Chuyện lan man về bão...

Ơn giời, rồi hôm qua, bão đã không dữ dội như chúng ta đã chuẩn bị... đón.

Cả ngày hôm trước, căng ra vì bão. Chính quyền, cơ quan căng, báo chí căng, nhân dân vùng dự kiến là bão đổ bộ căng và cả vùng không liên quan cũng... căng. Cứ đọc tin xem ảnh chúng ta rình rịch chuẩn bị, chúng ta "đi từng ngõ, gõ từng nhà", chúng ta vác loa cầm tay đi dọc biển, sông, gọi từng con thuyền... đủ thon thót.

Bây giờ thông tin tận... tai, tận mắt, tận buồng ngủ, tận ca bin xe, tận buồng lái tàu, xuồng... hết sức thuận lợi, nhưng nhiều khi cũng làm chúng ta lo lắng vì nó lại... nhiều thông tin quá, chưa kể tin fake.

Thêm nữa, dư âm vụ lốc làm lật úp tàu ở Hạ Long khiến 39 người thiệt mạng tức tưởi, oan ức cũng mới trước đó một hôm càng khiến chúng ta lo lắng.

Lại nhớ, hồi nhỏ, gia đình tôi cũng ở vùng thường xuyên bão lũ, là cái vùng hạ du của tỉnh Thanh Hóa ấy, dưới chân đê con sông lớn. Mà hồi ấy chưa hiện đại như giờ, về tất cả mọi thứ.

Trước khi tin bão về, loa truyền thanh đọc thông báo liên tục, thông báo tin bão và thông báo kế hoạch, trong đó nặng nhất là phương án vỡ đê.

Từng nhà tự chuẩn bị. Đa phần là rang... ngô, cho vào cái bao ruột tượng, phân công một người phục trách. Có nhà rang gạo, nhà khoai khô. Nó là lương thực dự trữ. Một cái ruột tượng nữa, đựng quần áo, cũng giao cho một người nữa phụ trách.

Được hẹn là nếu vỡ đê thì... lên mái nhà, sẽ có thuyền cứu hộ đón. Và hiệu lệnh sẽ là trống ngũ liên.

Tôi trẻ con, sự hồi hộp ít, các ông bố bà mẹ hồi hộp nhiều hơn. Nhà xây mái ngói còn đỡ chứ nhà tranh vách nứa thì phải chằng buộc lại, đa phần là dùng dây thép đóng cọc chằng néo các kiểu. Rồi cũng có nhà bay, nhà tốc mái, nhưng tôi chưa chứng kiến chết người, hay vì tôi nhỏ nên không biết. Và càng chưa chứng kiến vỡ đê, tức cái mối lo lớn nhất đã không đến, cho tới khi gia đình chuyển về Huế thì chỉ còn chứng kiến... lụt.

Ở Huế, dẫu từng là kinh đô nhưng lại thường xuyên bị lụt, bà con đã có kinh nghiệm sống chung với lụt hàng trăm năm, ấy là làm nhà rường, những ngôi nhà mà giờ ai giữ được coi như là cầm kim cương trong tay. Đơn giản, công năng ban đầu chỉ là để tránh lụt. Mỗi nhà đều có cái gác phía trên. Nhưng vì là dân có chữ nên cái gác ấy được trang trí trạm trổ cầu kỳ, chứ công năng của nó là chứa đồ, chủ yếu là lương thực, rồi sách, mỗi khi lụt. Lụt ở Huế không ào ào, dữ dội như phía Bắc, nhất là không như vỡ đê, mà nó cứ lừ lừ lên, rồi lừ lừ xuống, riết rồi thì quen, thì sống chung. Nó cũng như Nam Bộ, mà năm nào lũ không về là năm ấy dân đói.

Nhớ, những người dân vùng ven biển Quảng Nam có sáng kiến là... đào hầm tránh bão. Chúng ta hay... chống bão, thực ra tốt nhất là tránh hoặc trốn bão. Cái cách đào hầm ấy thực chất là trốn. Thời chiến tranh chúng ta cũng từng đào hầm để trốn. Làm công sự, chiến hào, trận địa cho quân đội và lực lượng chức năng, còn dân thường là để trốn.

Cũng như thế, những vùng nhiều bão "kiêm" lụt như miền Trung, chúng ta đã có chủ trương xây trụ sở, trường học kiên cố, 2, 3 tầng, để khi hữu sự thì đưa dân lên tránh.

Dân Bình Định, Phú Yên cũ cũng có kiểu nhà "sống chung" với tự nhiên khắc nghiệt rất thông minh là nhà lá mái. Bây giờ các địa phương đều đang có phương án bảo tồn những ngôi nhà ấy, nhưng than ôi, chỉ còn quá ít.

Một người bạn nói với tôi khi chúng tôi ngồi... cám ơn cơn bão số 3, vì nó đã nhẹ hơn rất nhiều so với dự báo, rằng là bây giờ hiện đại thế rồi, kỷ cương thế rồi, có cần trước mỗi cơn bão chúng ta lại phải huy động cả "hệ thống chính trị" vất vả "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động nhân dân chằng chống, sơ tán, kiểm tra kiểm đếm, đến vác loa cầm tay đi dọc biển kêu tàu thuyền về tránh trú đến thế không?

Rằng tại sao, như giao thông chả hạn, từ chỗ ai muốn đi thế nào thì đi, giờ thì nếu ngồi lên xe, xe máy thôi nhé, không có mũ là không đi, đã uống rượu bia là không đi, đèn đỏ thì dừng lại..., ai không tuân thủ thì phạt, từ ngày xưa phạt cho có, tới giờ dính phạt là điếng người vì mức phạt rất cao. Từ chỗ bà con dân tộc thiểu số đi xe máy chở theo 3, 4 người và còn cãi lý với cảnh sát giao thông là 4 đứa tao mua chung mà, thì phải đi chung chớ, hay là, cái xe nó còn chở được mà, thì tao đi thôi... đến giờ bà con răm rắp tuân thủ. Thế tại sao ta cũng không có những quy định rất chặt chẽ, cụ thể về bão lụt nói riêng, thiên tai nói chung, ví dụ, cấp gió như thế thì phải ở trong nhà, cấp gió như thế là phải đi sơ tán, cấp gió như thế thì tàu thuyền không ra khơi, như thế thì phải về bờ trú ẩn..., và có chế tài, phạt như thế nào, cưỡng chế thế nào, và nếu vì không tuân thủ quy định mà bị thiệt hại thì sẽ ra sao...

Lại nhớ cái thói quen của dân đi biển là thích... sang vùng biển không phải của nước mình khai thác, chúng ta cũng... lơ lơ. Tới khi thế giới chính thức có hình thức phạt thẻ vàng, chúng ta siết lại, gần đây từng phạt mức vài trăm triệu tới cả tỷ đồng, thậm chí ra tòa, rõ ràng bà con đã biết sợ, và phải tuân thủ.

Tất nhiên sự quan tâm của chính quyền với dân trước mỗi hiểm họa thiên tai, cụ thể là trước các dự báo bão, là đều rất quý, nhưng quả là, nếu trước mỗi cơn bão nào cũng phải tung hết sức lực để chỉ nhắc nhở, đôn đốc như thế sẽ rất mệt và có vẻ... nghiệp dư và tốn sức nữa.

Bây giờ, thời đại số, chí ít thì ai cũng có điện thoại, xài zalo, facebook, ticktok... Chính quyền báo vào đấy, cá nhân hoặc nhóm, bà con cứ thế mà làm. Cán bộ cơ sở sẽ kiểm tra, cũng không cần tới từng nhà, mà thông qua công cụ. Cấp tỉnh, trung ương cũng thông qua công cụ để giám sát. Thì nó cũng như cái camera hành trình của ô tô ấy, anh đi như thế nào, chạy ra sao, xử lý trên đường... tất tật hãng và cơ quan quản lý biết hết. Và thực ra, trừ những người cực liều, còn thì, bà con đều có trách nhiệm, chí ít với bản thân mình và gia đình. Chả ai muốn mình và người thân bị nguy hiểm trước thiên tai cả.

Nhưng dù sao cũng mừng cái đã, rằng là cơn bão Wipha, nôm na là cơn bão số 3, khi đổ bộ vào nước ta đã giảm rất nhiều sự hung hãn...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả