Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm thứ Ba (ngày 1/7) đã bỏ phiếu với tỉ lệ 7:2 đình chỉ chức vụ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra trong thời gian cân nhắc một kiến nghị có thể dẫn đến việc bà bị cách chức.
Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ do một Phó Thủ tướng tạm quyền lãnh đạo trong khi tòa án xem xét kiến nghị chống lại Thủ tướng.
Trong một tuyên bố, tòa án cho biết họ đã quyết định chấp nhận đơn kiến nghị do 36 Thượng nghị sĩ đệ trình vào tháng trước nhằm bãi nhiệm bà Paetaongtarn.
Các Thượng nghị sĩ cáo buộc bà Paetongtarn thiếu chính trực và vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức theo Hiến pháp Thái Lan liên quan đến cuộc điện đàm bị rò rỉ giữa bà và nhà lãnh đạo Campuchia Hun Sen.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sau cuộc họp Nội các tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok, ngày 1/7/2025. Ảnh: Nikkei Asia
Kể từ khi cuộc điện đàm bị rò rỉ hồi giữa tháng trước, chính phủ liên minh do Đảng Pheu Thai của bà Paetongtarn dẫn dắt phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng, mất thế đa số vững chắc trong Hạ viện sau khi một đối tác lớn trong liên minh cầm quyền chuyển sang phe đối lập.
Bản thân bà Paetongtarn phải đối mặt với lời kêu gọi từ chức ngày càng tăng. Sau khi bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ Thủ tướng, bà Paetongtarn vẫn giữ chức Bộ trưởng Văn hóa trong Nội các mới được cải tổ.
Chính phủ của bà Paetongtarn cũng đang phải vật lộn để phục hồi nền kinh tế trì trệ và mức độ ủng hộ bà đã giảm mạnh khi cuộc thăm dò ý kiến diễn ra từ ngày 19-25/6 được công bố vào cuối tuần cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà đã giảm xuống còn 9,2% từ mức 30,9% vào tháng 3.
Bà Paetongtarn không phải là người duy nhất gặp rắc rối. Cha bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, cũng đang phải đối mặt với những rào cản pháp lý tại 2 tòa án khác nhau trong tháng này.
Minh Đức (Theo NY Times, Japan Times)