Trường hợp vận chuyển người bệnh được bảo hiểm y tế chi trả, ai cũng nên biết

Việc quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trả chi phí vận chuyển người bệnh góp phần giảm gánh nặng chi phí, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận y tế.

Theo quy định, quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí vận chuyển trong các trường hợp người tham gia BHYT thuộc các đối tượng theo quy định. Nghĩa là không phải ai cũng được thanh toán chi phí chuyển cơ sở khám chữa bệnh.

Những đối tượng được thanh toán chi phí này bao gồm: người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ dưới 6 tuổi, người được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng (người cao tuổi, khuyết tật, trợ giúp xã hội); người nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng khó khăn, thân nhân liệt sĩ…

Luật cũng quy định rõ chỉ thanh toán trong trường hợp cấp cứu, hoặc điều trị nội trú mà phải chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo đúng quy định.

Trường hợp vận chuyển người bệnh được bảo hiểm y tế chi trả, ai cũng nên biết - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Mức chi trả cụ thể, trong trường hợp các đối tượng trên sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở y tế trong trường hợp cấp cứu, chuyển cơ sở y tế, quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí cả hai chiều đi và về cho cơ sở y tế thực hiện vận chuyển.

Mức chi trả được tính bằng 0,2 lít xăng cho mỗi km, căn cứ theo khoảng cách thực tế giữa hai cơ sở khám chữa bệnh và giá xăng tại thời điểm chuyển viện.

Nếu trên xe có nhiều bệnh nhân cùng được vận chuyển thì chi phí vẫn chỉ được tính như vận chuyển một người. Việc chuyển bệnh nhân cũng cần được xác nhận bằng chữ ký của cơ sở tiếp nhận trên phiếu điều xe; trong trường hợp ngoài giờ hành chính phải có chữ ký của bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân.

Đối với những trường hợp không sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở y tế mà tự thuê xe hoặc đi bằng xe cá nhân, quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí vận chuyển một chiều (chiều đi) cho người bệnh.

Theo quy định, BHYT thanh toán chi phí vận chuyển chiều đi (theo hoá đơn vận chuyển) cho cơ sở tiếp nhận theo mức quy định. Cơ sở chỉ định chuyển người bệnh có trách nhiệm ghi nội dung người bệnh tự túc phương tiện vận chuyển trên phiếu chuyển.

Cơ sở tiếp nhận hoàn trả chi phí cho người bệnh căn cứ theo hóa đơn vận chuyển mà người bệnh cung cấp theo quy định và tổng hợp chi phí vận chuyển để thanh toán với cơ quan BHXH.

Hệ thống khám chữa bệnh tại Việt Nam hiện được tổ chức thành 3 cấp: ban đầu - cơ bản - chuyên sâu, thay vì theo 4 tuyến như trước đây (xã - huyện - tỉnh - trung ương). Việc vận chuyển người bệnh nay không còn được gọi là chuyển tuyến mà mở rộng ra là chuyển cơ sở khám chữa bệnh (chuyển viện).

Người bệnh có thể được chuyển giữa các cơ sở cùng cấp, từ cấp ban đầu lên cấp cơ bản, hoặc từ cấp cơ bản lên cấp chuyên sâu. Việc chuyển cơ sở này dựa trên yêu cầu chuyên môn, tình trạng sức khỏe của người bệnh hoặc khi vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở đang điều trị.

Người bệnh từ cơ sở khám chữa bệnh cấp ban đầu có thể được chuyển thẳng lên tuyến chuyên sâu, nếu năng lực điều trị tại cấp cơ bản không đáp ứng được.

Ngược lại, người bệnh khi đã điều trị ổn định tại bệnh viện cấp chuyên sâu hoặc cơ bản có thể được chuyển ngược về cấp cơ bản hoặc ban đầu để tiếp tục điều trị, theo dõi, đặc biệt là đối với các bệnh lý mạn tính.

Điều này khuyến khích phân tầng điều trị hợp lý, giảm tải cho tuyến trên và phát huy vai trò y tế cơ sở.

Ngoài ra, trường hợp cấp cứu cũng được quy định rõ ràng và linh hoạt hơn. Cụ thể, sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh có thể được tiếp tục điều trị nội trú tại cơ sở tiếp nhận cấp cứu ban đầu hoặc chuyển sang cơ sở khác theo chuyên môn, hoặc chuyển về tuyến ban đầu nếu đã ổn định. Quy định này giúp đảm bảo tính liên tục trong điều trị mà không làm gián đoạn quyền lợi BHYT.

Với quy định mới, việc chuyển người bệnh được thiết kế linh hoạt hơn, dựa trên năng lực thực tế của cơ sở y tế và nhu cầu điều trị của người bệnh.

Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Tuổi Trẻ Online)