Các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn

Ngày 20/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành văn bản số 2254/BNNMT - ĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về việc chủ động ứng phó với mưa lớn.
Chú thích ảnh Ảnh minh họa: Vũ Quang/TTXVN

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 22/5 đến ngày 24/5, khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 70 - 150 mm, có nơi trên 250 mm; từ chiều tối và đêm 23/5 đến đêm 24/5, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa từ 40 - 100 mm, có nơi trên 150 mm; có thể xuất hiện mưa cục bộ với cường suất lớn trên 80 mm trong 3 giờ.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các tỉnh, thành phố nêu trên theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ cho các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động phòng tránh. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khỉ xảy ra mưa lớn.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố nêu trên sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đồng thời chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tăng cường thông tin về diễn biến của mưa lớn đến các cấp chính quyền và người dân.

Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Trong những ngày vừa qua, mưa lớn đã xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại một số địa phương, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã làm 4 người chết và 3 người bị thương.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 20 giờ 40 phút ngày 20/5 đến 2 giờ 40 phút ngày 21/5, khu vực các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến như từ 10 - 30 mm, có nơi trên 70 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Như Xuân, Quan Sơn, Thạch Thành, Thường Xuân, Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa); Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương (tỉnh Nghệ An). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Để phòng chống lũ quét, sạt lở đất cần phải sử dụng các giải pháp về công trình và phi công trình.

Đối với các biện pháp công trình, cần thực hiện trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.

Xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét, khai thông các đường thoát lũ, xây dựng đê, tường chắn lũ quét, phân dòng lũ, xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước.

Do đặc điểm các sông của miền Trung ngắn và dốc, để tránh tình trạng làm cản dòng lũ gây ra ngập lụt, lũ quét và ách tắc giao thông cần phải tính toán quy hoạch tiêu lũ của các hệ thống cầu cống trên các hệ thống đường sắt và đường bộ.

Đối với các biện pháp phi công trình, cần lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét). Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét.

Quy hoạch sử dụng đất hạn chế phát triển trong vùng nguy cơ lũ quét cao. Đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây, cần có quy hoạch lại và tái định cư, đưa đân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.

Cùng với đó là điều chỉnh điều kiện mặt đệm lưu vực và các khu trữ lũ như thực hiện biện pháp "nông, lâm kết hợp" để chống xói mòn, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, phát huy hiệu quả sử dụng đất...

Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, cần có các phương án cụ thể để phòng tránh như: Xây bản đồ nguy cơ ngập lụt khu chịu lũ, các phương án sơ tán, các tuyến đường sơ tán và vị trí tập kết; chọn các khu vực, vị trí cao không bị ảnh hưởng của lũ quét, xây dựng một số nhà kiên cố để tập kết các tài sản, lương thực và con người khi có lũ quét; có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em; thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của dân trong thời gian có lũ quét.

Ngoài ra, mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh.

Từ 17 giờ đến 19 giờ ngày 20/5, khu vực các tỉnh trên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Cửa Đạt (Thanh Hoá) 93 mm, Bái Thượng  (Thanh Hoá) 56,2 mm; Tăng Thành (Nghệ An) 37,2 mm...

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.