Tổ hợp tác khai thác hải sản giúp ngư dân tăng thu nhập

Nhằm hỗ trợ các tàu cá trong khai thác, vận chuyển hải sản, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng, phát triển mô hình Tổ hợp tác khai thác hải sản giúp tăng lợi nhuận cho hoạt động khai thác xa bờ cũng như tạo điều kiện để các phương tiện đánh bắt vươn khơi, bám biển lâu hơn.
Chú thích ảnh Các thuyền đánh bắt hải sản neo đậu ở bên trong cống Rạch Bùn ở xã Tân Điền (Gò Công Đông, Tiền Giang) tiếp giáp với biển Gò Công.

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã thành lập được 43 tổ hợp tác khai thác hải sản với 392 tàu cùng 3.453 thuyền viên; 1 hợp tác xã khai thác hải sản với 7 tàu cùng 68 thuyền viên; 3 nghiệp đoàn khai thác hải sản với 98 tàu cùng 745 thuyền viên.

Hiệu quả của việc thành lập các Tổ đội hợp tác khai thác hải sản giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác cũng như tăng thời gian bám biển, giảm chi phí khai thác, tăng lợi nhuận tạo thu nhập ổn định cho các chủ phương tiện tàu cá cùng thuyền viên... Đặc biệt, các tàu tham gia tổ hợp tác khai thác hải sản sẽ hỗ trợ nhau kịp thời khi có thiên tai, tai nạn xảy ra trên biển cũng như trong phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

Là địa phương có thế mạnh về đánh bắt hải sản của tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông có 831 tàu cá đánh bắt xa bờ với sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt trên 10.000 tấn hải sản. Từ đầu năm đến nay, các tàu cá khai thác đạt sản lượng 20.708 hải sản các loại.

Chủ tịch huyện Gò Công Đông Lê Văn Sơn cho biết, để tăng cao hiệu quả khai thác, vận chuyển hải sản từ các ngư trường xa về đất liền, địa phương đã chỉ đạo UBND thị trấn Vàm Láng, xã Kiểng Phước, xã Tân Phước… trên địa bàn huyện phối hợp cùng ngành chức năng và ngư dân thành lập tổ hợp tác khai thác hải sản, tổ đoàn kết đánh bắt hải sản.

UBND thị trấn Vàm Láng phối hợp với Đồn Biên phòng Kiểng Phước vận động chủ tàu cá tham gia tổ hợp tác khai thác đánh bắt thủy sản và được ngư dân nhiệt tình hưởng ứng. Với 20 tổ hợp tác khai thác đánh bắt hải sản đã góp phần giảm chi phí trong những chuyến ra khơi, giúp các tàu khai thác hải sản có thể bám biển dài ngày hơn, đặc biệt tăng lợi nhuận từ những chuyến đánh bắt xa bờ.

Ông Lý Văn Liểng - Tổ trưởng Tổ hợp tác khai thác thủy sản Trường Duy, khu phố 2, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang chia sẻ, tổ của ông hiện có 15  tàu đánh bắt xa bờ với 85 thành viên đã giúp các tàu cá tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao hiệu quả cho những chuyến đánh bắt hải sản trên biển. Đặc biệt, tổ hợp tác sẽ có các tàu vận chuyển hải sản sau khi đánh bắt vào bờ với tần suất vào bờ thường xuyên hơn so với trước đây là vào bờ sau chuyến đánh bắt kết thúc (từ 2 - 3 tháng).

Trong quá trình đánh bắt trên biển, các tàu trong tổ hợp tác sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin về đàn cá để tham gia đánh bắt cũng như hỗ trợ dịch vụ hậu cần cho nhau từ việc vận chuyển sản phẩm vào bờ vận chuyển nhiên liệu cùng nhu yếu phẩm từ bờ ra cung ứng cho các thuyền đang bám biển... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, tiết kiệm nhiều chi phí, nhất là nhiên liệu.

Ông Trần Hoàng Nhật Nam - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tiền Giang đánh giá, mô hình các tổ hợp tác khai thác hải sản có các tàu tham gia làm dịch vụ hậu cần nghề cá với nhiệm vụ chủ yếu thu mua sản phẩm của các tàu cá khai thác trên biển, cung ứng nhiên liệu cho tàu khai thác. Từ đó, góp phần tạo điều kiện cho các tàu khai thác bám biển dài ngày, nâng cao sản lượng khai thác.

Tỉnh Tiền Giang cũng đã đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở cửa sông Soài Rạp kết hợp Cảng cá Vàm Láng nhằm tạo ra khu dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ nghề truyền thống đánh bắt hải sản địa phương phát triển ổn định và bền vững.