
Trong các thử nghiệm tiền lâm sàng, các nhà khoa học phát hiện rằng chỉ sau 2 ngày tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa, thì mức protein IL-22, một thành phần quan trọng giúp duy trì sức khỏe đường ruột và kiểm soát viêm nhiễm, đã giảm đáng kể. Mặc dù bên ngoài vẫn có vẻ khỏe mạnh, nhưng các mẫu chuột được lựa chọn tham gia nghiên cứu cho thấy những dấu hiệu viêm nhiễm ở cấp độ vi mô của vật chất và chức năng đường ruột suy giảm.
Theo ông Cyril Seillet, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, chất béo bão hòa càng nhiều thì phản ứng viêm tích tụ càng lớn, dần dần làm suy yếu hàng rào bảo vệ đường ruột và khiến cơ thể dễ mắc các bệnh viêm mạn tính.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chế độ ăn giàu chất béo không bão hòa chẳng hạn như từ các loại hạt và quả bơ không chỉ hạn chế viêm nhiễm mà còn kích thích cơ thể sản xuất nhiều IL-22 hơn, qua đó củng cố hàng rào bảo vệ đường ruột.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm khả năng và phương thức phục hồi chức năng đường ruột ở chuột bằng cách bổ sung IL-22. Kết quả này mở ra triển vọng phục hồi sức khỏe đường ruột ở người.
Các nhà khoa học kỳ vọng những phát hiện nói trên sẽ giúp định hình lại hướng dẫn dinh dưỡng, tập trung vào việc hỗ trợ sức khỏe đường ruột một cách tự nhiên thông qua chế độ dinh dưỡng, đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn giàu chất béo không bão hòa và giảm chất béo bão hòa.
Theo giới nghiên cứu, tại Australia, ước tính cứ 3 người thì có một người đang sống chung với các bệnh viêm mạn tính chẳng hạn như bệnh celiac hay còn được biết đến là một dạng rối loạn tự miễn dịch lâu dài ảnh hưởng chủ yếu đến ruột non, hoặc các bệnh khác như viêm ruột và viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, cơ chế phát sinh những bệnh này vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí nghiên cứu miễn dịch học mang tên Journal of Immunity ngày 19/5. Nghiên cứu do WEHI phối hợp thực hiện cùng Đại học Monash, Viện Baker và Đại học Melbourne.