
Bờ kè sông Thạch Hãn đoạn qua khu phố Lập Thạch, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà đã bị đứt gãy, sạt trượt, sụt lún nghiêm trọng từ năm 2020, nhưng đến ngày 19/5/2025 vẫn chưa được khắc phục.
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, bờ kè bị hư hỏng nghiêm trọng dài khoảng 400m, ăn sâu vào sát vỉa hè đường Trần Thánh Tông; cây xanh, cột điện chiếu sáng có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào; những tấm bê tông gia cố bờ kè đã bị đứt gãy, sạt trượt xuống sông.
Nhiều chỗ bờ sông sạt lở vào sâu tạo hàm ếch hoặc phương thẳng đứng khoảng 3m; những vết nứt mới ở bờ kè này tiếp tục xuất hiện. Nếu không được khắc phục kịp thời, bờ kè có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình và người dân.
Ủy ban nhân dân phường Đông Lễ đã gửi tờ trình đến cấp trên xem xét khẩn trương khắc phục tuyến kè này. Nhận thấy tính cấp bách, thành phố Đông Hà bố trí vốn từ Dự án: “Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đông Hà”, vốn vay từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), để thực hiện khắc phục hư hỏng bờ kè sông Thạch Hãn đoạn qua khu phố Lập Thạch, trong thời gian tới.
Bờ sông Thạch Hãn (con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị) ngày càng bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là đoạn qua huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị với chiều dài 14,5 km, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ hộ dân và công trình.
Đáng chú ý, bờ sông Thạch Hãn đã được kè kiên cố nhiều đoạn nhưng vẫn bị sạt lở vào mùa mưa lũ gây hậu quả nghiệm trọng. Điển hình như giữa tháng 10/2022, sạt lở kè bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị đã khiến 1 người chết, 3 ngôi nhà cùng 2 hàng quán bị đổ sập. Năm 2024, tỉnh phải đầu tư 94 tỷ đồng đề xây dựng lại kè bờ sông Thạch Hãn đoạn qua địa phương này.

Hệ thống kè chống sạt lở bờ kênh ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng dài 380m đầu tư với số tiền hơn 3 tỷ đồng, đưa vào sử dụng tháng 9/2023. Mùa mưa lũ cuối năm 2024, bờ kè này bị sạt trượt, sụt lún hư hỏng nghiêm trọng, đến nay chưa thể khắc phục.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng, bờ kè này bị hư hỏng nghiêm trọng là do lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn, chảy xiết có vòng xoáy nên đã cuốn phần cát ở đáy kênh dẫn đến xói lở, cuốn trôi ống bi làm chân móng gây sạt lở bờ kè. Địa phương cũng đang xây dựng phương án để khắc phục tình trạng hư hỏng của hệ thống kè này trước mùa mưa lũ năm nay.