Như Người Đưa Tin đã đăng tải, UBND Tp.Huế vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban thường vụ Thành uỷ về vụ việc một số diện tích rừng ven biển thuộc xã Quảng Công (nay là phường Phong Quảng, Tp.Huế) bị chặt hạ.

Toàn cảnh khu vực rừng bị chặt hạ.
Theo báo cáo, ngày 2/7, lực lượng Kiểm lâm địa bàn phát hiện diện tích lớn rừng keo lưỡi liềm tại thôn An Lộc (tiểu khu 89, phường Phong Quảng, TP. Huế) bị khai thác. Kết quả kiểm tra cho thấy có 3,1416ha rừng bị chặt hạ, gồm 2,5843ha rừng phòng hộ và 0,5573ha rừng sản xuất, với tổng số 1.461 cây bị triệt hạ.
Đáng nói, toàn bộ khu rừng này thuộc Dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát (dự án 661), trồng từ năm 2008 bằng vốn ngân sách Nhà nước và được quản lý luân phiên qua nhiều cơ quan, đơn vị. Đến thời điểm bị chặt phá, khu rừng do UBND phường Phong Quảng (trước là xã Quảng Công) trực tiếp quản lý.

Có tổng cộng 1.461 cây đã bị triệt hạ.
Theo điều tra ban đầu, ngày 19/2, UBND xã Quảng Công (nay là phường Phong Quảng) đã tổ chức cuộc họp nội bộ và thống nhất thanh lý 8ha rừng sản xuất cho một cá nhân là ông Nguyễn Văn Quốc với số tiền 85 triệu đồng. Việc thanh lý không thông qua bất kỳ trình tự, thủ tục nào theo quy định pháp luật, cũng không được cấp huyện, tỉnh phê duyệt.
Sau đó, ông Quốc được cán bộ địa chính xã chỉ vị trí khai thác, thuê 6 lao động khai thác trong vòng 12 ngày, thực tế chỉ mới chặt hơn 3,1ha, trong đó bao gồm diện tích rừng phòng hộ, vốn không được phép khai thác dưới mọi hình thức nếu không có quyết định từ cấp có thẩm quyền.
Nghiêm trọng hơn, số tiền 85 triệu đồng không hề được nộp vào ngân sách. Ban đầu, ông Quốc chuyển khoản cho thủ quỹ xã là bà Cao Thị Thủy, nhưng sau đó tiền lại được rút ra, chia cho các cá nhân gồm: 35 triệu đồng giao cho ông Lê Nguyễn Oai, Phó Chủ tịch xã; 30 triệu đồng chuyển khoản cho ông Nguyễn Đình Thông, Chủ tịch UBND xã (hiện là Phó Chủ tịch phường).
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Minh Loan, đoàn Luật sư Tp.Huế cho rằng, qua các thông tin trên thì vụ việc này có dấu hiệu hình sự, đặc biệt nghiêm trọng khi liên quan đến rừng phòng hộ, loại rừng được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt.

Luật sư Trần Minh Loan.
Theo luật sư Loan, xâu chuỗi những hành vi của những cá nhân liên quan thì có thể khởi tố để điều tra về một số tội danh như: Tội Hủy hoại rừng (Điều 243, Bộ luật Hình sự) với hành vi khai thác trái phép rừng phòng hộ hơn 2,5ha, khai thác 1.331 cây gỗ.
Ngoài ra, còn có tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356), áp dụng cho cán bộ xã ra chủ trương thanh lý, chỉ đạo, giám sát và nhận tiền.
Bên cạnh đó, có thể xem xét tội Tham ô tài sản (Điều 353) nếu xác định có hành vi chiếm đoạt tiền bán rừng vì mục đích cá nhân. Và tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219) do bán rừng công không qua quy trình, gây thiệt hại ngân sách và tài nguyên.
Hiện Công an Tp.Huế đã vào cuộc điều tra theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ, giám định giá trị thiệt hại tài nguyên và xem xét trách nhiệm của từng cá nhân.
Luật sư Trần Minh Loan nhấn mạnh, cần tạm đình chỉ công tác các cán bộ liên quan để đảm bảo tính khách quan trong điều tra, xử lý nghiêm sai phạm và tránh nguy cơ tẩu tán chứng cứ.
“Đây không chỉ là vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý lâm nghiệp, mà còn là bài học cảnh tỉnh về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý tài sản công, rừng tự nhiên và rừng trồng từ ngân sách Nhà nước. Việc “tự cho phép”, “tự bán” rừng như ở xã Quảng Công (cũ) cho thấy sự xem nhẹ pháp luật, thiếu cơ chế kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng", luật sư Loan nhận định.
Lê Kông - Công Định