Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được áp dụng các yêu cầu thẩm định kỹ lưỡng đơn giản hơn, giúp giảm gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp.

Quy định EUDR, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2025, là một phần trong nỗ lực của EU nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng toàn cầu thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các chuỗi cung ứng sản phẩm nông – lâm nghiệp. EUDR áp dụng đối với các mặt hàng như gỗ, ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, cao su và thịt bò, cùng một số sản phẩm phái sinh như da, sô-cô-la và đồ nội thất.
Trong văn bản pháp lý công bố ngày 22/5, EC cho biết chỉ có 4 quốc gia bị xếp vào nhóm “rủi ro cao” gồm Belarus, Myanmar, Triều Tiên và Nga. Các quốc gia như Brazil và Indonesia, nơi từng ghi nhận tỷ lệ phá rừng cao, được phân loại vào nhóm “rủi ro tiêu chuẩn”, với mức độ kiểm soát trung bình.
Bên cạnh việc công bố hệ thống phân loại quốc gia, EC cũng thông báo một loạt điều chỉnh nhằm giảm bớt gánh nặng hành chính và chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp trong và ngoài khối EU. Một điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp lớn sẽ được phép tái sử dụng các bản kê khai thẩm định kỹ lưỡng trước đó khi tái nhập khẩu hàng hóa đã được đưa vào thị trường châu Âu.
EC nhấn mạnh mục tiêu của việc đơn giản hóa này là “đảm bảo nhập liệu dễ dàng và hiệu quả cho tất cả người dùng”. Ngoài ra, các hướng dẫn kỹ thuật và tài liệu hỏi đáp thường gặp (FAQ) đã được phát hành từ ngày 15/4 để hỗ trợ các bên liên quan trong quá trình chuẩn bị tuân thủ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng việc Việt Nam được xếp vào nhóm “rủi ro thấp” là kết quả tích cực của những nỗ lực hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua, đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại (VPA/FLEGT), cũng như các hoạt động phối hợp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo đánh giá của EC, các quốc gia thuộc nhóm “rủi ro thấp” sẽ được áp dụng quy trình kiểm soát đơn giản hơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và xuất khẩu.
Trong khuôn khổ Khung hợp tác và cam kết chiến lược (SFCE), EC đang đẩy mạnh đối thoại với các quốc gia thứ ba, doanh nghiệp và tổ chức xã hội dân sự nhằm hỗ trợ triển khai EUDR hiệu quả. Trong năm 2024, EC đã tổ chức hơn 300 cuộc họp, 50 hội thảo trực tuyến và sản xuất các tài liệu đào tạo được dịch ra 50 ngôn ngữ, nhằm hỗ trợ các nước đối tác, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, EC đã tăng ngân sách cho sáng kiến “Team Europe” lên 86 triệu euro để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chuyển đổi sang chuỗi cung ứng hợp pháp, bền vững và không gây phá rừng.
EC khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và chính phủ các nước trong quá trình triển khai thực tế EUDR, đảm bảo thực thi hiệu quả mà không gây cản trở đến thương mại hợp pháp và phát triển kinh tế.