Doanh nghiệp chăn nuôi bội thu quý I nhờ giá heo tăng cao

Giá heo hơi trung bình quý I/2025 tăng vọt gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, có thời điểm chạm mốc 80.000 đồng/kg, đã tạo đà cho nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, thậm chí là những con số kỷ lục.

Theo ghi nhận, từ đầu năm 2025 đến nay, giá heo hơi trung bình toàn quốc liên tục duy trì ở mức cao, thường trên 70.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong tháng 3/2025, thị trường đã chứng kiến giá heo chạm ngưỡng 80.000 đồng/kg, trước khi điều chỉnh nhẹ về quanh 75.000 đồng/kg. Diễn biến giá heo hơi từ năm 2023 của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) cho thấy sự tương phản rõ rệt so với quý I/2024, khi giá heo trung bình chỉ dao động quanh mức 53.000-58.000 đồng/kg.

Động lực chính đằng sau đà tăng giá này được cho là do nguồn cung heo trên thị trường giảm sút. Dịch tả heo châu Phi (ASF) vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ cơn bão Yagi cuối năm 2024 đã tác động đến cơ sở hạ tầng chuồng trại, làm chậm quá trình tái đàn. Thêm vào đó, việc Luật Chăn nuôi 2020 có hiệu lực đầy đủ từ đầu năm 2025, với các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chăn nuôi, cũng đã góp phần điều chỉnh lại cơ cấu nguồn cung.

Lợi nhuận doanh nghiệp tăng vọt

Mặt bằng giá heo cao đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chăn nuôi tối ưu hóa lợi nhuận. Thống kê về kết quả kinh doanh nhóm doanh nghiệp chăn nuôi heo trong quý I/2025 cho thấy bức tranh tài chính khả quan, với nhiều đơn vị báo lãi tăng trưởng mạnh.

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC) dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận khi báo lãi ròng hơn 508 tỷ đồng, gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2024 và là mức lợi nhuận theo quý cao nhất từ trước đến nay. Dabaco cho biết, việc kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh tái đàn cùng với giá bán thuận lợi và sự cải thiện ở một số mảng kinh doanh khác như dầu thực vật đã đóng góp vào kết quả này.

Mảng nông nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) cũng ghi nhận lãi sau thuế 407 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng gấp đôi cùng kỳ. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch Trần Đình Long từng chia sẻ, nông nghiệp là mảng có tỷ suất lợi nhuận cao nhất của tập đoàn trong năm 2024. Riêng đàn heo nái gần 25.000 con đã mang về 125 tỷ đồng lợi nhuận cho HPG trong quý đầu năm.

CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (HOSE: BAF) báo lãi 132 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu giảm do chủ trương cắt giảm mảng kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, lợi nhuận từ hoạt động chăn nuôi heo cốt lõi lại cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Sản lượng heo bán ra trong kỳ của BAF đạt hơn 160.000 con, tăng gần 50%. Nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường hơn 100 tỷ đồng từ bán đất trong quý I/2024, lợi nhuận từ mảng chăn nuôi của BAF trong quý I/2025 đạt mức kỷ lục kể từ khi niêm yết.

Trong khi đó, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) ghi nhận lợi nhuận tăng 59% lên 341 tỷ đồng, nhưng đóng góp chủ yếu đến từ mảng kinh doanh chuối (doanh thu gần 1.000 tỷ đồng). Mảng chăn nuôi heo chỉ đóng góp 76 tỷ đồng doanh thu, giảm mạnh so với cùng kỳ do công ty đã thu hẹp quy mô đàn trong giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, HAG đã tập trung tái đàn trong năm 2024 và kỳ vọng kết quả sẽ cải thiện trong năm nay.

Ở nhóm doanh nghiệp chế biến, kết quả kinh doanh có sự phân hóa. Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan, UPCoM: VSN) báo lãi giảm 36% còn 19 tỷ đồng, do giá heo hơi đầu vào và chi phí thuê đất tăng. Ngược lại, CTCP Masan MeatLife (UPCoM: MML) ghi nhận lãi ròng 116 tỷ đồng, một bước tiến lớn so với khoản lỗ 43 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, nhờ tăng trưởng doanh thu ở các mảng thịt và tối ưu chi phí.

Triển vọng giá heo vẫn ở mức cao

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 9/5, ông Ngô Cao Cường, Phó Tổng Giám đốc BAF, nhận định giá thịt heo tại Việt Nam khó có khả năng xuống dưới mức 60.000 đồng/kg trong thời gian tới, thậm chí có thể duy trì hoặc tăng lên mức 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là tình hình dịch bệnh ASF vẫn phức tạp, ảnh hưởng đến tổng đàn. "Việt Nam hiện tại đã mất khoảng 20 - 30% tổng đàn, người dân chưa thể tái đàn vì chi phí con giống cao, trong khi các công ty lớn như BAF thì không bán con giống ra ngoài," ông Cường phân tích.

Về tác động của thịt heo nhập khẩu, đại diện BAF cho rằng sẽ không ảnh hưởng lớn đến giá thị trường nội địa do thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn ưu tiên thịt tươi (thịt nóng), trong khi thịt nhập khẩu chủ yếu là thịt đông lạnh.