Không để lợi dụng vấn đề "song tịch" nhằm trốn tránh nghĩa vụ công dân

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho rằng cần quy định rõ các nội dung cơ bản liên quan đến việc xác định nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi đồng thời mang quốc tịch nước ngoài.

Chiều 17/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Sửa các quy định liên quan đến nhập, thôi, trở lại quốc tịch 

Tham gia góp ý, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng thường trực Bộ Công an (đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh sự cấp thiết của việc sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam, Thượng tướng Trần Quốc tỏ cho biết, dự án luật sửa đổi được xây dựng trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục duy trì nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam.

Đồng thời, cũng mở ra hướng giải quyết những vướng mắc đang tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về quốc tịch. Trong đó, tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến nhập, thôi, trở lại quốc tịch và những hệ lụy pháp lý phát sinh.

Không để lợi dụng vấn đề "song tịch" nhằm trốn tránh nghĩa vụ công dân- Ảnh 1.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng thường trực Bộ Công an (đoàn Bắc Ninh) (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông Tỏ đề nghị cần bổ sung các đánh giá chi tiết về tính tương thích, sự đồng bộ của quy định về nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Mặt khác, cần quy định rõ các nội dung cơ bản liên quan đến việc xác định nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi đồng thời mang quốc tịch nước ngoài.

Ông cho rằng, nội dung quy định trong dự thảo Luật nới lỏng chính sách cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài, đơn giản hóa các thủ tục xin nhập/xin trở lại quốc tịch Việt Nam có thể gây ra những khó khăn trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Đơn cử như, khi người Việt Nam nhập cảnh bằng hộ chiếu nước ngoài, thông tin nhập cảnh sẽ là thông tin của người nước ngoài. 

Do đó, họ phải thực hiện khai báo tạm trú theo quy định, thời gian lưu trú tại Việt Nam sẽ theo thời hạn chứng nhận tạm trú và các hoạt động phải tuân theo mục đích nhập cảnh.

Nếu những người này vi phạm thời hạn tạm trú, cư trú kéo dài hoặc không thực hiện các trách nhiệm như: khai báo tạm trú, hoạt động sai mục đích nhập cảnh..., việc xử lý vi phạm sẽ gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong trường hợp áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Ngoài ra, trong các lĩnh vực như đầu tư, ngân hàng, thuế..., cũng có thể xảy ra tình trạng tương tự nếu công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu nước ngoài để đăng ký thực hiện các thủ tục.

Do vậy, ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh, tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý công dân, vấn đề xung đột pháp lý và xử lý vi phạm đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.

Từ đó, bảo đảm yêu cầu không để các đối tượng lợi dụng việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm đổi lại tài sản hoặc các quyền lợi khác, lợi dụng vấn đề "song tịch" để trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm công dân Việt Nam cũng như ở nước sở tại.

"Không để các nước lợi dụng chủ trương cởi mở, thông thoáng của Việt Nam nhằm đẩy đuổi các đối tượng bị trục xuất, không xác định được quốc tịch hoặc có hoạt động chống phá trong cộng đồng người gốc Việt về Việt Nam, lợi dụng vấn đề bảo hộ công dân để tạo cớ can thiệp, gây sức ép với Việt Nam", ông Tỏ nhấn mạnh.

Bảo hộ công dân đa quốc tịch

Tham gia góp ý kiến, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc thừa nhận nguyên tắc đa quốc tịch là bước tiến phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và thông lệ pháp lý của nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp.

"Đây cũng là chính sách nhân văn, giúp duy trì mối liên hệ giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài với Tổ quốc", bà Hà nói.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo hiện vẫn còn thiếu một nội dung rất quan trọng quy định về bảo hộ công dân trong trường hợp đa quốc tịch.

Không để lợi dụng vấn đề "song tịch" nhằm trốn tránh nghĩa vụ công dân- Ảnh 2.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Ảnh: Media Quốc hội).

Thực tiễn quốc tế đã ghi nhận nhiều trường hợp xung đột ngoại giao phát sinh khi một công dân mang nhiều quốc tịch gặp vấn đề pháp lý ở nước thứ ba – lúc này có nhiều quốc gia cùng tuyên bố quyền bảo hộ, hoặc cũng có trường hợp không quốc gia nào đứng ra bảo hộ vì không xác định được quốc tịch "hiệu lực" tại thời điểm đó.

"Dự thảo cần bổ sung nguyên tắc về xác định quốc tịch hiệu lực trong trường hợp đa quốc tịch, làm cơ sở để Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo hộ công dân khi họ sinh sống, làm việc hoặc gặp rủi ro pháp lý ở nước ngoài", bà Trần Thị Nhị Hà kiến nghị.

Hai chính sách lớn trong việc nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam

Về hạn chế quyền của công dân đa quốc tịch, đại biểu cũng tán thành nguyên tắc quy định một số quyền và nghĩa vụ chỉ dành cho người có quốc tịch duy nhất là quốc tịch Việt Nam. Đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đếm an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Theo bà Hà, đây là thông lệ được nhiều quốc gia áp dụng nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia trong bối cảnh công dân có thể mang nhiều quốc tịch. Tuy nhiên, phạm vi hạn chế trong dự thảo hiện nay vẫn quá rộng, cần được rà soát để bảo đảm tính hợp lý, khả thi.

Đơn cử như việc hạn chế quyền bầu cử trong khi đây là quyền công dân cơ bản, được Hiến pháp bảo đảm. Rất ít quốc gia trên thế giới cấm người có đa quốc tịch thực hiện quyền bầu cử nếu họ vẫn có quốc tịch và cư trú tại quốc gia đó.

Bên cạnh đó, quy định cấm người có nhiều quốc tịch làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập cũng chưa thuyết phục. Bà cho biết, các đơn vị sự nghiệp công lập như trường đại học, viện nghiên cứu không thuộc khu vực nhạy cảm về an ninh, trong khi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị cũng khuyến khích thu hút nhân tài trong đó có nhà khoa học nhập quốc tịch Việt Nam.

Từ đó, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị lược bỏ quy định hạn chế về quyền bầu cử và làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.