Quảng Trị: Truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để dịch tả lợn châu Phi bùng phát diện rộng

Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên địa bàn, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa có chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho người dân.

Ngày 25/7, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, sau hơn hai tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 16 xã trên địa bàn với hơn 4.600 con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy. Diễn biến dịch đang ngày càng phức tạp, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống.

Quảng Trị: Truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng- Ảnh 1.

Hình ảnh lợn chết được phát hiện vứt ngoài ao hồ ở Quảng Trị.

Trong bối cảnh chính quyền cơ sở vừa sáp nhập, các xã, phường đã nỗ lực vào cuộc. Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã ban hành nhiều hướng dẫn kỹ thuật, phối hợp chặt chẽ cùng địa phương triển khai các biện pháp dập dịch. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn gặp khó khăn như thiếu nhân lực thú y, thiết bị phòng dịch, kinh phí và điều kiện chuồng trại còn lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ lan rộng nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt.

Đà Nẵng xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình đó, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành văn bản yêu cầu các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc các giải pháp chống dịch với tinh thần “quyết liệt, không lơ là”. Đáng chú ý, người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh phát sinh trên diện rộng do chủ quan, buông lỏng quản lý.

Công văn nhấn mạnh, Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các xã, phường, đặc khu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật nếu bị phát hiện thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch.

UBND tỉnh cũng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó người dân giữ vai trò trung tâm trong phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh.

Ngay tại cơ sở, các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch động vật cấp xã phải được thành lập khẩn cấp, cùng với các “Đội phản ứng nhanh” xử lý kịp thời các ổ dịch, tổ chức tiêu hủy đúng quy trình. Các địa phương có dịch phải duy trì chốt kiểm soát 24/24 giờ, tăng cường giám sát, không để mầm bệnh phát tán.

Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, bố trí lại nhân viên thú y tại các xã theo hướng dẫn của Sở Nội vụ để đảm bảo năng lực chuyên môn cho xử lý dịch, kiểm soát giết mổ, tiêu độc, khử trùng định kỳ. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, ngăn chặn hành vi vứt xác lợn ra môi trường, giấu dịch, bán chạy lợn bệnh cũng được đặc biệt nhấn mạnh.

Chính quyền các cấp có trách nhiệm quản lý chặt hoạt động vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn. Các hộ chăn nuôi, tiểu thương phải ký cam kết không tiêu thụ, vận chuyển lợn chưa qua kiểm dịch.

Với các trang trại có điều kiện an toàn sinh học, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ lấy mẫu xét nghiệm. Nếu kết quả âm tính, cán bộ thú y sẽ hướng dẫn giết mổ, đưa thịt ra thị trường nhằm ổn định nguồn cung, ngăn tình trạng đầu cơ, trục lợi từ dịch bệnh.

Ngoài ra, công tác tiêu hủy và xử lý môi trường cũng được chú trọng. Các hố chôn lợn bệnh phải đảm bảo đúng kỹ thuật, không để mầm bệnh phát tán. Việc bố trí kinh phí cho vật tư, trang thiết bị, phương tiện tiêu hủy và lực lượng phòng dịch đã được UBND tỉnh yêu cầu thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Lê Kông