
Chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thông suốt
Từ ngày 1/7/2025, cả nước đã đồng loạt vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Tại trụ sở các phường, xã, trung tâm phục vụ hành chính công của 34 tỉnh, thành phố bắt đầu thực hiện mô hình hoạt động mới với những thay đổi mang tính lịch sử, không khí tại các cơ quan hành chính diễn ra thuận lợi, nghiêm túc, khẩn trương, cán bộ công chức bắt tay vào công việc với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm mọi hoạt động hành chính không bị gián đoạn. Người dân đến giao dịch được hướng dẫn chu đáo, thủ tục được giải quyết nhanh chóng, không phải chờ đợi lâu.
Các địa phương cũng đồng loạt triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm vận hành bộ máy hiệu quả, ổn định như bố trí phương tiện đi lại đưa đón cán bộ, công chức làm việc giữa các trụ sở hành chính trên địa bàn tỉnh, thành phố mới; tổ chức tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã; bố trí cán bộ, công chức có kinh nghiệm hướng dẫn trực tiếp cho cán bộ, công chức mới tiếp nhận công việc...
Ngày 1/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp đi kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp của TP Hà Nội tại xã Phúc Thịnh; phường Tây Hồ và Trung tâm phục vụ hành chính công. Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế cơ sở hạ tầng và việc ứng dụng làm việc trên môi trường mạng trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đánh giá bước đầu, hoạt động của các đơn vị hành chính mới liên tục, thông suốt, mọi thủ tục của người dân đều được cán bộ tiếp nhận, xử lý khẩn trương, hiệu quả.
Tổng Bí thư yêu cầu đội ngũ cán bộ công chức tiếp tục triển khai công việc không để gián đoạn; đảm bảo lấy người dân làm trung tâm; đội ngũ cán bộ được giao trọng trách ở các địa phương cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến, bản lĩnh chính trị, trí tuệ và đạo đức công vụ và trở thành người tiên phong trong đổi mới tư duy quản lý, lấy hiệu quả phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất; chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, chuyển từ “làm hết trách nhiệm” sang “làm đến nơi đến chốn”, làm cho dân tin, dân thuận, dân ủng hộ.
Tại TP Hồ Chí Minh, sau tuần đầu hợp nhất và vận hành chính quyền 2 cấp, Thành phố bước đầu đã hoàn thành giai đoạn I của sắp xếp cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ máy chính quyền bước vào giai đoạn II tinh gọn, vận hành hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hội đồng nhân dân 168 xã, phường và đặc khu của TP Hồ Chí Minh mới cũng đã họp kỳ họp đầu tiên, quyết định các vấn đề hệ trọng của địa phương...

Tại cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công việc theo thẩm quyền của 2 cấp (tỉnh, xã) thông suốt, không để chậm trễ, không để sót việc, mục tiêu xuyên suốt là phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cấp xã khi vận hành bộ máy mới; tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân nắm được những quy định mới và địa điểm, cách thức làm việc mới của bộ máy cơ quan Nhà nước ở địa phương; củng cố và duy trì sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân đối với việc triển khai đơn vị hành chính 2 cấp...
Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Trong tuần, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 227/2025/QH15 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết về chất vấn tại Kỳ họp thứ 9. Trong Nghị quyết số 227 có các nội dung như: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tinh gọn, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia và địa phương, tái cấu trúc toàn diện không gian phát triển đất nước.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành theo thẩm quyền các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức liên quan tập trung sắp xếp, kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy để chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; có cơ chế, chính sách quan tâm, hỗ trợ, động viên kịp thời các đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Quốc hội cũng đã thông qua 34 Luật và 34 Nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 6 dự án luật; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, nhất quán, hiệu lực, hiệu quả…
Đặc biệt, trong nội dung Nghị quyết, Quốc hội đã quyết định Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031 vào Chủ nhật ngày 15/3/2026; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia để triển khai các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031.
EVN giải thích việc tiền điện tháng 6 tăng đột biến
Trong tuần qua, trước việc người dân phản ánh tiền điện tháng 6/2025 tăng vọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã yêu cầu các đơn vị về việc tuyên truyền về hóa đơn tiền điện tháng 6/2025. EVN đã yêu cầu các Tổng công ty điện lực thực hiện ngay việc rà soát và cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời tới khách hàng; rà soát các trường hợp khách hàng có sản lượng điện năng hoặc số tiền thanh toán tăng bất thường trong kỳ hóa đơn tháng 6/2025 và kịp thời cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng cho khách hàng…

Theo giải thích của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), điều kiện thời tiết cực đoan là nguyên nhân khiến nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là điện sinh hoạt, tăng cao đột biến. Tháng 6 hàng năm thường là cao điểm của mùa nắng nóng, và năm nay, khu vực miền Bắc đã phải trải qua 3 đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài trên diện rộng với nền nhiệt có thời điểm lên tới trên 40°C. Nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến dẫn tới hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng mạnh, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
Trong tháng 6/2025, sản lượng điện thương phẩm tại 27 tỉnh, thành phố phía Bắc (trừ Hà Nội) đạt 9,85 tỷ kWh, mức cao nhất trong các Tổng công ty phân phối thuộc EVN. Đặc biệt, ngày 2/6, sản lượng tiêu thụ điện lập kỷ lục với 373,6 triệu kWh/ngày.
EVN thông tin, chỉ một thay đổi nhỏ về nhiệt độ cài đặt điều hòa cũng có thể tạo ra khác biệt lớn trên hóa đơn tiền điện, chưa kể các thiết bị cũ, kém hiệu suất cũng khiến điện năng bị tiêu hao nhiều hơn...
Sửa Nghị định 15/CP sau hàng hoạt vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả

Trước hàng loạt vụ việc các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng vi phạm được phát hiện gần đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã thống nhất bổ sung vào dự thảo Nghị định các nội dung để đảm bảo các yêu cầu trong tình hình mới.
Trong Dự thảo Nghị định 15/CP sửa đổi đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến việc tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm, hậu kiểm hồ sơ, lấy mẫu giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường. Dự thảo cũng bổ sung quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm, tránh tình trạng tổ chức, cá nhân công bố sai nhóm sản phẩm, tự xác định thành phần thực phẩm bổ sung và tự công bố, phóng đại tính năng, công dụng sản phẩm; quy định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm nhằm kiểm soát việc phối hợp thành phần, các chỉ tiêu an toàn và chất lượng sản phẩm, tính năng, công dụng sản phẩm từ khi nghiên cứu phát triển sản phẩm đến khi đăng ký trước khi lưu thông trên thị trường…
Đặc biệt, Dự thảo cũng bổ sung quy định về hậu kiểm an toàn thực phẩm; các quy định đối với các bên tham gia quảng cáo sản phẩm; đặc biệt là trách nhiệm cụ thể của một số bộ ngành liên quan trong công tác quản lý an toàn thực phẩm…
Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2025 - 2026

Trong tuần, ngày 4/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2025-2026; đồng thời, công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào 4 trường THPT chuyên gồm: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT chuyên Chu Văn An và THPT chuyên Sơn Tây.
Trong đó, một số trường không chuyên có điểm trúng tuyển cao trên 25 điểm như: THPT Yên Hòa (25 điểm), THPT Kim Liên (25,5 điểm), THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông (25,5 điểm), THPT Phan Đình Phùng (25,25 điểm), THPT Việt Đức (25,25 điểm)...
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2025-2026, TP Hà Nội có 122 trường THPT công lập, gồm 4 trường chuyên và 119 trường không chuyên. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 của các trường gần 80.000 học sinh; chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 trường công lập năm nay đạt 64%, tăng 3% so với năm học trước...