Biến động trái chiều trong bức tranh tổng tài sản và tiền gửi ngân hàng quý I/2025

07/05/2025 08:30

Tổng tài sản và tiền gửi ngân hàng trong quý đầu năm tăng không đồng đều, phản ánh chiến lược kinh doanh khác biệt và sức hút vốn của từng ngân hàng.

Bức tranh tài chính của ngành ngân hàng Việt Nam trong quý I/2025 tiếp tục ghi nhận gam màu tươi sáng khi tổng tài sản và tiền gửi của toàn hệ thống tăng trưởng khả quan.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục sau nhiều biến động, các ngân hàng thương mại không chỉ củng cố nguồn lực tài chính mà còn đẩy mạnh hoạt động tín dụng, cải thiện chất lượng tài sản và gia tăng hiệu quả sử dụng vốn.

VPBank và Techcombank tiến sát mốc tổng tài sản 1 triệu tỷ đồng

Kết thúc quý I/2025, tổng tài sản toàn ngành tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3% so với cuối năm 2024.

Trong số 27 ngân hàng, ngoài 3 ngân hàng ghi nhận tổng tài sản giảm là LPBank giảm và MSB giảm 2% xuống 499.895 tỷ đồng và 314.727 tỷ đồng, TPBank giảm 7% xuống 388.891 tỷ đồng, các ngân hàng còn lại đều ghi nhận mức tăng khả quan.

Kỳ này, NCB ghi nhận mức tăng mạnh nhất với 10% lên 130.883 tỷ đồng. Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng có đà tăng nhanh là VPBank, VietABank tăng 8%, Nam A Bank và VietBank tăng 7%.

Dù vậy trong số các ngân hàng trên, ngoài VPBank, vẫn chưa đơn vị nào lọt vào top 10 tổng tài sản. Nhóm quốc doanh vẫn tiếp tục đứng vững với đầu bảng là BIDV ghi nhận tổng tài sản đạt gần 2,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm.

Theo sau là VietinBank với tổng tài sản hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% so với cuối năm 2024. Vietcombank tiếp tục giữ vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng với tổng tài sản đạt trên 1,97 triệu tỷ đồng, tăng 2,3% so với đầu năm.

Bám sát sau nhóm quốc doanh là MB với tổng tài sản hơn 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2024. VPBank với mức tăng trưởng tài sản 8% lên 994.037 tỷ đồng đã vươn lên xếp thứ 5 và Techcombank với đà tăng khiêm tốn 1% trong quý này lên 989.216 tỷ đồng tạm lùi về vị trí thứ 6. Hai ngân hàng này đều đang tiến đến sát mốc tổng tài sản 1 triệu tỷ đồng.

Năm nay, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản hợp nhất tăng 23% lên hơn 1,13 triệu tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 28/4 vừa qua, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc ngân hàng này thông tin theo tiến độ hiện tại, chỉ trong vòng 1-2 tháng nữa, tổng tài sản của ngân hàng sẽ vượt 1 triệu tỷ đồng.

Lần lượt nắm giữ các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng là ACB với tổng tài sản đạt gần 891.675 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2024; SHB với 790.742 tỷ đồng tài sản, tăng 6%; Sacombank ghi nhận tài sản hơn 757.093.000 tỷ đồng, tăng 1% và HDBank với tổng tài sản 711.311 tỷ đồng, tăng 2%.

Ba ngân hàng hiện có tổng tài sản thấp nhất hệ thống là Kienlongbank (97.164 tỷ đồng); PGBank (73.552 tỷ đồng) và Saigonbank (33.506 tỷ đồng).

Tiền gửi của một ông lớn quốc doanh giảm

Trong ba tháng đầu năm 2025, lượng tiền gửi khách hàng tại phần lớn ngân hàng đều có xu hướng tăng. Tổng hợp từ 27 ngân hàng, lượng tiền gửi của khách hàng đã tăng 2,4% so với năm trước lên hơn 11,4 triệu tỷ đồng.

Một số ngân hàng có ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi lớn như VPBank tăng 13,7% lên 552.374 tỷ đồng; Nam A Bank tăng 11,4% lên 176.386 tỷ đồng; Kienlongbank tăng 11,8% lên 70.990 tỷ đồng.

Ngược lại, nhiều ngân hàng lớn ghi nhận lượng tiền gửi giảm. Trong đó có cả ông lớn Big4 là Vietcombank với hơn 1,5 triệu tỷ đồng tiền gửi, giảm 0,4% so với cùng kỳ. Tiền gửi tại Techcombank cũng giảm 0,3% xuống 531.583 tỷ đồng, tiền gửi tại TPBank giảm 4% xuống 233.155 tỷ đồng… SeABank có mức giảm nhiều nhất là 4,9% xuống còn 160.043 tỷ đồng.

Dù tiền gửi giảm, Vietcombank và Techcombank vẫn thuộc top đầu trong bảng xếp hạng tiền gửi ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank đứng thứ 3 sau hai ngân hàng quốc doanh khác là BIDV với hơn 1,97 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 1% và VietinBank với hơn 1,62 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 0,9%.

Ngay sau nhóm quốc doanh, MB tiếp tục cho thấy vị thế của mình khi xếp vị trí thứ 4 với 722.622 tỷ đồng tiền gửi, tăng 1,2%. Xếp thứ 5 là Sacombank với tiền gửi tăng 35 so với năm trước lên 585.569 tỷ đồng.

Các vị trí còn lại trong bảng xếp hạng tiền gửi lần lượt thuộc về VPBank (552.374 tỷ đồng), ACB (550.375 tỷ đồng), Techcombank (531.583 tỷ đồng), SHB (530.116 tỷ đồng) và cuối cùng là HDBank với hơn 465.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm trước.

Big4 chiếm lĩnh top đầu tổng tài sản, tiền gửi ngân hàng năm 2024Big4 chiếm lĩnh top đầu tổng tài sản, tiền gửi ngân hàng năm 2024
09/02/2025 08:00
So găng tổng tài sản các ngân hàng sau 9 tháng 2024So găng tổng tài sản các ngân hàng sau 9 tháng 2024
06/11/2024 08:00

Số liệu quý I/2025 cho thấy xu hướng tăng trưởng tổng tài sản và tiền gửi trong hệ thống ngân hàng vẫn tiếp diễn, nhưng tốc độ đã có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

Một số tổ chức tín dụng mở rộng được quy mô huy động và tài sản, phản ánh khả năng thu hút vốn và duy trì thanh khoản tốt; trong khi đó, không ít ngân hàng lớn lại ghi nhận sự sụt giảm nhẹ ở cả hai chỉ tiêu.

Diễn biến này cho thấy cuộc cạnh tranh về nguồn vốn và chiến lược tăng trưởng đang ngày càng rõ nét. Đồng thời, việc tăng trưởng không đồng đều cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về năng lực quản trị tài chính, chất lượng dịch vụ và mức độ tin cậy đối với khách hàng gửi tiền.

Bạn đang đọc bài viết "Biến động trái chiều trong bức tranh tổng tài sản và tiền gửi ngân hàng quý I/2025" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).