhượng bằng giấy tay cho ông Lê Văn Dư và ông Lê Sỹ Thắng (ngụ Gò Vấp, ông Thắng là cháu của ông Dư), mỗi người 87m² đất với lời hứa sẽ thực hiện việc tách thửa và đăng bộ phần diện tích đã bán.

3
Ông Dư trước căn nhà tạm bợ của mình đang bị "dính" kiện về tranh chấp đất.

Sau này, giữa ông Dư, ông Thắng và ông Sỹ có chuyển nhượng qua lại các phần đất này cho nhau (do các phần đất này đều nằm liền kề nhau, cùng chung một thửa thửa 504, tờ bản đồ số 40).

Cụ thể, ngày 18/09/2013, ông Dư và ông Thắng chuyển nhượng 2 diện tích đất trên (tổng là 174m²) cho ông Sỹ với giá hơn 1,3 tỷ đồng. Đến ngày 03/11/2015, ông Sỹ lại chuyển nhượng toàn bộ 674m² đất cho ông Dư với giá 2,3 tỷ đồng. Tất cả những giao dịch mua bán, chuyển nhượng này đều có lập thành hợp đồng nhưng không công chứng.

Theo ông Dư, sau khi mua đất, gia đình ông đã chuyển về đây sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai, tiến hành kê khai tạm trú tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà để quản lý.

Thế nhưng, khoảng cuối tháng 3/2017, con trai ông Quý là Phan Anh Tuấn tìm đến nhà ông Dư đưa ra lời đề nghị buộc ông Dư trả lại toàn bộ phần diện tích đất 674m² trước đây gia đình đã bán. Tuy nhiên, ông Dư không đồng ý, vì cho rằng đây là mảnh đất duy nhất mà vợ chồng ông vất vả làm lụng, vay mượn họ hàng mới mua được.

Sau khi đòi lại đất nhưng không được ông Dư đồng ý, ông Quý đã quay sang tố cáo ông Dư ra chính quyền địa phương vì xây dựng nhà ở không có giấy phép. Ngoài ra, lấy lý do giao dịch mua bán này không hợp pháp (mua bán bằng giấy tay), các hộ tự ý chuyển nhượng đất cho nhau và xây dựng không phép, nên ngày 29/6/2017, ông Quý đã làm đơn khởi kiện ông Dư ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu ông Dư hoàn trả diện tích 674m² đất trước đây đã nhận chuyển nhượng.

“Bóc mẽ” sự thật?!

Ngày 25, 26/9/2019, TAND quận Gò Vấp đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ” ra xét xử. Nguyên đơn là ông Phan Quý, bà Lê Thị Bích Thủy và 3 đồng bị đơn là ông Lê Văn Dư, ông Lê Sỹ Thắng và ông Khâu Văn Sỹ.

Tại phiên tòa, các bị đơn đều khẳng định việc chuyển nhượng đất giữa các bên đều trên tinh thần tự nguyện và đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính cho nhau. Ông Quý đã nhận đủ tiền chuyển nhượng, còn bên mua cũng thanh toán tiền đúng thỏa thuận. Các bên đã tiến hành đo đạc, cắm mốc ranh giới và giao đất cho bên mua sử dụng.

4
Phiên tòa xét xử ngày 25/9.

Là người nắm rõ về vụ việc, nhưng lại trở thành bị đơn trong vụ án này, ông Khâu Văn Sỹ bức xúc cho biết, “Trước đây quan hệ giữa tôi và ông Quý từng là bằng hữu, rất thân với nhau. Nguồn gốc đất và quá trình chuyển nhượng đất trong vụ án này tôi là người nắm rõ nhất. Thậm chí, chính tôi là người tư vấn pháp lý và làm mọi thủ tục hỗ trợ văn bản liên quan… Nhưng hôm nay kéo nhau ra tòa, ông Quý biến tôi thành một bị đơn thì tôi với ông Quý không còn là gì với nhau nữa hết, chỉ có pháp luật với nhau thôi”.

Tôi với ông (ông Quý –pv) rất thân “như răng với miệng” vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì, lòng tham của ông bộc phát. Trước khi tôi đòi lại ông 10 lượng vàng mà ông nợ tôi từ năm 2008 đến 2018. Ông tới nhà tôi, cầm tiền trả tôi, rồi ông nói “sao mày bán đất cho thằng Mười (ông Dư - pv) làm chi? Bán cho ông đi. Nhưng tôi thấy nó (ông Dư – pv) nghèo quá, tôi muốn bán cho gia đình nó để nó có cuộc sống gia đình yên ấm và tôi từ chối. Ít ngày sau đó thì ông thưa tôi ra tòa luôn”, ông Sỹ nói.

Ông Sỹ trình bày tiếp, “Có HĐXX đây, tôi nói cho nguyên đơn biết rằng nên rút đơn đi để thấu tình đạt lý, mình xử sự phải đàng hoàng, vì cái cảnh này mà uy hiếp một con người là không nên. Ông ấy là người giàu, có ai đi lấy của ông gì đâu mà ông đi uy hiếp người nghèo? Hợp đồng chuyển nhượng này mặc dù về thủ tục chưa hợp lệ, còn bị hạn chế một số quyền do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, giao dịch hợp lệ, ngay tình mà trong luật dân sự quy định. Do đó, tôi đề nghị HĐXX công nhận hợp đồng tay giữa tôi và ông Dư ngày 3/11/2015, tôi đồng ý để ông Dư đứng tên và không có tranh chấp gì”.

Mặc dù từng là bằng hữu của nhau, nhưng trước vụ việc, ông Sỹ cũng không ngần ngại đánh giá ông Quý là một người vô đạo đức. “Tôi đánh giá con người ông Quý là một người vô đạo đức, con người vụ lợi, có phải là ông nghèo đâu, ông người giàu có mà làm như vậy”.

2
Ông Dư bật khóc tại tòa vì sự "ấm ức" của vụ kiện.

Riêng đối với bị đơn Lê Văn Dư, do không kìm nén được cảm xúc nên đã nhiều lần bật khóc tại tòa khi kể về quá khứ của mình trong khoảng thời gian đi ở, làm thuê cho gia đình ông Quý suốt gần 20 năm qua, nhưng cuối cùng đáp trả ân tình đó là một vụ kiện đòi lại đất đã bán. Ông Dư cho biết, ông Quý nhiều lần hứa hẹn sẽ đăng bộ, công chứng sang tên cho ông và ông Thắng, nhưng lại không thực hiện.

VKS kiến nghị tạm Ngưng phiên tòa

Cũng tại phiêu tòa, các luật sư bảo vệ cho bị đơn đã đưa ra nhiều lập luận, căn cứ pháp lý để khẳng định việc chuyển nhượng đất giữa các bên đủ điều kiện để pháp luật công nhận và có hiệu lực pháp luật.

Cụ thể, đối với diện tích 87m² mà ông Dư nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Phan Quý vào ngày 18/4/2009. Theo Luật sư Trương Anh Tú, đoàn luật sư TP Hà Nội – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho bị đơn cho biết: Theo thỏa thuận, ông Dư đã thanh toán đầy đủ số tiền 435 triệu đồng cho vợ chồng ông Quý và ông Quý cũng đã bàn giao đất cho ông Dư sử dụng từ năm 2009 đến nay.

Sau khi nhận bàn giao đất, ông Dư đã thực hiện việc san lấp, nâng nền, làm tường bao, xây nhà ở, sống ổn định trên đất. Vợ chồng ông Quý cũng biết việc này nhưng không có ý kiến gì. Ngoài ra, việc ông Dư sinh sống ổn định từ năm 2009 đến nay cũng đã được chính quyền địa phương xác nhận và cấp số nhà để quản lý. Do đó, đối với giao dịch này chỉ chưa đáp ứng hoàn toàn về mặt hình thức là Hợp đồng chuyển nhượng phải được công chức, chứng thực.

3
Phiên tòa thu hút đông đảo người tham gia.

Theo luật sư Tú, căn cứ quy định tại điểm b.3 tiểu mục 2.3 Mục 2 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP thì: “Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện hướng dẫn tại điểm a.6 tiểu mục 2.3 Mục 2 này, nếu sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố… và bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì Tòa công nhận hợp đồng…”.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2 Điều 129 BLDS 2015 cũng nêu rõ: “Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chức thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”. Do đó, giao dịch chuyển nhượng QSDĐ giữa vợ chồng ông Quý và ông Dư đủ điều kiện để được pháp luật công nhận, Luật sư Tú trình bày.

Còn đối với diện dịch 587m² mà ông Dư nhận chuyển nhượng từ ông Khâu Văn Sỹ và ông Lê Sỹ Thắng, luật sư Tú cho rằng: Tuy ông Sỹ và ông Thắng chưa đăng ký QSDĐ, nhưng thực tế, hai ông đã nhận chuyển nhượng phần đất này từ vợ chồng ông Phan Quý, đã trả đủ tiền và cũng đã nhận bàn giao đất để quản lý, sử dụng. Tại phiên tòa, ông Sỹ và ông Thắng cũng thống nhất việc chuyển nhượng trên và đề nghị Tòa án công nhận việc chuyển nhượng 587m² cho ông Dư theo quy định.

Luật sư Trương Anh Tú và cộng sự tại tòa.

Các luật sư cũng cho rằng, trước khi thụ lý vụ án, TAND quận Gò Vấp đã vi phạm tố tụng khi đưa vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện ra xét xử. “Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa vợ chồng ông Quý với ông Dư và ông Thắng được ký vào năm 2009; Ký với ông Khâu Văn Sỹ vào năm 2002. Tính từ thời điểm ký hợp đồng cho đến thời điểm ông Quý nộp đơn khởi kiện ông Dư, ông Thắng là 8 năm, còn đối với ông Sỹ là 15 năm.

Trong khi đó, căn cứ quy định tại Điều 184 BLTTDS 2015 về thời hiện khởi kiện; Căn cứ Khoản 2 Điều 132 BLDS 2015, thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 2 năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập, trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức”.

Đồng thời, HĐXX không chấp nhận yêu cầu phản tố bổ sung của bị đơn khi cho rằng “yêu cầu phản tố bổ sung được đưa ra sau phiên hòa giải công khai chứng cứ, nên HĐXX không xem xét”. Nhận định trên, theo các luật sư là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Cũng chính vì những lý do trên, các luật sư tham gia bào chữa cho các bị đơn đều có chung kiến nghị, đề nghị HĐXX đình chỉ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; Áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 129 BLDS 2015 và Điểm b.3 tiểu mục 2.3 Mục 2 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, công nhận giao dịch chuyển nhượng QSDĐ giữa các bên…

Đáng chú ý, trong suốt diễn biến phiên tòa, trước những câu hỏi của luật sư, đại diện cho phía nguyên đơn luôn tìm cách im lặng và cũng không phát biểu quan điểm bảo vệ yêu cầu khởi kiện, không tranh luận và cũng không có ý kiến gì về việc giải quyết vụ án.

Trước diễn biến của vụ việc và ý kiến trình bày của các đương sự tại phiên tòa, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật. Tuy nhiên, ngày 2/10 TAND quận Gò Vấp sẽ chính thức tuyên án.

Theo:Trọng Vũ - Bảo Hà/Phapluatplus.vn

Bạn đang đọc bài viết "Vụ một hộ dân bị "đẩy vào chân tường" vì mua nhà bằng giấy viết tay: Chờ phiên tòa thấu tình đạt lý!" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).