Vinacafé Biên Hoà (VCF): Lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng 34%, hoàn thành 53% kế hoạch

CTCP Vinacafé Biên Hoà (Mã CK: VCF) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 với lợi nhuận sau thuế đạt 249,1 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn một nửa chặng đường kế hoạch lợi nhuận cho cả năm ở kịch bản thấp.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2025, Vinacafé Biên Hoà ghi nhận doanh thu thuần đạt 635,9 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024. Giá vốn hàng bán tăng ở mức thấp hơn (6,2%), giúp lợi nhuận gộp trong kỳ tăng 26,3%, đạt 134,3 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 18,5% lên 21,1%.

Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm đáng kể, lần lượt ở mức 614,2 triệu đồng (giảm 44,2%) và 5,1 tỷ đồng (giảm 19%).

Sau khi trừ các chi phí, Vinacafé Biên Hoà báo lãi sau thuế quý 2/2025 đạt hơn 121 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Phía công ty cho biết, tăng trưởng lợi nhuận đến từ việc tiêu thụ tốt các sản phẩm chủ lực như cà phê hòa tan Vinacafé, Wake-Up và nước tăng lực Wake-Up 247, kết hợp với việc quản lý chi phí hoạt động hiệu quả.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu thuần của VCF đạt 1.030,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 249,1 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 19,3% về doanh thu và 33,5% về lợi nhuận so với nửa đầu năm 2024. Bình quân mỗi ngày trong 6 tháng qua, doanh nghiệp ghi nhận khoản lãi gần 1,38 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, VCF đã thông qua kế hoạch kinh doanh với hai kịch bản. Kịch bản thấp đặt mục tiêu doanh thu 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 470 tỷ đồng. Kịch bản cao hơn là 2.950 tỷ đồng doanh thu và 516 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Như vậy, sau nửa chặng đường, VCF đã hoàn thành 38,2% kế hoạch doanh thu và 53% kế hoạch lợi nhuận của kịch bản thấp. So với kịch bản cao, công ty thực hiện được 34,9% chỉ tiêu doanh thu và 48,3% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của Vinacafé Biên Hoà ở mức 2.732,1 tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm.

Cơ cấu tài sản có sự thay đổi khi tài sản ngắn hạn tăng 51,9% lên 1.279,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 43% (đạt 654,4 tỷ đồng) và giá trị hàng tồn kho tăng gần gấp đôi lên 552,8 tỷ đồng.

Ngược lại, tài sản dài hạn giảm 11,7% xuống còn 1.452,6 tỷ đồng, chủ yếu do giảm các khoản đầu tư tài chính dài hạn.

Tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối quý 2 là 588,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm và chiếm khoảng 21,5% tổng nguồn vốn. Cơ cấu nợ chủ yếu là nợ ngắn hạn với 583,9 tỷ đồng, trong đó các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 183,7 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của VCF đạt 2.144 tỷ đồng, trong đó có 1.464,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Công ty mẹ của VCF là Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) hiện đang nắm giữ 98,89% vốn điều lệ.