Hành động quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông

(Chinhphu.vn) - Chiều 16/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I/2025; phương hướng nhiệm vụ quý II/2025.
Hành động quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là "cuộc chiến" cần được triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao nhất - Ảnh: VGP/Minh Khôi

 Nhiệm vụ đặt ra rất rõ ràng

Khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện các luật mới về trật tự, an toàn giao thông.

Do đó, Hội nghị không chỉ sơ kết công tác quý I/2025, mà cần nhìn lại toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian qua; tập trung phân tích những tồn tại, yếu kém, xác định nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể, từ đó, xây dựng phương hướng nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2025, thậm chí một số việc cần định hướng tới năm 2026, với tiến độ, giải pháp và phân công rõ ràng.

"Nhiệm vụ đặt ra rất rõ ràng. Đó là phải kéo giảm thực chất số vụ tai nạn giao thông. Những con số về tai nạn, thương vong, thiệt hại tài sản... là thách thức trực diện đối với công tác bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân; ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội. Chúng ta cần đổi mới tư duy, phương pháp để công việc thực sự đi vào thực chất", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đang có sự sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, các mô hình ủy ban phối hợp liên ngành như Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cũng cần được rà soát, điều chỉnh để hoạt động đảm bảo thực chất, có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng và hiệu quả. Đặc biệt, các bộ, ngành thành viên Ủy ban cần xác định rõ vai trò của người trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách, "không thể xem đây là tổ chức tư vấn, họp rồi để đó".

Hành động quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho rằng tình hình trật tự, an toàn giao thông có cải thiện nhưng vẫn rất đáng lo ngại về số vụ tai nạn, số người chết, tình trạng ùn tắc giao thông, hành vi chống người thi hành công vụ,… - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Nguyên nhân chủ yếu nằm ở phương tiện và người điều khiển

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Lê Kim Thành cho biết, quý I/2025 là giai đoạn đầu tiên triển khai các quy định mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông Đường bộ, Luật Đường bộ và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Các bộ, ngành đã triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp trong Luật, văn bản dưới luật và đạt được nhiều kết quả rất tích cực.

Trong quý I/2025, toàn quốc xảy ra 4.760 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.615 người, bị thương 3.186 người. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 1.833 vụ (-27,8%), giảm 215 người chết (-7,6%), giảm 2.003 người bị thương (-38,6%); công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp cao điểm 30/4-1/5 đã có nhiều kết quả tích cực. Tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí; số vụ vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, tiếp tục giảm.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chủ động giải quyết những vấn đề nóng, phức tạp theo 6 nhóm chuyên đề. Kết quả, đã xử lý vi phạm trên 800.000 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; phạt hơn 1,7 tỷ đồng, tước gần 10.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ hơn 230.000 phương tiện các loại.

Bộ Xây dựng đã triển khai 3 nội dung thanh tra, kiểm tra liên quan đến công tác vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo kế hoạch. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện 4.500 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 1.400 vụ vi phạm, xử phạt trên 12,6 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng đã tổng rà soát, giải quyết bất cập của hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, cấp phép, bố trí các điểm dừng, đỗ, trông giữ xe... gây xung đột giao thông.

Bên cạnh đó, toàn quốc đăng ký mới 122.422 xe ô tô, 542.352 xe mô tô; hiện có 286 cơ sở đăng kiểm đang hoạt động với 474 dây chuyền kiểm định. Từ ngày 1/3/2025, công an các địa phương đã tiếp nhận 119.845 hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe của người dân... Ủy ban đã phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Ủy ban, các cơ quan báo chí, địa phương đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự, an toàn giao thông theo nhiều hình thức.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, tình hình trật tự, an toàn giao thông có cải thiện nhưng vẫn rất đáng lo ngại về số vụ tai nạn, số người chết, tình trạng ùn tắc giao thông, hành vi chống người thi hành công vụ,… Một số vụ tai nạn rất nghiêm trọng cho thấy nguyên nhân chủ yếu nằm ở phương tiện và người điều khiển.

Hành động quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông- Ảnh 3.
Hành động quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông- Ảnh 4.
Hành động quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông- Ảnh 5.
Hành động quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông- Ảnh 6.

Các đại biểu đã phân tích những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chính gây ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số người thương vong - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tăng cường ứng dụng công nghệ để giám sát, cảnh báo sớm

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành phố (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng...) đã báo cáo, phân tích những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chính gây ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số người thương vong.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp do quy mô dân số và phương tiện lớn. Hạ tầng giao thông chỉ tăng khoảng 0,3%/năm trong khi đó, số lượng phương tiện tăng trung bình 5%/năm, riêng ô tô tăng tới 10%/năm.

Vì vậy, TP. Hà Nội đang tập trung phát triển kết nối hạ tầng giao thông (bao gồm cả đường bộ, đường sắt, các tuyến vành đai và trung tâm); tăng tỉ lệ vận tải công cộng; tổ chức, điều hành giao thông thông minh.

"Thành phố đề xuất phối hợp cùng TPHCM và các bộ, ngành liên quan để xây dựng mô hình thành phố an toàn giao thông, hướng tới phát triển toàn diện giao thông văn minh, hiện đại, an toàn và thông minh", ông Dương Đức Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai đề án kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông và phân vùng phát thải thấp tại khu vực trung tâm, dần mở rộng ra các vành đai 1, 2, 3 và 4.

Thông tin về tình hình trật tự, an toàn giao thông, ùn tắc giao thông và một số nhiệm vụ trọng tâm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép được thí điểm mô hình xã/phường an toàn giao thông tại khoảng 10% tổng số xã/phường trên địa bàn; đồng thời sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết về mô hình Ban An toàn giao thông trong thời gian tới để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong công tác phối hợp...

Phân tích về một số bất cập, tồn tại, hạn chế nổi bật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn tới tai nạn giao thông vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Một ví dụ điển hình là tình trạng học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy khi chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép. Mặc dù đã có các chiến dịch kiểm tra, xử lý, tuy nhiên sau khi lực lượng chức năng rút đi, vi phạm lại tái diễn.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm kiến nghị xây dựng khung pháp lý cho việc áp dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo nhằm giám sát, cảnh báo sớm và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Các đối tượng trọng điểm như xe khách, xe tải – khi gây tai nạn thường để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng – cần được kiểm soát chặt chẽ về hành trình, thời gian lái xe, hành vi lái xe như buồn ngủ, sử dụng điện thoại, rượu bia...

Đáng chú ý, Bộ Công an đang xây dựng đề án quy hoạch hệ thống camera giám sát toàn quốc, kết nối tập trung về trung tâm chỉ huy của lực lượng Cảnh sát giao thông. Mô hình này yêu cầu các tỉnh, thành đầu tư thiết bị theo quy hoạch chung, đảm bảo đồng bộ, kết nối và chia sẻ dữ liệu. Trung tâm giám sát sẽ có lực lượng chuyên trách xử lý vi phạm qua hình ảnh, đảm bảo xử phạt nguội hiệu quả, hỗ trợ điều tiết, phân luồng giao thông kịp thời.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị các địa phương phải chủ động, tích cực và quyết liệt để giữ vững kết quả bảo đảm an toàn giao thông trong quý tới và các thời gian tiếp theo; khẩn trương khắc phục các bất cập, tồn tại bất hợp lý như hệ thống biển báo, bến xe, giao thông đường thủy... đã được phân cấp, phân quyền.

Hành động quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông- Ảnh 7.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần ưu tiên thực hiện: Kéo giảm tai nạn giao thông; chống ùn tắc giao thông; giải quyết ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông - Ảnh: VGP/Minh Khôi

 Quyết tâm, quyết liệt cao nhất để tạo chuyển biến thực chất trong thời gian ngắn nhất

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là "cuộc chiến" cần được triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

"Mặc dù các tiêu chí (số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương) giảm nhưng con số thiệt hại về người, tài sản vẫn ở mức kinh khủng, gây tổn thương tinh thần lâu dài cho các gia đình và xã hội. Cùng với đó, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông cũng là những vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết dứt điểm", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và mong muốn "các thành viên của Uỷ ban phải là những người trăn trở nhất, suy nghĩ nhiều nhất và hành động quyết liệt nhất. Cuộc chiến này nhất định phải thắng".

Phó Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần ưu tiên thực hiện: Kéo giảm tai nạn giao thông trên tất cả các lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không; chống ùn tắc giao thông; giải quyết ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông. Cùng với đó, các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đường thủy, đường bộ và hàng không, đặc biệt là tách bạch quản lý nhà nước về hàng không và an ninh hàng không; luật hóa trách nhiệm của các chủ đầu tư hạ tầng giao thông, đơn vị vận tải, chính quyền địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng quy hoạch hạ tầng giao thông quốc gia, bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hạ tầng, thông tin tín hiệu, điểm dừng đỗ, điểm cấp năng lượng xanh; xem xét, thống nhất lại hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn hạ tầng và triển khai khắc phục các tồn tại hiện nay.

"Khẩn trương xử lý các "điểm đen" giao thông, nhất là các giao cắt đường bộ - đường sắt và các điểm đen do thiết kế hoặc công trình khác. Phải hoàn thành việc xử lý các điểm đen trong năm nay", Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ; đồng thời yêu cầu phối hợp với các địa phương đề xuất giải pháp khuyến khích đầu tư phương tiện công cộng và giảm phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng cường kiểm tra xử lý các tồn tại, bất cập về hạ tầng do công trình, biển báo gây mất tập trung, nơi cho dừng đỗ xe gần khu dân cư; các điểm trông giữ xe trái phép.

Về giảm ô nhiễm môi trường do khí thải phương tiện giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương hoàn thiện, ban hành quy chuẩn khí thải đối với các phương tiện đang lưu hành, để thực hiện đồng thời với quy chuẩn khí thải đối với phương tiện nhập khẩu và sản xuất trong nước của Bộ Xây dựng. Các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cần mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn cao hơn, cơ chế đặc thù về thuế, phí, hạn ngạch phương tiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh; đồng thời rà soát quy định đối với học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện, yêu cầu các em phải có kiến thức pháp luật và nhận thức rủi ro như người điều khiển xe máy thông thường.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về kiến thức pháp luật cũng như nguy cơ khi tham gia giao thông hàng ngày.

Các địa phương, đặc biệt Hà Nội, TPHCM, tập trung xử lý các "điểm đen" thuộc phạm vi quản lý của địa phương, đưa vào dự án và bố trí ngân sách xử lý dứt điểm; đồng thời kiểm tra các điểm trông giữ xe, đặt biển quảng cáo gây mất an toàn giao thông.

Cho rằng "phải nhìn thẳng vào nguyên nhân gốc rễ là người tham gia giao thông chưa ý thức đầy đủ hậu quả từ hành vi của mình", Phó Thủ tướng đề nghị đưa các vi phạm giao thông của cán bộ, đảng viên vào đánh giá kiểm điểm đạo đức; công khai các trường hợp vi phạm nghiêm trọng như uống rượu bia khi lái xe, lái xe quá tốc độ; bổ sung thêm các hình thức xử lý khác để răn đe, nâng cao văn hóa, đạo đức, trách nhiệm...

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm, quyết liệt cao nhất để tạo chuyển biến thực chất trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong thời gian ngắn nhất.

Minh Khôi