Bắc Ninh đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay Gia Bình

Để hoàn thành mục tiêu đến 31/12/2026 dự án Cảng hàng không Gia Bình hoàn thành và đón chuyến bay quốc tế đầu tiên, UBND tỉnh Bắc Ninh đang lên kế hoạch đẩy nhanh tiến độ.

Dồn sức thực hiện dự án

Dự án sân bay quốc tế Gia Bình được quy hoạch là sân bay cấp 4E, quy mô diện tích hơn 1,96 nghìn ha, có 2 đường băng cất hạ cánh, có thể tiếp nhận các loại máy bay hiện đại như Boeing B777, B787, A350, A321.

Đây là sân bay lưỡng dụng, được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành trong năm 2026, giúp giảm tải cho sân bay Nội Bài, phục vụ APEC 2027, tăng cường diện mạo cho Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội, góp phần nâng cao vị thế đất nước.

Lãnh đạo và các ngành liên quan của Bắc Ninh đang dồn sức thực hiện dự án này. Tại cuộc họp mới đây bàn về giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá đây là dự án mang tầm quốc tế, quốc gia và là “bộ mặt mới” của tỉnh, nên ưu tiên “luồng xanh” cho việc triển khai dự án. “Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của cả hệ thống chính trị Bắc Ninh. Do đó, cần phải tập trung, nỗ lực triển khai thực hiện trong thời gian tới”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, việc xây dựng sân bay Gia Bình ảnh hưởng gần 70 thôn, hơn 4,5 nghìn hộ dân với quy mô dân số khoảng 20 nghìn người. 46 nghĩa trang, 41 công trình tôn giáo… Như vậy, riêng khối lượng công việc liên quan giải phóng mặt bằng (GPMB) là rất lớn.

Ngoài ra, để phát huy hiệu quả của dự án, tỉnh cũng đang thực hiện hai dự án giao thông kết nối sân bay là đường kết nối từ Hà Nội đến sân bay và đường từ sân bay đến cầu Kênh Vàng nối Hải Phòng. “Việc GPMB phải đặt lên hàng đầu. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện phải phân công chi tiết đến từng cá nhân và kiểm tra hằng ngày việc thực hiện nhiệm vụ”, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, để bảo đảm tiến độ dự án và đúng quy định pháp luật, việc thực hiện công tác đền bù, GPMB phải vô tư, khách quan, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Để tập trung GPMB, tỉnh đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp UBND các xã và sở, ngành trong quá trình triển khai thực hiện công việc.

Nhà đầu tư đề xuất chủ động nguồn vật liệu cho dự án

Chủ đầu tư dự án sân bay Gia Bình là Cty CP Tập đoàn Masterrise, còn chủ đầu tư hai dự án đường giao thông kết nối với sân bay là Cty Sun Group. Theo đại diện Cty Masterrise, dự kiến đến 2030, sân bay sẽ đạt công suất đón khoảng 30 triệu hành khách và 1,6 triệu tấn hàng hóa/năm; đón 50 triệu hành khách và 2,5 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2050. Sân bay Gia Bình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực lân cận, đặc biệt là vùng Thủ đô.

Liên quan vấn đề vật liệu san lấp thực hiện dự án, các nhà đầu tư (NĐT) đề nghị Bắc Ninh có văn bản gửi các tỉnh, thành Lạng Sơn, Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang cho phép NĐT được khảo sát và có cơ chế chỉ định cho nhà đầu tư trực tiếp tổ chức khai thác các mỏ (đất, đá, cát) để phục vụ thi công xây dựng dự án đặc thù.

Đại diện Cty Sun Group đề nghị Bắc Ninh cho phép bố trí các mặt bằng chưa đấu giá quyền sử dụng đất để làm quỹ đất tái đầu tư. Đồng thời xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng các dự án tái định cư trên địa bàn các xã liên quan dự án nhằm bảo đảm đủ quỹ đất tái định cư và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, công tác quy hoạch, tái định cư, bồi thường GPMB… là những nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện nhanh, sớm nhất. Các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung cao cho công tác bồi thường để có mặt bằng xây dựng giai đoạn 1 của dự án vào ngày 19/8 tới đây. 

 

Dự án sân bay Gia Bình được khởi công xây dựng ngày 10/12/2024, diện tích khoảng 125ha, cách sân bay Nội Bài khoảng 40km. Mục tiêu ban đầu của dự án là sân bay phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân Công an nhân dân Việt Nam. Sau đó, Chính phủ thống nhất nâng cấp thành sân bay lưỡng dụng, chia sẻ một phần hành khách, hàng hóa cho sân bay Nội Bài.