Theo báo cáo của HoREA, thị trường bất động sản cả nước và TP Hồ Chí Minh đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất từ năm 2024 và đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Năm 2025, đánh dấu sự tập trung triển khai nhiều luật mới liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng với các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại và Nghị quyết 201/2025/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Mặc dù có những tín hiệu tích cực, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh vẫn đối mặt với một số khó khăn lớn, đó là thiếu nguồn cung dự án dẫn đến thiếu sản phẩm nhà ở.
Đáng lo ngại là từ năm 2021 đến nay, các dự án nhà ở mới không còn nhà ở thương mại giá dưới 30 triệu đồng/m2 và rất thiếu nhà ở xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tất cả các dự án nhà ở đưa ra thị trường chỉ còn loại nhà ở cao cấp, không còn nhà ở trung cấp hay giá vừa túi tiền. Trong khi đó, giá căn hộ cao cấp năm 2024 lên đến 90 triệu đồng/m2, bình quân khoảng 9,7 tỷ đồng/căn, vượt quá khả năng tài chính của đa số người có thu nhập trung bình và thấp.
HoREA nhận định do “độ trễ” của cơ chế, chính sách, pháp luật và quy trình triển khai, thị trường bất động sản sẽ cần thêm thời gian để vươn dậy mạnh mẽ hơn, dự kiến từ nửa cuối năm 2026 trở đi.
Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề xuất Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hồ Chí Minh cần rà soát, trình danh mục 371 khu đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đăng ký thực hiện dự án thí điểm theo Nghị quyết 171/2024/QH15, bao gồm hơn 2.000 ha, cùng với 245 khu đất tại Bình Dương (cũ) nhằm tăng nguồn cung dự án và điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhà ở, góp phần kéo giảm giá nhà.
Về việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý, ông Châu đề nghị Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát khoảng 220 dự án vướng mắc pháp lý và 68 dự án nhà ở thương mại bị dừng hoặc chưa triển khai; đồng thời đề nghị Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh rà soát “tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm” theo hướng giảm, nên quy định tỷ lệ từ 0,25% đến 0,75% giá đất của Bảng giá đất ban hành theo Quyết định 79/2024/QĐ-UBND cho những năm đầu thực hiện Luật Đất đai 2024.
Ông Lê Hoàng Châu cũng đề xuất áp dụng “phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất” để tính tiền sử dụng đất các dự án nhà ở thương mại. Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nên tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện quy trình, thủ tục đối với dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết 201/2025/QH15 và Nghị định 192/2025/NĐ-CP để đạt mục tiêu 100.000 căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, hiện kết quả phát triển nhà ở xã hội đạt rất thấp, chỉ 205.000 m2 sàn xây dựng (tương đương 4.100 căn hộ), mới đạt khoảng 11,7% kế hoạch 35.000 căn hộ giai đoạn 2021 - 2025, vì vậy cũng cần kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp bất động sản tích cực tham gia để thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của TP Hồ Chí Minh.