8h30 TỌA ĐÀM: Chuyển đổi số - Cầu nối “sống còn” giữa hai cấp chính quyền địa phương

(Chinhphu.vn) - Vào lúc 8h30 ngày 24/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương", thảo luận sâu về kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào thực tế xây dựng và vận hành mô hình chính quyền mới.

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, trong đó, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đặt ở vị trí trung tâm, không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là yếu tố quyết định năng lực điều hành, quản trị xã hội trong bối cảnh chuyển đổi sâu sắc của thời đại số. Chuyển đổi số không chỉ là công cụ, mà là nền tảng kiến tạo mô hình chính quyền mới - minh bạch, linh hoạt, gần dân và vì dân.

Kể từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành phố trong cả nước bắt đầu triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã). Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số ngày 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Chuyển đổi số chính là hệ thần kinh Trung ương, là cầu nối "sống còn" giữa tỉnh và xã; là bộ não dữ liệu để tổng hợp, phân tích, cảnh báo sớm tình hình, không để xảy ra vùng trũng thông tin".

Mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 17/7/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính, chuyển đổi số giai đoạn đầu vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Thủ tướng cũng đã nhiều lần nêu rõ, điều quan trọng nhất là chuyển trạng thái từ hành chính quản lý, thụ động chờ người dân, doanh nghiệp tới để giải quyết công việc, sang hành chính kiến tạo phát triển và phục vụ người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, gần dân, sát dân, tận tụy phục vụ nhân dân.

Để thực hiện những chỉ đạo trên, nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào thực tế xây dựng và vận hành mô hình chính quyền mới ra sao; kinh nghiệm từ các địa phương trong ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị và phục vụ người dân như thế nào; yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực số, cũng như những thách thức trong bảo mật và an toàn thông tin trên môi trường số đang đặt ra ra sao… Tất cả những nội dung này sẽ được phân tích, đánh giá và luận bàn trong chương trình Tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức.

Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội, đại diện thực tiễn một địa phương thuộc thành phố Hà Nội và các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số và quản trị địa phương.

TRỰC TIẾP Tọa đàm: Chuyển đổi số - Cầu nối “sống còn” giữa hai cấp chính quyền địa phương- Ảnh 1.

Các khách mời tham dự Tọa đàm (từ trái sang): Bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, TP. Hà Nội; ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam; ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các khách mời tham dự Tọa đàm có:

- Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

- Ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội;

- Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ;

- Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam;

- Bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, TP. Hà Nội.

Đang cập nhật...