Hoàn thiện pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật được xây dựng nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục đầu tư, tài chính, ngân sách 

Ngày 17/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật).

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật được xây dựng nhằm đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách.

Hoàn thiện pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách- Ảnh 1.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Dự thảo Luật tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc hoàn thiện pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách, nhất là pháp luật trong các lĩnh vực như đầu tư, đấu thầu, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý sử dụng tài sản công rất được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện Luật này còn tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và được quy định tại nhiều văn bản như: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 về hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm sắp tới…

Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ: “Trước sự thay đổi của tình hình kinh tế-xã hội, các văn bản pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách và đã xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết mục đích xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước; Đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bổ sung nội dung cấp bách để tháo gỡ vướng mắc

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển
 16/05/2025 18:14
Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch được giaoCác địa phương hỗ trợ nhau trong bảo đảm nguồn cung vật liệu cho các dự án đầu tư côngCác địa phương hỗ trợ nhau trong bảo đảm nguồn cung vật liệu cho các dự án đầu tư công
 14/05/2025 21:40

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát thận trọng, bám sát mục tiêu sửa đổi luật, tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cấp bách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ; nhằm bảo đảm tạo điều kiện, thủ tục thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đồng thời, bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, có cơ chế hậu kiểm minh bạch, hiệu quả, tránh tạo kẽ hở và lợi dụng chính sách.

Cụ thể, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung lớn như: về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, quy định theo hướng cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của gói thầu, dự án để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, có thể tạo điều kiện rút ngắn thời gian hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách, nhưng dễ dẫn đến phát sinh cơ chế xin-cho, trục lợi chính sách, giao thầu, chỉ định thầu trong phạm vi hẹp cho một số doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thân hữu, dẫn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có điều kiện tiếp cận việc mua sắm công, tham gia các dự án đầu tư công.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động chính sách, báo cáo rõ về cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn để Quốc hội xem xét, quyết định.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cân nhắc kỹ đề xuất bỏ quy định cấm áp dụng hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án PPP và không yêu cầu phải bảo đảm quyền lựa chọn của người sử dụng dịch vụ đối với trường hợp cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ cao tốc sẵn có hoặc đường bộ đang khai thác được cải tạo, nâng cấp thành đường cao tốc, bổ sung đánh giá tác động đầy đủ và quy định trong Dự thảo Luật bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân…

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, dù đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí bổ sung 2 nội dung mới là “chính sách đối với các dự án đầu tư công đặc biệt” và “nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng” nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể để thực hiện, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật…

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thống nhất với đề xuất sửa đổi, bổ sung tại các Luật này, trong đó, tập trung về chế độ ưu đãi đối với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… thế nhưng, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định cụ thể để bảo đảm chặt chẽ; tăng cường cơ chế giám sát, hậu kiểm, cơ chế xử lý các rủi ro phát sinh để bảo đảm minh bạch, tránh lợi dụng chính sách.

Phương Liên