Lỗ 5 quý liên tiếp
Báo cáo tài chính quý 2/2025 của Foodcosa cho thấy một bức tranh kinh doanh kém khả quan. Công ty ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 5,2 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ gần 300 triệu đồng của cùng kỳ năm 2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Foodcosa lỗ hơn 6 tỷ đồng. Kết quả này đảo ngược hoàn toàn so với khoản lãi nhỏ 8 triệu đồng mà công ty đạt được trong nửa đầu năm 2024.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên đến từ sự sụt giảm mạnh của hoạt động kinh doanh cốt lõi. Doanh thu thuần trong quý 2 và cả 6 tháng đầu năm đều lao dốc 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tạo ra không đủ để bù đắp các chi phí vận hành, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp.
Trong nửa đầu năm, chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng 15%, lên gần 36 tỷ đồng. Trong đó, các khoản thuế, phí và lệ phí chiếm tới 68% tổng chi phí này.
Trong văn bản giải trình, ban lãnh đạo Foodcosa cho biết công ty đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vốn lưu động nghiêm trọng. Các chi phí cố định như khấu hao, chi phí lao động và tiền thuê đất tăng cao tiếp tục là gánh nặng lớn. Dù các đơn vị trực thuộc đã chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh, việc thay đổi chiến lược tập trung vào hiệu quả thay vì doanh thu chưa thể mang lại kết quả tích cực.
Chuỗi thua lỗ kéo dài đã bào mòn nghiêm trọng sức khỏe tài chính của Foodcosa. Tại ngày 30/06/2025, khoản lỗ lũy kế của công ty đã lên tới gần 201 tỷ đồng.
Con số này đặc biệt đáng báo động khi so sánh với vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn vỏn vẹn 54,5 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là tổng lỗ lũy kế đã lớn gần gấp 4 lần vốn của các chủ sở hữu.
Nhìn vào bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của FCS đạt 715 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản cho thấy sự kém linh hoạt khi tài sản cố định chiếm tới 90% tổng tài sản. Lượng tiền gửi ngân hàng chỉ còn gần 13 tỷ đồng và hàng tồn kho là gần 18 tỷ đồng, cho thấy sự thiếu hụt vốn lưu động như công ty đã trình bày.
Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả là khoảng 661 tỷ đồng. Đáng chú ý, dư nợ vay tài chính rất thấp, chỉ 900 triệu đồng. Gánh nặng chính đến từ khoản "phải trả dài hạn khác" lên tới 569 tỷ đồng.
Biến động thượng tầng và giá cổ phiếu
Trong khi kết quả kinh doanh đi xuống, cổ phiếu FCS trên thị trường lại có một giai đoạn biến động mạnh. Chỉ trong vòng 1 tháng (từ tháng 5 đến đầu tháng 6), giá cổ phiếu FCS đã tăng gần gấp đôi, từ vùng 5.500 đồng/cổ phiếu lên gần 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó giá đã điều chỉnh và hiện giao dịch dưới mức 7.000 đồng/cổ phiếu.
Sóng giá này đi cùng với sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông lớn. Cụ thể, ngày 05/06/2025, Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 (UPCoM: TL4) đã mua vào hơn 2,7 triệu cổ phiếu FCS, tương đương 9,22% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn.
Giao dịch này diễn ra cùng ngày bà Phan Thị Bích Tuyên, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Foodcosa, bán ra toàn bộ 2,6 triệu cổ phiếu FCS (tỷ lệ 8,83%) đang nắm giữ.
Sau thương vụ, cơ cấu cổ đông lớn của Foodcosa bao gồm Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2, mã VSF) nắm gần 60% vốn, CTCP Đầu tư Song Mộc nắm hơn 24% vốn và cổ đông mới là TL4 với 9,22% vốn.