Thúc đẩy thị trường sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam

Việc phát triển năng lượng xanh trong khu công nghiệp sẽ thúc đẩy thị trường sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam.

Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 380 khu công nghiệp và khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động. Các khu công nghiệp hiện đang chiếm tới hơn 50% tổng tiêu thụ điện năng của ngành sản xuất, đồng thời cũng là khu vực phát thải lớn. Đây là những "điểm nóng" tiêu thụ điện năng, đồng thời cũng là nơi ẩn chứa tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái rất lớn.

Thêm nữa, với xu hướng tiêu chuẩn hóa về môi trường từ các thị trường xuất khẩu như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… các doanh nghiệp trong khu công nghiệp buộc phải có chiến lược giảm phát thải carbon, trong đó sử dụng năng lượng tái tạo là một giải pháp then chốt. Chính vì vậy mà nhu cầu điện áp mái của các doanh nghiệp trong cả nước là rất lớn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng, Quy hoạch điện VIII cùng nhiều quy định, thủ tục pháp lý liên quan đã được sửa đổi theo hướng thông thoáng, cắt giảm thủ tục không cần thiết, tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong triển khai cho các nhà đầu tư.

Đáng chú ý, trong tháng 3/2025, Chính phủ đã ban hành các nghị định quan trọng như Nghị định số 57/2025 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng lớn, hay Nghị định số 58/2025 quy định chi tiết Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng mới. Những chính sách này được đánh giá là bước tiến cần thiết nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc, giúp doanh nghiệp yên tâm triển khai các dự án năng lượng sạch, nhất là trong khu công nghiệp, nơi tập trung đông đảo nhà máy sản xuất, tiêu thụ lượng điện khổng lồ và có tiềm năng lớn để xanh hóa.

Ông Vũ Huy Đông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng ADE (ADE) (Công ty con của Công ty Cổ phần Damsam).  Ông Vũ Huy Đông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng ADE (ADE)
(Công ty con của Công ty Cổ phần Damsam). 

Theo ông Vũ Huy Đông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng ADE (ADE) (công ty con của Công ty Cổ phần Damsan), cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư điện mặt trời áp mái rất cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển ngành sản xuất tấm pin năng lượng trong nước.

Ông Vũ Huy Đông cho biết thêm, trong quá trình hoạt động, Công ty CP Năng lượng ADE (ADE) đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, vận hành, tài chính… hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, triển khai mô hình hợp tác đầu tư, doanh nghiệp không cần vốn đầu tư ban đầu, ADE đầu tư, vận hành và chia sẻ phần tiết kiệm điện hàng tháng. Đồng thời, hỗ trợ tiếp cận gói vay xanh lãi suất thấp từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, từ hoạt động sản xuất tại nhà máy pin năng lượng của mình, ông Đông cho biết, công suất thực tế mới chỉ đạt một nửa công suất ban đầu. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn e ngại do thiếu thông tin, thiếu vốn đầu tư ban đầu hoặc lo ngại về thủ tục pháp lý và hiệu quả vận hành.

Ở góc độ nhà đầu tư, theo đại diện Công ty CP Năng lượng ADE, hiện nay giá vốn đầu tư tại Việt Nam khá cao, các ngân hàng chưa mặn mà với ngành sản xuất rất mới này khiến các nhà đầu tư ngại ngần, ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của ngành.

“Để phát triển xanh không chỉ là trách nhiệm mà là cơ hội vàng để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế” - ông Vũ Huy Đông đề xuất một số giải pháp tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp. Đại diện Công ty CP Năng lượng ADE cho rằng, cơ chế chính sách pháp luật đã đầy đủ nhưng cần cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư điện áp mái thúc đẩy ngành sản xuất pin năng lượng trong nước cung cấp cho thị trường, tiến tới giảm nhập khẩu từ bên ngoài.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng xem xét xây dựng cơ chế xác nhận "Doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh" để tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu; Cho phép áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa doanh nghiệp điện mặt trời và nhà máy trong khu công nghiệp; Ưu tiên các khu công nghiệp có tỷ lệ sử dụng điện mặt trời cao trong chính sách hỗ trợ đầu tư, cấp đất và cấp phép mở rộng...

 

Trong những năm gần đây, Việt Nam rất tích cực triển khai các chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Quốc gia đã hoàn thiện các quy hoạch tổng thể về năng lượng, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển ngành năng lượng tái tạo phục vụ cho mục tiêu dài hạn. Một trong những điểm nhấn là việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, nâng tổng công suất nguồn điện lên khoảng 183–236 GW vào năm 2030, con số được xem là cần thiết để đáp ứng nhu cầu điện dự kiến tăng gấp 1,5 lần trong giai đoạn phát triển nóng của nền kinh tế.