Tháng Năm, về Dục Thanh bồi hồi nhớ Bác

16/05/2024 16:14

Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, người dân trên mọi miền Tổ quốc lại trào dâng lòng thành kính, nhớ Bác khôn nguôi.

Chú thích ảnh Khu di tích Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 

Riêng đối với những người con Bình Thuận, niềm tưởng nhớ ấy lại càng thêm bồi hồi, tự hào bởi vùng đất này là nơi Người đã từng sống, dạy học trước khi bắt đầu hành trình 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường giải phóng dân tộc.

Nơi lưu giữ “dấu chân” Người

Khoảng đầu tháng 9/1910, trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn tìm cách đi sang Pháp và các nước phương Tây tìm đường cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã chọn Phan Thiết làm điểm dừng chân. Tại đây, Người xin dạy học tại Trường Dục Thanh đến tháng 2/1911. Sau đó, Người vào Sài Gòn và đến ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước.

Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, trong thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), lúc đầu, thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang - là một trong các thành viên sáng lập Trường Dục Thanh. Sau đó, Người chuyển ra ở cùng học sinh nội trú của trường tại nhà Ngư trong khuôn viên trường.

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành được phân công dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp Nhì; phụ trách thể dục buổi sáng cho trường; chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh trong các hoạt động ngoại khóa của trường…

Mặc dù việc dạy học chỉ là tạm thời nhưng thầy giáo Nguyễn Tất Thành rất yêu quý học trò, nhiệt tình truyền dạy cho các em tình yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên và những suy nghĩ về vận mệnh đất nước. Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rất say mê đọc sách. Từ đó, Người tiếp cận được thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái... Đây cũng là thời điểm Người nghiên cứu, tìm hiểu kỹ tình hình và điều kiện chuẩn bị cho cuộc hành trình vào Sài Gòn, vượt đại dương, bôn ba tìm đường cứu nước.

Chú thích ảnh Khuôn viên bên trong Khu di tích Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 

Khi rảnh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành lại chăm sóc cây cối trong vườn. Người còn học hỏi ngư dân địa phương cách đánh bắt cá, xác định phương hướng khi đi biển, chống say sóng…

Đến nay đã 113 năm ngày Người rời mái trường Dục Thanh nhưng những kỷ vật, nơi làm việc, sinh hoạt của Người vẫn được gìn giữ vẹn nguyên. Ngoài lớp học với mái ngói đơn sơ được bao bọc bởi các bức tường gỗ giản dị, hiện Khu di tích Dục Thanh còn lưu giữ nhiều đồ vật quý Người từng sử dụng như: Bộ bàn ghế Bác ngồi giảng bài, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác để tư trang cá nhân, tráp văn thư…

Trong khuôn viên Khu di tích, cây khế năm xưa thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường hay tưới nước, chăm sóc đến bây giờ vẫn được chăm sóc, xanh tốt và được người dân gọi là cây khế Bác Hồ. Hay, giếng nước năm xưa Bác dùng cho sinh hoạt vẫn còn gìn giữ. Tất cả được lưu giữ nguyên vẹn như chính tình cảm của người con Bình Thuận dành cho vị cha kính yêu của dân tộc. Đó còn là minh chứng cho cuộc đời, sự nghiệp của Người trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

“Địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn

Chú thích ảnh Lớp học nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại trường Dục Thanh. 

Trường Dục Thanh xưa, nay là Khu di tích Dục Thanh không chỉ điểm tham quan du lịch mà còn trở thành “địa chỉ đỏ” không thể thiếu trong hành trình về nguồn; nơi sinh hoạt chính trị, giáo dục tư tưởng của bao thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những ngày này, khi về Dục Thanh để viếng Bác trong lòng mỗi người lại có một cảm xúc bồi hồi khó tả.

Chị Ngô Minh Đăng Trâm, công tác tại Trung tâm chính trị Thành ủy Phan Thiết chia sẻ, chị thường xuyên đưa đoàn đến Khu di tích Dục Thanh để viếng Bác, sinh hoạt chính trị nhưng lần nào cũng vậy, cảm xúc vẫn luôn đong đầy về Người.

Chú thích ảnh Giếng nước trước đây Bác dùng để sinh hoạt tại trường Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 

Chị tự hào vì là người con của Bình Thuận - nơi Bác đã dừng chân dạy học và để lại cho người dân Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung một tấm gương sáng về đạo đức, lối sống giản dị, gần gũi với con người, thiên nhiên. Bản thân chị rất tự hào là thế hệ tiếp nối, được học tập và làm theo đạo đức sáng ngời Hồ Chí Minh.

Ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến Khu di tích này để viếng Bác, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Em Lê Đăng Khoa, sinh viên Trường Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, em đến Phan Thiết để du lịch và Khu di tích Dục Thanh là điểm đến được lựa chọn đầu tiên vì thời điểm này cả nước đang hướng về kỷ niệm sinh nhật Bác. Trước đây, qua tài liệu lịch sử, sách báo, em được biết, Bác từng dừng chân dạy học ở Phan Thiết trước khi lên đường bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước. Nay được tận mắt đến và xem những hiện vật, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Người, em càng dâng lên lòng biết ơn, kính trọng và yêu quý Bác. Em nguyện học tập chăm chỉ, phấn đấu rèn luyện trở thành công dân tốt.

Chú thích ảnh Ngoạ Du Sào, nơi Bác nghỉ ngơi, đọc sách và làm việc trong thời gian dạy học ở trường Dục Thanh. 

Bác Hồ không chỉ hiện hữu trong tim những người con đất Việt mà đối với bạn bè quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ kiệt xuất, một nhân vật lịch sử được yêu thích khắp năm châu.

Em Phosesavanh, sinh viên đến từ Lào bày tỏ tình cảm yêu mến và sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại khi đến viếng Bác và tham quan Khu di tích Dục Thanh. Theo em, Chủ tịch Hồ Chí Minh được yêu quý không chỉ bởi tài năng lỗi lạc mà còn bởi phẩm chất đạo đức sáng ngời.

Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, nơi đây đón hơn 48.700 lượt khách đến tham quan. Trong đó, có nhiều đoàn khách quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức, Lào, Nga…

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) và 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2024), Bảo tàng tổ chức, phục vụ chu đáo các đoàn trường học, cơ quan, đơn vị tổ chức dâng hương, báo công dâng lên Bác... Ngoài ra, Bảo tàng tổ chức triển lãm ảnh chủ đề “Cuộc sống đời thường của Bác Hồ” phục vụ người dân và du khách.

Bạn đang đọc bài viết "Tháng Năm, về Dục Thanh bồi hồi nhớ Bác" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).