Đà Nẵng chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt

17/04/2024 16:30

(Chinhphu.vn) - Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong bối cảnh xâm nhập mặn, lưu lượng nước thượng nguồn về thấp, TP. Đà Nẵng đã triển khai đồng loạt các giải pháp ứng phó.

Lo thiếu nước, xâm mặn

Theo Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), từ đầu tháng 4/2024 đến nay độ mặn đo được tại Nhà máy nước Cầu Đỏ thường xuyên duy trì trên 1000 mg/l. Độ mặn này bắt buộc nhà máy nước phải đóng kín cửa thu nước trên sông Cầu Đỏ và vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch để bơm nước trên sông Yên về.

Có thời điểm độ mặn đo được ở mức nước sâu là 10.346 mg/l, vượt nhiều lần so với giá trị độ mặn quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. 

Tại đập dâng An Trạch, mực nước sông Yên cũng thường hạ thấp vào các ngày nghỉ cuối tuần và khi các nhà máy thủy điện vận hành xả với lưu lượng nhỏ.

Trong khi đó, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Trung Trung Bộ, trong tháng 4 tổng lượng dòng chảy trên sông Vu Gia tại trạm Thành Mỹ ở mức thấp hơn 85% so với trung bình nhiều năm. Lượng mưa trong tháng 4 và 5 thấp, nên lưu lượng dòng chảy ở mức thấp hơn từ 15-55% so với trung bình nhiều năm.

Theo nhận định của Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, do nhu cầu tiêu thụ điện giảm thấp trong đợt nghỉ lễ, cộng thêm điện mặt trời sẽ được huy động lớn trong thời gian ban ngày nên thủy điện sẽ không được huy động phát điện trong thời gian này. Điều này đồng nghĩa với việc nước từ thượng nguồn đổ về Đà Nẵng ít, có khả năng không đủ cao trình để đảm bảo hoạt động lấy nước ở trạm bơm An Trạch.

Chủ động các giải pháp ứng phó

Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các ngành, đơn vị vận hành hiệu quả trạm bơm phòng mặn An Trạch để đưa đầy đủ nguồn nước thô từ đập An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay trong trường hợp bị nhiễm mặn.

Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức vận hành hiệu quả, khai thác tối đa công suất các nhà máy nước khác mà nguồn nước thô không bị ảnh hưởng bởi vấn đề xâm nhập mặn trên địa bàn thành phố như nhà máy nước Hòa Liên sử dụng nước trên lưu vực sông Cu Đê; nhà máy nước sử dụng nước từ hồ Hòa Trung; nhà máy nước sử dụng nước từ suối của núi Hải Vân; nhà máy nước sử dụng nước ở hồ Xanh khu vực núi Sơn Trà và các nhà máy nhỏ lẻ sử dụng nước từ các khe suối khác.

Đặc biệt, rà soát và tổ chức triển khai kịp thời kế hoạch cấp nước an toàn của Thành phố, cập nhật những nội dung mới phát sinh trong năm 2024 để ứng phó nhanh với các tình huống cực đoan, bất khả kháng với 8 kịch bản chính, tương ứng với từng mốc nhiễm mặn khác nhau, các tình huống sự cố có thể xảy ra ảnh hưởng đến an toàn cấp nước. 

Trong đó, bao gồm cả việc tính giải pháp đắp đập tạm trên sông Cẩm Lệ, tại hạ lưu nhà máy nước Cầu Đỏ để lấy nguồn nước thô của toàn bộ lưu vực sông Túy Loan, trong trường hợp đã áp dụng tất cả các biện pháp nhưng vẫn không đủ nước để cấp.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành của UBND tỉnh Quảng Nam để sớm triển khai thi công gia cố, đắp đập tạm trên sông Quảng Huế nhằm điều tiết tăng lượng nước về hạ du sông Vu Gia; thường xuyên theo dõi và yêu cầu chủ các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tổ chức vận hành hồ với lưu lượng, thời gian xả theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Lưu Hương




Bạn đang đọc bài viết "Đà Nẵng chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 08 6883 9892) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).